(kontumtv.vn) – Bất chấp những khác biệt trong nhiều vấn đề, cả Mỹ và Ấn Độ đều có một mục tiêu lớn chung để đưa mối quan hệ song phương này tiến xa hơn.

“Quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất của thế kỷ 21”

Ngày 24 và 25/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến công du 2 ngày tới Ấn Độ và trao đổi với Thủ tướng Narendra Modi nhiều vấn đề. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump tới Ấn Độ có vai trò quan trọng bởi sự kiện này đã làm nổi bật ý nghĩa mối quan hệ song phương và tạo đà thúc đẩy những sáng kiến chung của 2 bên.

thong diep dang sau chuyen tham an do cua tong thong trump hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: CNN

Trong một tuyên bố chung bên ngoài dinh thự Hyderabad House của Thủ tướng Ấn Độ ở New Delhi ngày 25/2, Tổng thống Trump đã thể hiện sự lạc quan vào một thỏa thuận thương mại và thông báo về khoản chi phí quốc phòng mới sau cuộc gặp song phương với Thủ tướng Narendra Modi. Gọi cuộc gặp lần này là “rất hiệu quả”, Tổng thống Trump cho biết tập trung quan trọng của Mỹ và Ấn Độ là thúc đẩy mối quan hệ kinh tế song phương “công bằng và có qua có lại”. Mặc dù vẫn chưa có 1 thỏa thuận cụ thể giữa 2 quốc gia trong chuyến đi này nhưng Tổng thống Trump cho biết đoàn đàm phán 2 bên “đã đạt được những tiến triển quan trọng về một thỏa thuận thương mại toàn diện”.

“Tôi lạc quan rằng chúng tôi có thể đạt được 1 thỏa thuận thương mại đóng vai trò quan trọng với cả 2 nước”, ông Trump khẳng định.

Trước chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng một “thỏa thuận lớn” chỉ có thể diễn ra sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ 2.

“Chúng ta sẽ có 1 thỏa thuận lớn ở đây hoặc có lẽ chúng ta sẽ làm chậm quá trình này lại. Chúng ta sẽ tiến hành thỏa thuận này sau kỳ bầu cử. Tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra. Nhưng chúng ta sẽ chỉ ký thỏa thuận nếu đó là những thỏa thuận tốt bởi chúng tôi luôn đặt nước Mỹ trên hết”.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Mỹ đã xuất khẩu 34 tỷ USD hàng hóa sang Ấn Độ năm 2019. Tuy nhiên, Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại 24 tỷ USD với Ấn Độ năm 2019 giữa bối cảnh Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng với tỷ lệ nhanh hơn Mỹ xuất sang Ấn Độ. Những số liệu thống kê này có thể lý giải phần nào vì sao Tổng thống Trump ngần ngại dành cho Ấn Độ điều nước này thực sự muốn, đó là quay lại Hệ thống ưu đãi phổ cập của Mỹ, một chương trình cắt giảm thuế cho các nước đang phát triển khi có thể giảm thuế đối với 6 tỷ USD hàng nhập khẩu Ấn Độ.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết 2 nước sẽ “mở rộng hợp tác quốc phòng”, đồng thời thông báo Ấn Độ sẽ mua “các thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ, trong đó có các trực thăng MH-60 và Apache, những loại hiện địa nhất thế giới” trị giá hơn 3 tỷ USD.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tuyên bố: “Hợp tác an ninh và quốc phòng ngày càng tăng lên giữa Ấn Độ và Mỹ là một khía cạnh rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi” và đánh giá quan hệ Mỹ – Ấn là “quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất của thế kỷ 21”.

Đối phó với thách thức từ Trung Quốc

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân là một nỗ lực có tính toán nhằm làm sâu sắc mối quan hệ giữa Mỹ với quốc gia duy nhất có thể đóng vai trò là một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á.

Ấn Độ là một quốc gia lớn với tiềm năng lớn khi dân số đứng thứ 2 thế giới và sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2027. Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này cũng đã tăng trưởng gần 7% kể từ năm 2003.

Ấn Độ cũng là một quốc gia hạt nhân và nước này đang phát triển tên lửa đạn đạo. Các tên lửa Agni của New Delhi có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân chiến lược. Hải quân Ấn Độ cũng đang tăng cường năng lực nhằm đối phó với các động thái của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ấn Độ có 1 tàu sân bay và đang đóng tàu thứ 2, sự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2022. Nước này cũng có kế hoạch phát triển thêm 1 tàu sân bay thứ 3 và phát triển hạm đội tàu ngầm.

Ấn Độ đã ký với Mỹ một số thỏa thuận nhằm nâng cao hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và tận dụng tốt hơn các trang thiết bị quân sự Mỹ mà New Delhi đang sở hữu. Cả 2 quốc gia đều nâng cấp và mở rộng các cuộc tập trận quân sự, trong đó có cuộc tập trận Tiger Triumph tại căn cứ hải quân Visakhapatnam, thuộc bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ hồi tháng 11/2019. Đây là lần đầu tiên lục quân, không quân và hải quân Ấn Độ tập trận với hải quân Mỹ nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa hai nước trong việc tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn hoài nghi về những cam kết của chính quyền Tổng thống Trump tại châu Á, trong khi Washington đặt câu hỏi liệu chính quyền ông Modi có đủ khả năng để xây dựng khả năng phòng thủ, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội hay không.

Ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump

Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump tới Ấn Độ đã thúc đẩy mối quan hệ giữa Washington và New Delhi. Thực tế là việc ông Trump dành thời gian tới Ấn Độ trong năm bầu cử là một chiến thắng lớn đối với quốc gia Nam Á này, Richard Rossow – cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định.

Ông Rossow chia sẻ với CNBC rằng thương mại Mỹ – Ấn sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những rào cản thương mại giữa 2 bên.

“Ấn Độ đang lựa chọn, thậm chí cả khi đặt ra những quy định thương mại để mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ ở những ngành mà nước này có thể tự sản xuất”, ông Rossow cho biết, đồng thời dẫn ra minh chứng về những thương vụ mua bán trong các lĩnh vực như dầu khí và quốc phòng.

Chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng cụm từ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay vì “Châu Á Thái Bình Dương” trong các chiến lược và chính sách của mình nhằm cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đã đặt Ấn Độ giữ vai trò trung tâm và cho thấy tầm quan trọng của quốc gia này đối với Mỹ./.

Kiều Anh/VOV.VN

 Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *