(kontumtv.vn) – Chỉ hơn 1 tháng qua, trên địa bàn Tây Nguyên đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người tử vong.

Chỉ hơn 1 tháng qua, trên địa bàn Tây Nguyên đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người tử vong. Đáng chú ý, những ca bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ở cả những người đã tiêm vaccine phòng bệnh. Nhận diện bệnh bạch hầu ra sao và giải pháp nào để khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu ra cộng đồng, phóng viên VOV thường trú khu vực Tây Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về vấn đề này.

36 ca benh, 3 nguoi tu vong: tay nguyen can quyet liet dap dich bach hau hinh 1
Một chốt cách ly người ra vào tại xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai –

nơi đang có 10 ca bệnh bạch hầu.

PV: Thưa ông, bệnh bạch hầu đang có những diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên khi 3 địa phương là Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai đã xuất 36 ca bệnh và đã có 3 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 1 tháng qua. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thưa ông?

Ông Viên Chinh Chiến: “Bạch hầu xuất hiện ở Tây Nguyên từ năm 2013 đầu tiên là ở K’Bang, Gia Lai. Sau đó nó xuất hiện ở những địa phương khác. Tất cả cho đến thời điểm này, tức là sau 7 năm thì 90% những người bị bạch hầu đều là người dân thiểu số, tức là những người ở vùng lõm về tiêm chủng.

Thứ hai là tất cả những trường hợp bị bạch hầu tính theo độ tuổi thì cũng hơn 90% rơi vào nhóm tuổi lớn hơn 7 tuổi, vì đặc điểm của bạch hầu khi chúng ta tiêm chủng thì chỉ bảo vệ đến năm 7 tuổi ta nhắc lại, 12 tuổi tiêm nhắc lại, 18 tuổi tiêm nhắc lại. Tình hình bạch hầu tại Tây Nguyên sẽ xảy ra theo tình trạng xôi đỗ tức là những vùng lõm về tiêm chủng đó nếu gặp phải tác nhân thì nó sẽ xuất hiện ca bệnh”.

PV: Như ông vừa trao đổi thì việc có quá nhiều vùng lõm trong tiêm vaccine là nguyên nhân khiến cho bệnh bạch hầu quay trở lại Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong số những ca bệnh bạch hầu tại đây thì có những ca đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, thậm chí là tử vong như ca bệnh mới đây ở Gia Lai. Ông lý giải sao về vấn đề này?

Ông Viên Chinh Chiến: “Trong tiêm chủng thì không phải được 100%, tức là sẽ có tỷ lệ nhất định họ không tiêm, rồi bản thân tiêm có tỷ lệ nhất định không đáp ứng miễn dịch … Do đó khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh, cụ thể bao nhiêu thì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa xác định được”.

PV: Có thể thấy rằng, trong 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu thì nguyên nhân chính là do chúng ta phát hiện muộn, điều trị sai cách. Từ thực tế này liệu có lỗ hổng trong công tác nhận diện và chữa trị bệnh ở tuyến y tế cơ sở không thưa ông?

Ông Viên Chinh Chiến: Cái đấy đúng, vì nhìn lại ở Tây Nguyên thì hầu như những ca tử vong đều là ca đầu tiên. Bởi vì lâu quá người ta không có mặt bệnh, như hôm trước chúng tôi đi Quảng Hòa chẳng hạn thì bản thân ở xã Quảng Hòa họ nói là nếu như bác sĩ ổn định thì chưa chắc bị, anh bác sĩ làm lâu năm thì ảnh chuyển công tác, bác sĩ mới về.

Bác sĩ mới hiện nay hầu như không có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh bạch hầu vì mười mấy năm rồi có ca bệnh đâu. Khi bác sĩ muốn biết thì đi lâm sàng phải nhìn được mặt bệnh, chỉ nghe lý thuyết thôi thì cũng khó. Đó là lý do mà tại sao chúng tôi ưu tiên chuyện đào tạo tập huấn và sắp tới đây chúng tôi sẽ tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho Tây Nguyên ít nhất là 2 lớp, 1 lớp cho Đắk Nông, Đắk Lắk và một lớp cho Gia Lai, Kon Tum để cho các bác sĩ có một kiến thức tổng quát nhất rồi từ đó họ sẽ lan tỏa dần ra các nhân viên ý tế  khác.

PV: Thưa ông như vậy thì nếu phát hiện bệnh bạch hầu thì việc điều trị dập dịch cần thực hiện như thế nào?

Ông Viên Chinh Chiến: “Cách dập dịch có quy trình của Bộ y tế rồi, và hiện nay chúng tôi triển khai theo chương trình Bộ y tế, về cơ bản rất khả quan. Tức là thông thường khi phát hiện ca bệnh đầu tiên thì cho triển khai xuống, vừa xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ liên quan, vừa cho uống kháng sinh dự phòng, thông thường khoảng 2 đến 3 ngày thì sẽ phát hiện khá đầy đủ, có một số nơi cá biệt có thể đến 5-6 ngày sẽ xuất hiện được ca bệnh tại ổ dịch đó và đồng thời cho uống kháng sinh thì hầu hết các trường hợp đã âm tính”.

PV: Theo ông, trong giai đoạn này, Tây Nguyên cần làm gì để khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu?

Ông Viên Chinh Chiến: Theo tôi cần 3 bước, bước đầu tiên là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn được nâng cao nhận thức đầy đủ để nhận biết được bệnh. Vì khi phát hiện ra bệnh đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu, xác định sớm thì xử lý nhanh, ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời khi xử lý như vậy thì cũng góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các nơi khác.

Thứ hai là làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi ca bệnh xuất hiện. Thứ 3, giải pháp bền vững và an toàn nhất vẫn phải là sử dụng vacccine, và vacccine đối với tiêm chủng mở rộng thì các tỉnh từ cơ sở cho đến sở y tế vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng, làm sao đảm bảo được tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *