(kontumtv.vn) – Hai đồng minh Trung-Triều đang cùng có lợi thế trước Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân và cả tranh cãi thương mại căng thẳng?

Ngày 19/6, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần thứ 3. Chuyến thăm diễn ra cùng thời điểm Mỹ và Hàn Quốc chính thức tuyên bố ngừng cuộc tập trận quân sự chủ chốt “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” dự kiến diễn ra cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới.

Trong khi đó, Mỹ-Trung Quốc đang đứng trước căng thẳng thương mại có thể dẫn 2 bên tới một cuộc chiến thương mại toàn diện.

trung quoc trieu tien dang ep san my hinh 1
Trung Quốc-Triều Tiên đang ép sân Mỹ?. Ảnh: Yonhap

“Bàn thắng của Triều Tiên”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc cùng thời điểm Mỹ-Hàn tuyên bố ngừng tập trận chung cho thấy, ông Kim Jong-un đã thành công trong việc hạ nhiệt chiến lược “sức ép tối đa” của chính quyền Tổng thống Trump áp đặt với Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Hãng Thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA giải thích rằng, trong chuyến thăm lần này ông Kim Jong-un sẽ bàn bạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều diễn ra tuần trước tại Singapore. Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ 3 của ông Kim kể từ tháng 3 vừa qua. Các thời điểm Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Trung Quốc đều mang những ý nghĩa khác nhau.

Cả 2 chuyến thăm trước đó của ông Kim tới Trung Quốc, giới truyền thông đều bị kiểm soát chặt chẽ cho đến khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên về nước. Trong đó, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kim hồi cuối tháng 3 được giữ kín cho đến khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên về nước an toàn thì thông tin mới được tiết lộ. Lần thứ 2 ông Kim Jong-un tới Trung Quốc là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý ngồi vào bàn thảo luận Thượng đỉnh.

Nhưng với chuyến thăm mới nhất này, hãng Thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã và kênh truyền hình trung ương CCTV đều đưa tin về chuyến thăm trước khi máy bay chở ông Kim Jong-un hạ cánh xuống Bắc Kinh. Điều này cho thấy, Trung Quốc và Triều Tiên đã bớt lo lắng về “sự an nguy” đối với ông Kim Jong-un.

Kết quả “thành công rực rỡ” của Thượng đỉnh Mỹ-Triều được đánh giá là phần thắng của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, khi có được cam kết “đảm bảo an ninh” của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bản Tuyên bố chung sau hội nghị. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố quyết định ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc mà ông gọi là “trò chơi chiến tranh” vì “quá tốn kém” và thường xuyên bị Triều Tiên chỉ trích là các hành động khiêu khích.

Đúng ngày ông Kim đến thăm Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ-Hàn xác nhận hoãn cuộc tập trận quan trọng vào cuối tháng 8 tới, đồng thời, các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao và Cố vấn An ninh quốc gia 2 bên sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề ngừng tập trận chung trong tuần này.

Với những diễn biến mới này, giới quan sát cho rằng Triều Tiên không những “ghi bàn” giành phần thắng cho mình, mà còn khẳng định vị trí của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Lợi thế cho Trung Quốc

Không ai có thể phủ nhận Trung Quốc là đồng minh truyền thống và thân thiết nhất của Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp hơn 80% hàng hóa nhập khẩu của Bình Nhưỡng và chính máy bay của hãng Hàng không Trung Quốc đưa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Singapore tham dự cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thương thảo được với các đồng minh truyền thống và cả đàm phán với đối thủ Mỹ. Do đó, chiến lược “sức ép tối đa” của Mỹ nhằm vào Triều Tiên sẽ thực sự phức tạp. Khi chúng ta có quan hệ ngoại giao, tần suất các “trò chơi chiến tranh” và số lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc sẽ ngày càng giảm đi”, Giáo sư Stephen Nagy tại Đại học quốc tế Christian ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nhận định.

Giám đốc Trung tâm an ninh và hòa giải  thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Hàn Quốc, ông Shin Beomchul cũng cho rằng: “Hiện nay, bóng đang ở trong chân của Triều Tiên. Nếu Triều Tiên đáp lại bằng những bước phi hạt nhân hóa cụ thể, sẽ có thêm các cuộc tập trận chung hoãn lại và thậm chí là đưa các bên ngồi vào bàn thảo luận việc giảm binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc”.

Tuyên bố ngừng tập trận chung của Mỹ-Hàn Quốc chắc chắn làm vừa lòng cả Trung Quốc. Việc Mỹ-Hàn ngừng tập trận chung sau khi Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa tại bàn Thượng đỉnh cũng chính là đề xuất “ngừng đổi ngừng” mà Trung Quốc nhiều lần đưa ra trước đây cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

“Bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, mối quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Triều Tiên cũng sẽ không thay đổi”. Đây là khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp đầu tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó nói rằng, ông đã có “lựa chọn chiến lược” là mối quan hệ với Triều Tiên.

Theo kế hoạch, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày sẽ thông báo với Chủ tịch Tập Cận Bình  nội dung cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước. Điều này đồng nghĩa với việc khẳng định và nâng cao vị thế cũng như vai trò của Trung Quốc tại khu vực.

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại đang bủa vây làm gia tăng căng thẳng Washington-Bắc Kinh. Có ý kiến cho rằng ông Kim đã nắm thời cơ này để chơi một thế trận mới trước “đối thủ Mỹ” luôn muốn tiếp tục gây sức ép để Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Còn với Trung Quốc, giới quan sát nhìn nhận, Bắc Kinh cũng muốn sử dụng ảnh hưởng của mình trong vấn đề Triều Tiên để “mặc cả” với Mỹ khi căng thẳng thương mại leo thang.

“Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại toàn diện Mỹ-Trung sắp tới”, nhà phân tích về Triều Tiên Cheng Xiaohe tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhấn mạnh.

“Tổng thống Trump đã thông qua các hàng rào thuế quan chống lại Trung Quốc, do đó, đây là lúc Trung Quốc sử dụng “lá bài hạt nhân Triều Tiên” để giải quyết vấn đề với Mỹ”, chuyên gia về quan hệ quốc tế Den Yuwen, đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Charhar ở Bắc Kinh nhận định.

Telegraph dẫn lời ông Deng Yuwen nói thêm rằng: “Nếu ông Kim Jong-un không muốn từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, thì lúc đó Trung Quốc sẽ rất vui vẻ đảm nhận vai trò một nhà trung gian hòa giải giữa Bình Nhưỡng và Washington”./.

Hoàng Lê/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *