(kontumtv.vn)  – Tuần qua Trung Quốc lại điều thêm giàn khoan vào Biển Đông. Hành động này vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế.

Hãng ABC của Australia cho hay Tổng thống Obama hôm 20/6 đã kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết các tranh cãi về chuyện giàn khoan ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình và tránh leo thang căng thẳng.

Hãng này dẫn lời ông Obama tuyên bố như sau: “Điều quan trọng là chúng ta có khả năng giải quyết tranh chấp hàng hải theo luật quốc tế, và khuyến khích các bên liên quan duy trì khung pháp lý để giải quyết các vấn đề này, đối lập với nguy cơ leo thang có thể tác động xấu tới tự do hàng hải và thương mại”.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Đình Thiệu- Vinh Thông)
Trong cuộc họp báo hôm 20/6 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát ngôn viên của Bộ này – bà Jen Psaki cũng đã nhận được nhiều câu hỏi từ phóng viên về động thái mới đây của Trung Quốc điều thêm giàn khoan tới khu vực Biển Đông.

Bà nói, Mỹ đang theo dõi sát sao các diễn biến tại Biển Đông và sự di chuyển của các giàn khoan vì Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Châu Âu, Mỹ và cả thế giới cần phải lên tiếng để phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc. Đó là khẳng định của các cựu tướng lĩnh, thượng nghị sỹ Pháp khiến chủ đề Biển Đông nổi bật tại cuộc hội thảo về Việt Nam được tổ chức ngày 17/6 tại Thượng viện Pháp.

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam nhấn mạnh, việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong tổng thể các hành động của Trung Quốc để xác lập và củng cố đường lưỡi bò.

Theo Tướng Schaeffer, châu Âu, Mỹ và cả thế giới cần phải có tiếng nói để ngăn chặn chính sách bá quyền và các hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam, hay các quốc gia khác trong khu vực như Philippines.

Trong khi đó, tại Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” về diễn ra 20-21/6 tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia Mỹ, Pháp, Bỉ, Australia, bằng kinh nghiệm của mình đã tư vấn cho Việt Nam những bước đi pháp lý nhằm khẳng định với thế giới chính nghĩa thuộc về Việt Nam.

Theo GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên Hợp Quốc về theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển như Philippines đã làm.

Ngoài ra Việt Nam có thể đưa tuyên bố về chủ quyền của mình lên hệ thống Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác đã cam kết tuân thủ trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển.

GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á thì cho rằng Việt Nam cần phải thực sự quan tâm đến vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc và có thể đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tác động của nó đến an ninh khu vực.

Trung Quốc có thể ngăn cản việc này hoặc thậm chí ra nghị quyết phản đối nhưng ít nhất là việc bàn thảo đã diễn ra. Điều này có thể dẫn đến việc cộng đồng quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và có những hành động hạ nhiệt căng thẳng.

Lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine (ảnh: ukzambians.co.uk)

Tình hình Ukraine lại gây thêm canh cãi mới khi ngày 20/6, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra lệnh ngừng bắn đơn phương trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, ông Proshenko cảnh báo, các phần tử ly khai có thể sẽ bị tiêu diệt nếu như họ không tận dụng thời gian này như một cơ hội để hạ vũ khí.

Ông Poroshenko cho rằng, lệnh ngừng bắn là bước đi đầu tiên trong kế hoạch hòa bình, trong đó bao gồm việc ân xá cho các tay súng ly khai hạ vũ khí.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ kế hoạch ngừng bắn của chính phủ Ukraine, kêu gọi các bên chấm dứt tất cả các hành động quân sự và ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Nga Putin hoan nghênh lệnh ngừng bắn đơn phương của chính quyền Kiev đồng thời cho rằng đây không phải là một tối hậu thư đối với các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Nga tiếp tục lên án lệnh ngừng bắn của chính quyền Kiev.

Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Saudi Arabia-al-Faisal, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, không thể hiểu nổi tại sao chính quyền Kiev vừa tuyên bố ngừng bắn, vừa gia tăng các hoạt động đẩy lùi các phần tử ly khai tại khu vực Đông-Nam Ukraine.

Hàng loạt vụ tấn công của các nhóm phiến quân khiến tình hình an ninh tại Iraq xấu đi (Ảnh: Reuters)

Tình hình chiến sự tại Iraq khiến thế giới bất an. Bạo lực tiếp tục leo thang nghiêm trọng tại Iraq khi tổ chức Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) mở rộng các cuộc tấn công đánh chiếm nhiều khu vực. Chiến sự cũng đang lan nhanh tới gần thủ đô Baghdad, cho thấy xung đột giáo phái tại quốc gia vùng Vịnh không dễ dàng xoa dịu.

ISIL vẫn đang đẩy mạnh tấn công, hướng tới thủ đô Baghdad. Bạo lực đã làm gián đoạn hoạt động của nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Iraq, gây thiếu hụt năng lượng tại nhiều khu vực.

Theo giới chức Iraq, lực lượng cực đoan đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Baquba, thủ phủ tỉnh Diyala, cách thủ đô Baghdad 60km về phía Bắc. Song các tay súng nổi dậy không thể phá vỡ hàng rào phòng vệ của quân đội Iraq tại đây để tiếp cận thủ đô.

Trước diễn biến chiến sự ác liệt tại Iraq, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tổ chức đối thoại nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực giáo phái bùng phát tại nước này từ một tháng nay. Ông Ban Ki-moon cảnh báo tình trạng bạo lực giáo phái tại Iraq có thể còn tiếp tục leo thang do bạo lực gia tăng.

Ai Cập tuyên án tử hình 183 người. Các bị cáo trên bị buộc tội sở hữu vũ khí trái phép, kích động và âm mưu giết người trong các cuộc đụng độ bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở tỉnh Giza sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi – người xuất thân từ Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Kể từ khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi tháng 7 năm ngoái, hơn 1.400 người ủng hộ ông Morsi đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố.

Ngoài ra, khoảng 16.000 người đã bị bắt giam, trong đó hơn 1.200 người đã bị tuyên án tử hình hàng loạt. Chính quyền Ai Cập buộc tội Tổ chức Anh em Hồi giáo đứng sau hàng loạt vụ tấn công và đánh bom ở nước này, nhưng tổ chức này bác bỏ các cáo buộc trên.

Một vụ đánh bom tại Trung Quốc (Ảnh; Tân Hoa xã)

Trung Quốc đang đối mặt với sự bẩn ổn về tình hình an ninh. Ngày 21/6, tại Tân Cương (Trung Quốc) lại xảy ra đánh bom, 13 người thiệt mạng.

Thông tin trên được đưa lên trang web của chính quyền địa phương như sau: “Sáng 21/6, một nhóm những kẻ tấn công liều chết đã lái xe con lao vào tòa nhà công an ở hạt Yecheng, tỉnh Kashgar và kích hoạt khối thuốc nổ trên xe”.

Trang web này viết “cảnh sát đã bắn chết 13 kẻ tấn công” song không cung cấp thêm chi tiết.

Hôm 16/6, Trung Quốc đã hành quyết 13 người ở khu vực Tân Cương thuộc miền tây Trung Quốc. Những người bị xử tử bị cáo buộc đã tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Ngày 17/6, tại miền Trung của Trung Quốc Nổ kho vũ khí, 17 lính Trung Quốc thiệt mạng.

Vụ nổ hiện được gọi là “tai nạn” diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Trung Quốc đã và trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương.

 Một chiếc thuyền chở người nhập cư trái phép (ảnh minh họa) (Nguồn: AFP)

Người dân Malaysia vẫn chưa bình tĩnh lại sau vụ máy bay MH370 mất tích, nhưng trong thời gian qua nhiều vụ đắm thuyền liên tiếp xảy ra khiến hàng chục người thiệt mạng.

Ngày 18/6, Cơ quan hàng hải Malaysia cho biết, một chiếc thuyền gỗ chở 97 người di cư Indonesia đã bị lật úp và chìm sau khi rời khỏi một cảng biển phía Tây Malaysia.

Theo AP, lực lượng cứu hộ đã cứu được 31 người trên con thuyền đắm và đang tích cực tìm kiếm 66 người hiện còn mất tích.

Hiện nhà chức trách Malaysia vẫn đang tích cực điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Malaysia – nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á, là điểm đến của nhiều người lao động nhập cư từ các nước láng giềng như Indonesia, Bangladesh và Myanmar. Những tai nạn tương tự không phải chuyện hiếm bởi người nhập cư trái phép buộc phải lựa chọn phương án di chuyển đầy mạo hiểm để trốn tránh các lực lượng chức năng.

Người nhập cư trái phép vào Malaysia từ Indonesia thường chọn cách băng qua eo biển Mallaca, vốn được coi là tuyến đường hàng hải nguy hiểm nhất thế giới.

Nhật Bản sẽ nới lỏng thị thực cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Việc này nằm trong kế hoạch hành động chung của Nhật Bản nhằm tăng gấp đôi lượng du khách nước ngoài vào năm 2020.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tổng số khách du lịch nước ngoài hàng năm lên con số 20 triệu vào năm 2020 khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Mùa Hè. Năm ngoái lần đầu tiên Nhật Bản đón 10 triệu lượt du khách nước ngoài.

Tại cuộc họp Chính phủ Nhật Bản hôm 17/6 về thúc đẩy lĩnh vực du lịch, các bộ liên quan nước này đã đưa ra kế hoạch hành động chung nhằm tăng gấp đôi lượng du khách nước ngoài vào năm 2020.

Một trong số các giải pháp được đưa ra là nới lỏng yêu cầu thị thực đối với khách du lịch đến từ Indonesia, Philippines và Việt Nam. Năm ngoái, Nhật Bản đã có bước đi tương tự với du khách Thái Lan và Malaysia.

Kế hoạch trên cũng kêu gọi tăng gấp đôi số lượng cửa hàng miễn thuế tại Nhật Bản lên 10.000 cửa hàng./.

Bùi Hùng/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *