(kontumtv.vn) – Vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh khiến quan hệ giữa Nga với Mỹ, Anh và phương Tây gần như “rơi xuống vực thẳm”, khó có thể cứu vãn.

Phương Tây đồng loạt chĩa mũi nhọn vào Nga

Bốn nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức ngày 15/3 ra thông cáo chung yêu cầu Nga giải thích về vụ tấn công nhằm vào cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông.

vu cuu diep vien bi dau doc phuong tay chia dui nhon nga phan phao hinh 1
Anh, Mỹ, Pháp, Đức đồng loạt yêu cầu Nga giải thích về vụ cựu điệp viên bị đầu độc. Nguồn: AFP/ Getty image

Thông cáo nêu rõ, cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia đã bị đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh) bằng “một chất độc thần kinh quân sự do Nga phát triển”. Bốn quốc gia trên nói rằng vụ việc đánh dấu lần đầu tiên loại chất độc thần kinh này được sử dụng ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thông cáo khẳng định, vụ việc là một “vụ tấn công nhằm vào chủ quyền của Anh”, coi đây là động thái vi phạm Hiệp ước Vũ khí Hóa học (CWC) cũng như luật pháp quốc tế. Mỹ, Pháp và Đức cũng ủng hộ lập trường của Anh rằng Nga phải chịu trách nhiệm về “vụ tấn công” này.

Các bên cũng yêu cầu Nga cung cấp “đầy đủ và chi tiết” thông tin về chất độc thần kinh Novichok đã sử dụng để đầu độc cựu điệp viên Skripal cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). “Chúng tôi kêu gọi Nga hoàn thành trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế”.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Paris, người phát ngôn của Tổng thống Pháp, ông Benjamin Griveaux cho biết: “ Chúng tôi không ảo tưởng về chính trị, một khi các vấn đề được làm rõ, thì mọi quyết định sẽ được đưa ra ngay sau đó.”

Hôm 14/3, Thủ tướng Ba Lan Morawieckin lên án âm mưu ám sát cựu gián điệp hai mang Sergei Skirpal và yêu cầu Nga trả lời chất vấn của Anh về trường hợp này.

“Chúng tôi lên án cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu này trên lãnh thổ Vương quốc Anh. Việc sử dụng chất hóa học như một thứ vũ khí rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời chúng tôi kêu gọi Nga trả lời câu hỏi của Vương quốc Anh và hợp tác thích đáng với Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học” về vấn đề này. Ba Lan bày tỏ việc sẵn sàng hỗ trợ Anh, đồng minh thân cận của nước này trong việc tiến hành các cuộc điều tra.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, cắt giảm mối quan hệ với Nga và đóng băng các tài sản công của Nga tại Anh.

Nga phản pháo

Nga chắc chắn sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Anh nhằm đáp trả vụ Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao nước này. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RT hôm 15/3.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết:“Chúng tôi sẽ gửi thông điệp trả lời các đối tác Anh. Chúng tôi không muốn công khai các nghi vấn trước khi thảo luận với họ qua các kênh phù hợp. Theo quan điểm của tôi, đây là hành động thể hiện sự lịch thiệp. Đây là cách mà các quý ông hành xử.”

Ông cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng nối lại quan hệ đối tác với Liên minh Châu Âu một khi Brussels không “hùa” theo xu hướng chống Nga của Mỹ, trong đó có việc áp đặt các lệnh trừng phạt và những hành vi khiêu khích tương tự như những hành động mà chính phủ Anh đang thực hiện. Nga luôn bình tĩnh phản ứng đối với mọi hành động này bởi sự thật rằng chúng tôi muốn đối thoại và thảo luận mọi vấn đề với thái độ tôn trọng lẫn nhau.

Ngoại trưởng Nga khẳng định, chính phủ Anh đã sử dụng chiến thuật “khiêu khích” nhằm đánh lạc hướng chú ý của dư luận ra khỏi tiến trình đàm phán rời Liên minh Châu Âu (Brexit)  bởi hiện nay người dân Anh đang cảm thấy thất vọng và nghi ngờ về những cam kết mà họ chính phủ Anh đưa ra trong xử lý vấn đề.

Điện Kremlin cũng tuyên bố Moscow sẽ trả đũa động thái mới nhất của Anh. Ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Các đề xuất về hành động trả đũa sẽ do Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác thực hiện. Nhưng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Tổng thống Putin.”

Cũng trong ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng những cáo buộc vô căn cứ của Anh xuất hiện thậm chí trước khi cuộc điều tra vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc diễn ra cho thấy đây là hành vi khiêu khích chống lại Nga. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh,  nhận định của Anh cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc là vô trách nhiệm và vi phạm luật lệ quốc tế. Nga không có gì để can thiệp vào vụ việc xảy ra với ông Skripal tại thành phố Salisbury, Anh.

Nghi vấn về động thái của Anh

Bà Maria Zakharova cáo buộc London từ chối chia sẻ bất kỳ bằng chứng nào trong vụ việc của ông Skripal, trong khi đó lại đưa ra những cáo buộc “vô lý”.

“London miễn cưỡng chia sẻ các thông tin về vụ Skripal, ví dụ như chất thu được từ hiện trường vụ án”, Zakharova nói. “Đại sứ quán Nga tại London đã gửi bốn văn bản ngoại giao tới Bộ Ngoại giao Anh, kêu gọi “đối thoại rộng rãi”, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời vòng vo”.

Bà cũng tái khẳng định lời kêu gọi của Nga đối với London yêu cầu được tiếp cận các tài liệu liên quân đến vụ việc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Anh đã từ chối cung cấp các thông tin liên quan. Theo nhà ngoại giao này, phương Tây đang tìm cách kết nối vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal với vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria để hạ thấp uy tín của Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, từ việc Anh cáo buộc Nga là thủ phạm đến thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là “kế hoạch đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và không phải hành động ngẫu nhiên”, nhằm tạo ra “rào cản đối với các hoạt động của đại sứ quán Nga tại Anh. Trên thực tế Anh đã nhiều lần tìm cớ trục xuất các nhà ngoại giao của Nga thông qua cơ chế thị thực trong nhiều năm qua và bước đi hiện tại cho thấy “tâm lý chống Nga ở Anh đã tăng lên một cấp độ mới”.

Hệ lụy khôn lường

Các nhà phân tích cảnh báo, căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga có thể leo thang trong những ngày tới và trở thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Quan hệ hai bên đã trải qua vô vàn sóng gió và đã chạm đáy trong năm 2017. Mỹ và phương Tây nhiều lần áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Mặc dù Nga nhiều lần để ngỏ khả năng nối lại đối thoại tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện. Mới đây nhất, NATO tuyên bố tập trận lớn nhất từ thời Chiến tranh lạnh ngay sát sườn Nga khiến Nga lo ngại.

Giới quan sát nhận định, lên án, răn đe, trừng phạt một thực thể chính trị đối nghịch mà chỉ dựa trên sự suy diễn “viển vông” và không có chứng cứ xác đáng là không thuyết phục, sẽ luôn bị đáp trả từ thực thể đối nghịch và xung đột giữa hai bên sẽ gia tăng.

Trên thực tế, bất cứ sự trừng phạt hay trả đũa nào cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của cả hai bên, làm gián đoạn cuộc chống khủng bố, cực đoan. Hành động của phương Tây với Nga sẽ làm tăng mâu thuẫn giữa các lực lượng chống khủng bố, giúp những kẻ khủng bố có thêm nhiều cơ hội gieo rắc kinh hoàng cho người dân toàn thế giới, nhất là khi chúng dược sử dụng như lá bài chính trị. Bên cạnh đó, an ninh và hòa bình thế giới sẽ bị đe dọa bởi thiếu đi nỗ lực hợp tác bình ổn của các nước lớn trên thế giới./.

Hồng Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *