Cơn bão lịch sử có thể làm hơn 10.000 người thiệt mạng, Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng, Nga kỷ niệm Cách mạng tháng Mười…
Người dân Philippines khiêng thi hài nạn nhân bão Haiyan. Đây là cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước vốn hứng chịu nhiều thiên tai này (Ảnh Reuters)

Bão Haiyan – một trong những cơn bão được đánh giá là mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử đã đổ bộ và tàn phá miền trung Philippines ngày 8/11. Mặc dù chính phủ Philippines chưa có số liệu chính thức về thương vong, nhưng theo lời cảnh sát địa phương, số người thiệt mạng do bão Haiyan có thể lên tới 10.000 người chỉ riêng tại tỉnh Leyte, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Philippines do siêu bão. Theo đánh giá ban đầu, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, giao thông đường bộ không thể đi lại trong khi cư dân đang cần được hỗ trợ lương thực, nước uống, nơi ở và điện sinh hoạt.
Trước những mất mát và thiệt hại mà người dân Philippines đang phải hứng chịu, nhiều nước trên thế giới bày tỏ mong muốn hỗ trợ Philippines vượt qua khó khăn hiện nay.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm qua (9/11) bày tỏ lấy làm tiếc về số thương vong cũng như thiệt hại tại Philippines do cơn bão Haiyan gây ra. Tổng thư ký gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Philippines, đồng thời khẳng định, các cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc và các đối tác đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Philippines để giúp đánh giá tình hình và trợ giúp nhanh người dân nếu cần thiết.

Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập, ông Morsi, đụng độ với lực lượng an ninh trong cuộc biểu tình hôm thứ Sáu vừa qua (8/11) (Ảnh: Wochit)

Tổ chức Anh em Hồi giáo cùng các lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và tuần hành tại nhiều địa phương khác nhau, trong đó có thủ đô Cairo, nhằm phản đối phiên tòa xét xử ông Morsi (ngày 4/11).

Báo Kim Tự Tháp dẫn nguồn tin từ nhà tù “Tháp A rập” ở thành phố Alexandria, phía bắc Ai Cập cho biết, cựu Tổng thống Mohamed Morsi đã bị sốc khi biết tin bị chuyển tới nhà tù, chứ không phải trở lại nơi quản thúc, sau khi kết thúc phiên xét xử đầu tiên ngày 4/11 vừa qua. Tình hình Ai Cập vẫn diễn biến phức tạp do làn sóng biểu tình của sinh viên phe Hồi giáo và các lực lượng ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo, sẽ còn tiếp diễn.

Điệp viên hàng đầu của Anh đã xuất hiện trước công chúng hôm thứ Năm (7/11) và cho biết việc cựu nhân viên an ninh Edward Snowden tiết lộ hàng ngàn tài liệu đã gây thiệt hại nghiêm trọng  (CBSTV)

Ngày 7/11, những người đứng đầu các cơ quan tình báo của Anh có buổi điều trần đầu tiên trước Quốc hội nước này về những thông tin mà cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden tiết lộ cho thấy vai trò của Anh trong chương trình giám sát trên toàn cầu của Mỹ.

Đây cũng là lần đầu tiên một phiên điều trần trước Quốc hội Anh về hoạt động tình báo được tường thuật trực tiếp cho công chúng trong bối cảnh chính phủ Anh đang chịu sức ép của dư luận trong nước yêu cầu tăng cường giám sát 3 cơ quan tình báo chính của nước này.
Cùng ngày, tờ New York Times đưa tin mỗi năm Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thanh toán biên lai 10 triệu USD cho các nhà mạng để thu thập thông tin. Thông tin trên đưa ra trong bối cảnh, vụ bê bối nghe lén không chỉ khiến hoạt động tình báo Mỹ “lao đao” mà Anh, đồng minh thân cận với Mỹ cũng đã phải liên tiếp đưa ra những lời giải thích đối với các đối tác.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi được các nhà báo vây quanh sau một cuộc họp báo kết thúc ngày thứ 3 cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, ngày 10/11 (Ảnh AFP)

Bất chấp việc thương lượng được kéo dài thêm một ngày, cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) tại Geneva, Thụy Sĩ kết thúc sáng nay (10/11) mà không đạt được thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, các bên nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 20/11 tới để tiến hành các cuộc đàm phán mới.

Hãng thông tấn ISNA dẫn lời Ngoại trưởng Iran khẳng định, các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran hiện đã đạt được một số tiến triển, nhưng vẫn tồn tại những “khác biệt”.

Cuộc diễu hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga được tổ chức vào ngày 7/11 trên Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga (Ảnh Reuters)

Chiều tối 7/11, kỷ niệm tròn 96 năm Cách mạng Xã hội chủ  nghĩa Tháng Mười Nga thành công, tại trung tâm Thủ đô Moscow, như thường lệ diễn ra cuộc tuần hành lớn, với sự tham gia của đông đảo những người Cộng sản Nga, bất chấp thời tiết mưa lạnh. Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Ziuganov cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và các đảng viên đã tham dự cuộc tuần hành.

Không chỉ cuộc tuần hành, mít-tinh lớn diễn ra ở thủ đô Moscow, trên hầu khắp các tỉnh, thành phố của Liên bang Nga đều có những hoạt động kỷ niệm rất long trọng và được gọi là “Những cuộc tuần hành và mít tinh Đỏ”.

Chiến binh của Quân đội Syria Tự do tại thành phố Aleppo, Syria (Ảnh AP)

Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, cụ thể là tổ chức một hội nghị quốc tế với tên gọi Geneva 2, một thành viên của phe đối lập lưu vong Liên minh dân tộc Syria ngày 9/11 lại phát biểu rằng không có lý do gì để tin tưởng Hội nghị Geneva 2 bàn về hòa bình cho Syria sẽ thành công.

Trước đó, phe đối lập Syria đã đồng ý tới Moscow để tham dự các cuộc đối thoại không chính thức nhằm thúc đẩy Hội nghị Geneva 2. Các cuộc gặp nhằm thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2 do Nga và Mỹ đề xuất hồi tháng 5 vừa qua. Tại cuộc gặp, các bên nhấn mạnh sự cấp thiết phải tìm ra giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria thông qua một cuộc đối thoại toàn diện mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào.Cuộc đối thoại này cần có sự tham dự của chính phủ Syria, phe đối lập, các nhóm dân tộc và tôn giáo tại Syria.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9/11 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là kỳ họp được dự báo sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng “mang tính lịch sử”, thông qua phương án cải cách tổng thể nhằm định hướng phát triển cho Trung Quốc trong thời gian từ 5-10 năm tới.
Theo dư luận đánh giá, 6 nội dung ưu tiên cải cách mà Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu tại Vũ Hán vào cuối tháng 7 vừa qua, cũng như nội dung phương án cải cách có tên gọi “383” do Trung tâm nghiên cứu Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố cuối tháng trước có thể được coi là những nội dung cải cách chính yếu mà Hội nghị lần này sẽ đề cập.

Dư luận Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Trung ương 3 lần này sẽ đưa ra được những quyết sách trọng đại về cải cách, đưa Trung Quốc bước sang một giai đoạn phát triển mới./.

Theo : Bích Đào/VOV online
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *