(kontumtv.vn) – Từ năm 2013, sầu riêng Khánh Sơn đã có được thương hiệu trên thị trường và xây dựng được chỉ dẫn địa lý. Nhưng 5 năm qua, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn vẫn chưa tìm được chỗ đứng ổn định cho mình. Nguyên nhân chính vì chất lượng và sản lượng sầu riêng Khánh Sơn thiếu ổn định khiến người tiêu dùng chưa thật sự an tâm với sản phẩm. Trước thực tế này, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ huyện Khánh Sơn khắc phục những tồn tại, bảo vệ thương hiệu nông sản. Quan trọng là áp dụng quy trình canh tác tập trung, công nhận chất lượng VietGap cho sầu riêng Khánh Sơn.

Khánh Sơn là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng. Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng ngày càng phát triển mạnh, lên đến hơn 900 ha trong năm 2018. Với lợi thế xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý từ năm 2013, sầu riêng Khánh Sơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển về giá trị kinh tế. Nhưng sau một thời gian dài, chính quyền cũng như người dân địa phương vẫn loay hoay tìm cách bảo vệ thương hiệu cho loại nông sản này. Nguy cơ đánh mất thương hiệu luôn hiện diện. Một mặt vì sản lượng, chất lượng nông sản thiếu sự ổn định lâu dài. Anh Lê Quang Bình, thành viên HĐQT Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) nói: “Bà con mình vẫn chưa tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, mặt khác thì vẫn sử dụng phân bón hóa học nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng. Nếu chúng ta không tuân thủ theo thời gian cách ly mà cắt trái sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”.

Sầu riêng Khánh Sơn đã xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý
Sầu riêng Khánh Sơn đã xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý

Bảo vệ, phát triển thương hiệu tác động rất lớn đến hiệu quả kinh tế của nông sản. Với loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, vấn đề này lại càng quan trọng đối với địa phương. Để bảo vệ được thương hiệu, quan trọng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, từ cuối năm 2017, ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn tại HTX Cây ăn quả Sơn Bình, với diện tích 42 ha. Mô hình tập trung cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, nguồn nước, môi trường; tăng cường sử dụng thuốc BVTV, phân bón vi sinh vào sản xuất. Kết quả, sản phẩm của HTX đáp ứng các yêu cầu của quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGap. Anh Lê Quang Bình cho biết: “Quan trọng trong quy trình VietGap là bà con phải tuân thủ theo đúng quy trình canh tác, sử dụng phân bón hợp lý, đúng thời gian cách ly theo từng loại, kể cả thuốc BVTV vi sinh cũng vậy… Cây sẽ được cung cấp đúng dinh dưỡng, hợp lí, trái cũng to hơn, đẹp hơn, cơm cũng nhiều và màu sắc đẹp hơn trước”.

 “Tại một số địa phương, trong quá trình sản xuất thì họ cũng trồng sầu riêng, rồi lấy luôn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn trà trộn vào thị trường. Việc xây dựng được thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn là một trong những yếu tố góp phần hạn chế tình trạng này. Hơn nữa, thông qua mô hình, sẽ tạo điều kiện cho chính quyền huyện Khánh Sơn xây dựng phương án phát triển đầu ra, có được thị trường liên kết tiêu thụ ổn định”. Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa nói.

Khẳng định lại chất lượng là cơ sở quan trọng để bảo vệ thương hiệu cho sầu riêng Khánh Sơn. Nhưng vấn đề hiện nay là số lượng người dân tham gia mô hình VietGap còn quá ít, chỉ chiếm chưa tới 5% tổng số hộ trồng sầu riêng. Diện tích triển khai cũng chỉ đạt 5 – 6% tổng diện tích thực tế. Ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Về phía UBND huyện, trong thời gian tới, chúng tôi cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, xã Sơn Bình, HTX tiếp tục duy trì nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất VietGap phù hợp cho cây sầu riêng để nhân rộng, từ đó có định hướng phát triển sản xuất. Ngoài ra chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục vận động người dân tham gia vào mô hình VietGap, đảm bảo chất lượng nông sản”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận, đầu ra cho sầu riêng Khánh Sơn tương đối nhiều. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chủ yếu là cung cấp thô, nguyên liệu, thu hoạch tại vườn nên giá trị kinh tế không cao. Mặt khác, khâu bảo quản nông sản vẫn còn rất yếu, dễ bị hư hỏng. Do đó, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ huyện Khánh Sơn áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời tạo điều kiện xuất khẩu loại nông sản này.

Hoàng Quân – Nguyễn Nam

Đài PT-TH Khánh – Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *