Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh mưa rất to. Ở các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô có gió giật mạnh cấp 13. 

Lúc 6h15 sáng 11/11: Bão chính thức đã đổ bộ vào Cát Hải, thành phố Hải Phòng lúc gần 24h đêm qua. Đây là cơn bão có sức gió tương đối mạnh đi kèm với mưa to và thời gian gió giật gần 3 giờ đồng hồ. Trước khi bão vào cũng đã có mưa rất to.

Nhìn chung, qua công tác chỉ đạo của Trung ương cũng như của thành phố Hải Phòng và sự chuẩn bị của địa phương nên theo thông tin sơ bộ, mặc dù là huyện đảo nhưng Cát Hải không bị thiệt hại về người và tài sản.

Ông Bùi Trong Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng cho biết: “Bão chính thức đổ bộ vào Cát Hải – là huyện đảo, nhưng Cát Hải không bị thiệt hại về người và tài sản. Tất cả các phương tiện tàu thuyền, tàu du lịch với khoảng 2.000 phương tiện tàu thuyền với gần gần 10.000 lao động trên các tàu thuyền vẫn an toàn; chỉ có một số cây trên địa bàn huyện bị đổ gãy. Hiện nay  gió cũng đã giảm rất nhiều, mưa cũng giảm. Các phương tiện tàu thuyền, huyện yêu cầu ngư dân tuyệt đối chấp hành lệnh của trên, khi nào bão tan thì mới tiếp tục được hoạt động”.

Lúc 5h20 sáng 11/11: Hiện tại Hải Phòng gió giật cấp 10- 11. Ở đảo Bạch Long Vĩ có gió giật mạnh cấp 13. Trời mưa to, cây đã ngã đổ, mái tôn các nhà giật liên tục…

Hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cho biết: bão số 14 đã vào tới Hải Phòng- Quảng Ninh với sức gió gần giống cơn bão số 8 Sơn Tinh năm ngoái. Hệ thống thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt 24/24 giờ…

Theo báo Tuổi trẻ cho biết, cột tháp của Đài phát thanh – truyền hình TP.Uông Bí đã bị bão số 14 quật ngã. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh vừa xác nhận thông tin trên. Ngoài ra, ghi nhận tại Quảng Ninh đến thời điểm này cho thấy đã có 5 nhà cấp 4 sập hoàn toàn. 60 căn nhà khác bị tốc mái. Trong đó, riêng huyện Vân Đồn có 30 căn bị tốc mái.

Nhiều nhà lồng bè nuôi cá tại Vịnh Hạ Long đã bị sóng đánh chìm, tuy nhiên chưa thể xác định được số liệu cụ thể.

Theo ghi nhận của Trạm khí tượng thủy văn Quảng Ninh, bão Haiyan đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 ở Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long.

 

Lúc 5h10 sáng 11/11: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 9 – 11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy.  Ở các đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng), Cô Tô có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126mm, Cửa Ông 107mm, Bãi Cháy 109mm.

 

Hồi 4 giờ ngày 11/11, tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh. Cường độ mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo, trong 6 giờ tới, di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km

Lúc 0h30 ngày 11/11: Hiện ở Tiền Hải, toàn bộ trung tâm huyện đang mất điện. Chủ tịch huyện cho biết đang chỉ đạo khắc phục sự cố về điện.

Lúc 23h59: Tại Quảng Ninh,
 mưa rất nặng hạt. Tại huyện đảo Cô Tô, gió đã tăng lên cấp 11 -12. Xung quanh đảo Cô Tô lớn, một số cây đã bị gãy, đổ.

Tại Nam Định, từ đêm nay sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200mm, gió trong đất liền mạnh cấp 8 – cấp 9. Cần đề phòng lũ dâng cao từ 2 đến 4m. Nam Định có đường bờ biển kéo dài, bên trong đê biển có những khu nuôi hải sản, nếu lũ tràn qua mặt đê sẽ có nguy cơ mất trắng số thủy hải sản này.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc Bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 – 4,5m. Sóng biển 2 – 4m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.

Lúc 23h30: Bão đã vào chính giữa vịnh Bắc bộ, qua địa phận đảo Bạch Long Vĩ kèm theo mưa lớn và gió mạnh. Từ giờ đến đêm, lượng mưa sẽ tăng lên. Khoảng đêm đến rạng sáng là mưa cấp tập nhất tại các vùng Bắc bộ. Cần đề phòng ngập úng tại các vùng trũng. Mưa trút xuống có nhiều khả năng xảy ra lũ tại sông Hồng, sông Thái Bình. Tại sông Thái Bình, lũ hiện đang ở mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Hải Phòng và Quảng Ninh vẫn là 2 tỉnh trọng điểm đi qua của cơn bão. Tại Hải Phòng, từ 16h chiều đã có mưa vừa, mưa to một số nơi. Hiện đang có mưa to và gió mạnh. Hầu hết người dân đã trở về nhà để tránh bão, trên đường có rất ít người đi lại.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Đồ Sơn để trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống bão. Tại Hải Phòng ở thời điểm này là có một số khu dân cư 50-60 tuổi với kết cấu yếu. Ngoài ra, có 2,5km đê biển xung yếu tại Hải Phòng có nguy cơ mất an toàn.

Lúc 23h15: Tại Thái Bình, hiện nay ở bến cá cửa Lân gió giật mạnh cấp 10-11, mưa nặng hạt và liên tục. Đến thời điểm này công tác thông tin, kêu gọi các tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão an toàn đã hoàn tất trước 12h trưa nay.

Ông Hoàng Văn Túy – Phó Chủ tịch huyện Tiền Hải, Thái Bình đang có mặt khu vực bến cá cửa Lân, xã Nam Thịnh. Đây là khu vực trọng yếu của huyện, trực diện với biển.

Ông Hoàng Văn Túy cho biết, đối với các hộ ngoài đê quốc gia, huyện tập trung chỉ đạo các xã ven sông, ven biển cùng các ngành chức năng vận động nhân dân di dời vào những điểm tránh trú bão trong đê quốc gia trước 15h, chú trọng là các xã như: Đông Long, Đông Quý, một số hộ kinh doanh dịch vụ ở xã Đông Minh (khu Đồng Châu), khu vực Cồn Vành – xã Nam Phú.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo các xã ven biển, các ngành chức năng hoàn thành việc thông tin, vận động các lao động trông coi trên các chòi ngao vào tránh trú bão trước 15h. Hiện trên các bãi ngao, lao động trở về gia đình tránh bão an toàn.

Lúc 22h40: Tại TP Hải Phòng mưa rất to, gió lớn. Toàn bộ nội thành bị cúp điện. Ở các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, biển động mạnh.

Tại trung tâm huyện Tiền Hải, Thái Bình lúc này sự cố mất điện vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, trời lại mưa lớn, gió giật liên hồi nên khá khó khăn trong công tác phòng chống bão.

Lúc 22h10: Lúc này, tại địa bàn xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải – Thái Bình có mưa to, gió lớn. Người dân đều ở trong nhà, còn bên ngoài gió rít liên hồi. Cả khu vực chìm trong bóng tối do mất điện, không một bóng người qua lại. Mưa lớn tạo nên những vệt xoáy trắng xóa trên mặt đường dọc tuyến đê biển Nam Thịnh.
Các tỉnh miền Trung do bão không đổ bộ trực tiếp nên đang chủ động đối phó với mưa lũ sau cơn bão số 14, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.Tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở LĐTB-XH đã đến động viên và hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Nước lũ trên sông các tỉnh Thừa Thiên Huế đang rút chậm. Người dân di tản tránh bão đã trở về nhà. Một số khu dân cư ở các vùng trũng như Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành huyện Quảng Điền còn ngập nặng. Các hộ thủy điện Bình Điền, Hương Điền vẫn còn điều tiết nước nên việc ngập úng ở huyện Quảng Điền còn kéo dài.

Tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đang triển khai các phương án phòng chống lũ sau bão. Các xã vùng thấp trũng di dời tài sản lên vùng cao, sẵn sàng di dân khi có lệnh, đặc biệt là các vùng gần cửa sông, các vùng có nguy cơ lũ quét. Chính quyền cơ sở phân công lực lượng ứng trực, không để người dân ra sông đánh bắt cá, góp củi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Trần Văn Tường, ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt cho biết: “Bão không vào tỉnh Quảng Trị nhưng các đồ dùng cần thiết đã chuyển đến vùng cao. Trong đó có lương thực, thực phẩm”.

Tại tỉnh Phú Yên, triều cường kết hợp với sóng lớn làm 100m kè tại phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa bị sạt lở hoàn toàn. Hơn 40 nhà dân bị sóng lớn đánh sập các tường rào, sóng đưa cát tràn vào nhà dân. Có nhà bị cát lấp đến nửa mét. Lực lượng quân sự tỉnh đang giúp người dân thu dọn cát, dựng tường rào, hỗ trợ tìm kiếm các vật dụng bị cát vùi lấp, đồng thời tổ chức đắp hàng ngàn bao cát chắn sóng, chằng chống lại nhà cửa, giúp dân ổn định cuộc sống và ứng phó với các đợt triều cường tiếp theo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 21 giờ ngày 10/11, tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Hà Tĩnh khoảng 150km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo, trong 6 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km.

Lúc 22h00: Tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió đang giật cấp 8, cấp 9, mưa đang rất lớn. Đại tá Nguyễn Văn Nam cho biết: “Đến giờ phút này, cơn bão số 14 đã tiến thẳng vào Bắc bộ, không còn bao lâu nữa sẽ đổ bộ vào đất liền. Chúng tôi đã liên lạc với người ở Bạch Long Vĩ để cập nhật tình hình thường xuyên. Đến giờ, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã về neo đậu an toàn, các lồng bè đã di dời an toàn. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu ở bến neo đậu vẫn có tư tưởng bám phương tiện, gây khó khăn cho công tác di dời. Trong khoảng thời gian còn lại, chúng tôi sẽ cố gắng để di dời triệt để”.Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, riêng tại thủ đô Hà Nội sẽ có mưa lớn, kéo dài từ đêm nay đến khoảng trưa mai (11/11), cường độ mưa có thể gây ngập úng, làm ách tắc giao thông.

Lúc 21h50: Hiện, bão số 14 cách Quảng Ninh khoảng100km, mưa đang rất to và gió giật mạnh tại Quảng Ninh. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay, ở Cô Tô gió đang cấp 9-10, ở Cẩm Phả và Vân Đồn cũng vậy. Chúng tôi tập trung chỉ đạo neo đậu tàu thuyền và cơ bản di tản được người dân. Thiệt hại lớn nhất nếu bão vào là về nuôi trồng thủy hải sản. Chúng tôi đã di dời được một ít để đảm bảo thiệt hại thấp nhất”.

Hiện nay, ở huyện đảo Cô Tô gió giật mạnh và có mưa rải rác. Ông Mai Tuấn Phượng, Trưởng BCH phòng chống lụt bão huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh cho biết: “Tuy rằng, trên địa bàn gió đã mạnh nhưng vẫn chưa có thiệt hại nào xảy ra do công tác phòng chống đã được triển khai tốt. Các lực lượng ứng cứu trực 24/24h để đối phó với những tình huống xảy ra”.

Tại Nam Định, gió đang mạnh và mưa nặng hạt. Rất ít người đi lại trên đường.

Lúc 21h40: Hiện ở Tiền Hải, Thái Bình đang có sự cố về điện. Theo đó trung tâm huyện bị mất điện hoàn toàn do bão số 14 gây ra. Lãnh đạo huyện cho biết, đang chỉ đạo khắc phục sự cố về điện trong thời gian sớm nhất để có điện trở lại.

Trung tâm huyện Tiền Hải, Thái Bình bị mất điện hoàn toàn

Lúc 21h35:  Ở các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng gió đã mạnh dần lên cấp 8, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, biển động mạnh. Chính quyền các địa phương đang triển khai khẩn trương công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão.

Chiều 10/11, Bộ đội Biên phòng Cát Hải đã yêu cầu tất cả lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ. Theo đó, trên 1.800 tàu thuyền với trên 8.600 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. 15h, tàu chở khách du lịch từ Hải Phòng đi Cát Bà bị cấm, chiều Cát Bà đi Hải Phòng cũng dừng hoạt động trước 17h cùng ngày.

Với phương châm di dân tại chỗ lên những nhà cao tầng kiên cố, huyện Cát Hải đã  hoàn thành việc di dời dân trước 17h ngày 10/11. Lực lượng của các đơn vị chức năng trên địa bàn, quân đội hiện đã ứng trực tại một số điểm xung yếu thuộc tuyến đê Hoàng Châu của huyện đề phòng sự cố. Các tàu cứu nạn cũng đã neo đậu tại những vị trí xung yếu để sẵn sàng ứng cứu nếu có người gặp nạn.

Còn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, lúc này đã có gió cấp 10, giật cấp 11, 12, mưa to. Biển động mạnh. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng, chính quyền huyện đảo Bạch Long Vĩ đã triển khai khẩn trương công tác phòng chống bão, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó trên tinh thần chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Lúc 21h30: Ở Hà Nội đang mưa to và gió mạnh, có thể gây ngập úng cục bộ. Ngoài mưa lớn, gió lạnh, hiện nay có đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống rất sâu, nhiệt độ thời tiết giảm mạnh.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định) giật cấp 8, Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ mưa đang tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ 58mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 37mm…

Hồi 20 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc Bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 11/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.

Theo dự báo, khoảng 11h đêm nay, bão sẽ đổ trực tiếp vào đồng bằng Bắc bộ.

Lúc 21h22: Tại huyện Tiền Hải, Thái Bình mưa ngày càng nặng hạt, gió cấp 6, cấp 7. Nhiều người dân vẫn đang gia cố lại nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào.

Ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, theo nhận định Ban phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, bão số 14 có đường đi phức tạp, lãnh đạo huyện Tiền Hải không chủ quan, lơ là trong việc phòng chống bão.

Trong ngày hôm nay, lãnh huyện Tiền Hải đã xuống tận địa bàn, cắm chốt tại các xã trọng điểm, phân công 5 đoàn công tác, đồng thời phát thanh tuyên truyền để bà con biết được diễn biến cơn bão cũng như việc phòng chống bão.

Ông Bái cho biết, hiện nay huyện Tiền Hải có 53km đê biển, trong đó có 23 km trực diện với biển, trong đó có 20km đã được kiên cố hóa, nên việc chống bão yên tâm hơn.

Ngày hôm nay, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chốt các điểm trên đê khi có sóng to gió lớn, trong đó quán triệt chỉ đạo bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Tại các bãi nuôi ngao, lực lượng biên phòng dùng tàu, ca nô kiểm tra các bãi ngao, cưỡng chế người nuôi nơi trú tránh an toàn.

Lúc 21h00: Khu vực huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rải rác, gió mạnh dần lên cấp 6 cấp 7; giật cấp 8, cấp 9. Chính quyền huyện đảo Cô Tô đã huy động mọi lực lượng để ứng phó với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Cô cho biết, đến 15h ngày 10/11, huyện đã kêu gọi được tất cả phương tiện đánh bắt hải sản vào vũng neo đậu tàu thuyền tránh bão. Tinh thần chỉ đạo của huyện là không chủ quan, bất ngờ, tất cả phải chủ động chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất mà cơ bão này có thể gây ra.

Lúc 20h25: Cho tới thời điểm này, Thái Bình đã chuẩn bị đủ lực lượng để ứng phó với cơn bão số 4 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào địa phương trong đêm nay và rạng sáng mai (11/11). Thực tế, Thái Bình là địa phương ven biển thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão trong nhiều năm trở lại đây. Ngay trong tối 10/11, BCH phòng chống lụt bão tỉnh đã phân công các cơ quan ban ngành, tranh thở mở cống tiêu thoát nước. Riêng một số tàu thuyền chưa kịp trở về thì cũng đã trú bão tại Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ.

Hiện nay, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình đã mở nhiều hướng, về túc trực các huyện điểm nóng như huyện Thái Thụy, Tiền Hải để đảm bảo an toàn nếu mưa bão xảy ra lớn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã trực tiếp xuống địa bàn huyện chỉ đạo công tác phòng bão số 14.

Tại đất liền, trong địa bàn thành phố Thái Bình, bão chưa đổ bộ nhưng gió đã giật to, mưa lớn, cây cối đổ ngả nghiêng. Các cây ATM đóng cửa hoàn toàn, các cây xăng cũng dừng hoạt động. Người dân mang cây cừ, tràm ra chằng chéo nhà cửa cẩn thận, cả các cửa sổ. UBND tỉnh Thái Bình dù đã chuẩn bị hoàn tất đón bão nhưng không thể hoàn toàn yên tâm bởi một số địa phương là vùng trũng, dễ xảy ra tình trạng ngập úng.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sớm nhất là khoảng 22h đêm nay và muộn là khoảng 3 – 4h ngày 11/11 bão số 14 sẽ đi vào bờ. Khi vào đến bờ, vùng gần tâm bão gió sẽ ở cấp 10, đầu cấp 11, giật cấp 12 – 13. Các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh sẽ là những địa phương chịu ảnh hưởng của bão mạnh nhất.

Dự báo, thủ đô Hà Nội cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của vùng hoạt động mạnh nhất của bão với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Thủ đô Hà Nội có khả năng mưa vào khoảng 100mm, cần đề phòng ngập úng cục bộ.

Lúc 19h45: Tại TP Thái Bình đang có mưa dày hạt, đường phố vắng người qua lại. Ngay từ chiều 10/11, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng như nhà dân đã được gia cố cửa bằng nẹp gỗ tre chắc chắn để chống bão.

Những con phố của TP Thái Bình vắng người trong cơn mưa lớn

Theo báo cáo nhanh của  Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, bão số 14 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình. Từ chiều tối 10/11, gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 10-11, độ cao sóng biển dao động từ 3-5m. Lượng mưa ở tỉnh Thái Bình dao động từ 200-300 mm. Vùng ven biển có nước dâng kết hợp thủy triều cao 2-3m.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình nhận định, bão số 14 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã có công điện chỉ đạo khẩn trương chống bão.

Khách sạn Hoàng Hà gia cố nẹp tre tại các cửa để chống bão

Ngay từ sáng 10/11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã triệu tập các thành viên Ban Chỉ đạo, thủ trưởng các đơn vị, các huyện thống nhất các biện pháp ứng phó với bão.

Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh thì đến nay có tổng cộng hơn 1.200 phương tiện và hơn 3.400 lao động trên biển đã neo trú đậu ở nơi an toàn. Các huyện ven biển như Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, TP Thái Bình đã di dời hơn 3.200 người dân sinh sống ngoài đê chính, trong đó có những nhà xung yếu trong đê chính và nơi trú bão an toàn và chắc chắn.

Các huyện, thành phố đã tích cực triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện… chủ động sơ tán những hộ dân sống ở những căn nhà không đảm bảo an toàn trong bão.

Lúc 19h, tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi:  Đến thời điểm này, trên 510 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu ở đây đã trở về nhà để ổn định cuộc sống sinh hoạt.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, tuy bão đổi hướng không đổ bộ vào đảo như dự kiến, nhưng với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, kèm theo mưa lớn trong đêm qua và sáng nay, nên địa phương vận động nhân dân nên ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn về tính mạng.

Người dân Lý Sơn khắc phục hậu quả bão 14, ổn định cuộc sống

Trước đó, vào chiều 9/11, huyện Lý Sơn đã huy động lực lượng tổ chức di dời và sơ tán các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở do sóng biển triều cường về nơi tránh trú an toàn. Còn tại xã đảo An Bình (đảo Bé), gần 10 ngày nay địa phương này đã bị cô lập với đảo lớn vì biển động dữ dội.

Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, nếu thời tiết biển động còn kéo dài tàu thuyền không thể qua lại giữa đảo lớn với đảo Bé thì xã phải mở kho lương thực để cấp phát cho dân. Hiện kho lương thực của xã dự trữ 5 tấn gạo cùng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu hỏa, dầu ăn… đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân khi biển êm trở lại.

Thống kê của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Lý Sơn, bão số 14 không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay đảo Lý Sơn đã bị cô lập với đất liền do biển động ảnh hưởng của bão số 12, 13 nên một số mặt hàng thực phẩm, rau xanh đang cạn kiệt và trở nên khan hiếm.

Tại Hà Nội đã xuất hiện mưa trên diện rộng, kèm theo gió nhẹ. Chiều 10/11, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chia thành 4 đoàn đi kiểm tra tình hình phòng chống bão, lụt tại các khu vực trọng điểm như trạm bơm Yên Sở và các tuyến đê dọc sông Hồng.

Tại Hà Nội đã xuất hiện mưa trên diện rộng, kèm theo gió nhẹ

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội họp khẩn rà soát công tác ứng phó của ngành. Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Thanh Vân cho biết, đến thời điểm này việc tiêu thoát nước đệm trên hệ thống kênh dẫn của thành phố đã được thực hiện nghiêm túc.

Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã triển khai lực lượng rà soát lại hệ thống cây xanh trên địa bàn trước khi mưa lớn xảy ra. Đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực suốt ngày đêm để tiếp nhận thông tin và giải phóng kịp thời tình trạng cây gãy đổ đảm bảo giao thông.

Lúc 18h40: Tại Quảng Ninh, đến nay đã có 446 tàu du lịch, 185 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 10.000 tàu nhỏ đã về đến nơi tránh trú bão an toàn. Trường hợp một chiếc tàu du lịch ở vịnh Hạ Long bị chìm vào sáng nay (10/11), nguyên nhân được xác định là do sự cố nước tràn tại lúc neo đỗ. Vị trí chiếc tàu chìm cách cảng không xa nên đơn vị quản lý cảng Bãi Cháy đã đưa tàu cứu hộ đến và kéo chiếc tàu vào nơi an toàn.

Trong chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các huyện ven biển; kiểm tra việc di chuyển người dân ngoài các lồng bè vào bờ an toàn, các tuyến đê xung yếu; chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương gia cố lại các lồng bè nuôi cá, rà soát lại việc chằng chống tàu thuyền để phục vụ việc tránh trú bão.

Tại Hải Phòng, hiện nay không còn tàu bè nào trên biển sau lệnh cấm biển.

Tại Nam Định,
hiện tại, mưa đã nặng hạt trên diện rộng.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo tiền phương đối phó với cơn bão và giao ban trực tuyến với 4 tỉnh thành phố Nam Trung bộ, từ Đà Nẵng trở vào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bão số 14 không đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ nhưng lại để xảy ra các trường hợp thiệt mạng là điều đáng tiếc. Sau bão dễ xảy ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét ở miền núi, ngập lụt vùng hạ du. Các địa phương phải theo dõi diễn biến thời tiết, tránh chủ quan lơ là.

Lúc 18h00: Tại Thanh Hóa đã tạm dừng sơ tán dân tránh bão số 14. Những người dân đi sơ tán trước đó chuẩn bị được trở về nhà khi thông tin cơn bão này đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Lúc 17h45, tại Ninh Bình: Đến thời điểm này, công tác di dời dân đã được hoàn thành. Hiện một số người dân vẫn đang ở ngoài đê, song đã nhận được thông báo. Lực lượng Biên phòng Ninh Bình cũng tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa.

Thượng tá Vũ Văn Lư, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình cho biết, bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cấm biển, kêu gọi 120 tàu thuyền với gần 400 ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn, kêu gọi 100% số lao động đang nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh 3 và khu vực Cồn Nổi – huyện Kim Sơn vào nơi tránh trú, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân.

Các địa phương chủ động bơm tiêu úng nhằm đảm bảo an toàn cho diện tích cây vụ đông, giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc và tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ trưa nay đến khi bão tan; bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập và các trọng điểm xung yếu khác. Hàng trăm phương tiện và gần 1.500 chiến sỹ công an, bộ đội cùng lực lượng xung kích tại các địa phương được huy động để sẵn sàng ứng phó với bão.

Lúc 17h20: Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc bộ bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10- 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ, từ chiều tối nay, gió sẽ mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 9 – 10, giật cấp 11 – 12.

Ở khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Đông Bắc bộ có mưa vừa, mưa to. Riêng vùng đồng bằng ven biển và Đông Bắc Bắc bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Nghệ An đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5- 4,5m, vùng gần tâm bão cao từ 4-6m.

BCH phòng chống lụt bão huyện đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị cho biết, lúc 12h trưa nay (10/11), mưa bão đã quét qua huyện đảo. Sức gió đo được trên đảo khoảng cấp 8-9 và đang tăng dần lên. Toàn bộ 250 người dân trên đảo gồm dân và bộ đội đã được đưa xuống hầm địa đạo trên đảo để tránh bão. Do ở trong địa đạo nên việc thông tin liên lạc bị tắc nghẽn. Trong địa đạo đã bố trí sẵn lương thực để thực hiện tránh bão dài ngày. Sóng biển quanh đảo cao khoảng 3m.

Cũng trong chiều nay
(10/11), Bộ Công an đã thành lập 2 đoàn công tác đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 14.

Lực lượng công an các địa phương đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ vào nước ta.

Với dự báo trong bão và hoàn lưu bão có thể gây ngập úng nặng trên diện rộng và chia cắt địa hình, cảnh sát giao thông cũng bố trí lực lượng tại các địa bàn xung yếu, sẵn sàng phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân. Các phương tiện, trang thiết bị ứng phó với bão như thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các tàu xuồng, áo phao… phục vụ cho người dân sơ tán vùng lũ đã sẵn sàng.

Lúc 17h00: Tại Hà Tĩnh, từ sáng đến thời điểm hiện nay, trời vẫn mưa nhỏ và gió nhẹ. Nhiều người dân cho biết họ không thấy ảnh hưởng của cơn bão nên  vẫn chủ quan trong việc phòng chống bão.

Để chủ động đối phó bão số 14, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán dân tại các địa phương ven biển và miền núi.

Lúc 16h55, tại Thái Bình: Hiện trên địa bàn tỉnh gió đã mạnh dần lên cấp 5, mưa rải rác. Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và nhân dân chủ động phòng, chống với cơn bão số 14.

 

Chặt cây bảo đảm an toàn khi bão về ở TP Thái Bình

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình phối hợp với chính quyền 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy kêu gọi hơn 1.200 tàu, thuyền đánh cá với gần 3.500 lao động đang khai thác hải sản vào khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh và các tỉnh bạn; kiên quyết di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính trước 17h hôm nay (10/11). Trên 1.600 hộ dân với khoảng 6.300 nhân khẩu sống ở ngoài đê chính thuộc khu vực 2 huyện ven biển này đã di dời vào khu vực trong đê.

Ngay trong chiều tối nay, 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động di dời người dân đến khuc vực an toàn. Ngành nông nghiệp Thái Bình đang chỉ đạo tiêu nước triệt để trên các trục sông tiêu để đề phòng mưa lớn gây ngập úng cây vụ đông.

Lúc 16h35, tại Hải Phòng: Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng, 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh bão an toàn.  Hơn 4.000 phương tiện, gần 13.000 lao động đã được thông tin về cơn bão. Ở khu vực ven bờ còn khoảng 104 phương tiện còn hoạt động và sẽ về bến trong chiều nay.

Từ trưa nay, tại đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu có mưa to, gió bão cấp 6, cấp 7. Những hộ dân ở khu vực Âu cảng Bạch Long Vĩ đã được đưa vào nơi tránh bão.

Cũng trong trưa nay, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp bàn khẩn cấp lên phương án, kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 14.  Thông tin tại cuộc họp cho biết thành phố đã lên phương án sơ tán gần 80.000 người. Trong đó sơ tán tại chỗ khoảng gần 34.000 người và di dời đến nơi khác khoảng hơn 46.000 người. Hiện tại các quận huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An… đã bắt đầu di dân tại chỗ.

Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng chống  bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão.

Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo từ 15h hôm nay sẽ tiến hành cấm biển, dừng mọi hoạt động chở khách, vui chơi trên biển; huy động tàu đưa khách du lịch từ đảo Cát Bà về đất liền trước 17h. Lực lượng Biên phòng phối hợp cùng Cảng vụ Hải Phòng kiểm tra đảm bảo an toàn các phương tiện chở khách. Công tác sơ tán dân sẽ được hoàn tất trước 17h.

Lúc 16h30: Hiện vùng biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió cấp 6, cấp 7 mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, biển động. Huyện đảo đã kêu gọi 500 phương tiện, 1.672 ngư dân vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn. Các lực lượng trực tiếp hướng dẫn ngư dân neo đậu, chằng chống phương tiện, di chuyển người lên bờ để đảm bảo an toàn.

 

Lực lượng biên phòng đồn biên phòng Cô Tô đi kêu gọi tàu, thuyền và hướng dẫn ngư dân di chuyển đến nơi tránh trú bão (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Cô Tô đã có công văn chỉ đạo đến các đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban PCLB và TKCN huyện Cô Tô cho biết: Huyện tổ chức các lực lượng phòng, chống bão theo phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, còn lại các phương tiện đã nhận được chỉ dẫn mà vẫn chủ quan không di chuyển đến nơi an toàn, thì sẽ có biện pháp cưỡng chế.

Ngay tối qua (9/11), các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Cô Tô đã tổ chức bắn pháo hiệu 2 lượt  để ngư dân chủ động đưa phương tiện vào bờ. Theo chỉ huy Đồn biên phòng Cô Tô, tối 10/11 đơn vị tiếp tục bắn pháo hiệu, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có tình huống bất thường do bão.

Lúc 16h00: Tỉnh Quảng Ngãi có 2 người thiệt mạng tính đến hiện nay. Đó là ông Phùng Thanh Lâm ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức khi đang chặt cây chống bão thì bị ngã và tử vong; nạn nhân thứ 2 là phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen của Đài Phát thanh – Phát lại Truyền hình huyện Đức Phổ bị tai nạn giao thông khi đang trên đường từ cơ quan về nhà. Bão số 14 cũng làm 16 người bị thương; 14 nhà bị sập và tốc mái, hư hỏng nặng.

Hiện nay, người dân ở những nơi sơ tán vùng ven biển đã trở về dọn dẹp nhà cửa. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời dân sống ở chân đập và hạ du các đập không an toàn. Các địa phương có hồ đập phải cử người ứng trực tại các công trình đề phòng nước dâng cao.

Ông Nguyễn Nhung, Giám đốc Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “ Sau bão thường có những trận mưa rất lớn và việc này cũng đã được cảnh báo. Công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương và người dân sở tại để tổ chức thực hiện phương án 4 tại chỗ. Khi lượng nước mưa vượt tần suất hoặc chưa đạt đến tần suất nhưng vẫn có tính uy hiếp công trình thì công ty sẽ tức khắc phối hợp với địa phương mở 1 tràn phụ để cứu hồ và tổ chức di dời dân vùng sau hạ du tràn phụ”.

Lúc 15h45: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình), và Thuận Anh (Thừa Thiên Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7. Ở Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có gió giật mạnh cấp 8. Ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 10. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa đến mưa to. Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35km.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến 1h sáng mai (11/11), vị trí tâm bão vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc, 106,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, tức là khoảng từ 75-102 km/h, giật cấp 11, cấp 12. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão sẽ di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng từ 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h chiều mai (11/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc, 107 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, tức là39-39km/h, giật cấp 7. Trong 24 đến 36h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc. Mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương cho biết: “Theo nhận định, các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Ninh là trọng tâm cơn bão số 14 đổ bộ trong khoảng 12 đến 18h tới, gió sẽ giật đến cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 11 -12. Ngay từ bây giờ, ở trên biển, toàn bộ vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7 – cấp 8 trở lên, vùng gần tâm bão cấp 12 – cấp 13, giật cấp 14 – cấp 15, biển động dữ dội. Thời tiết từ giờ đến khi bão tan, gió mạnh và sóng biển rất lớn, có thể đánh đắm nhiều tàu trọng tải lớn”.

Theo báo cáo của ban chỉ đạo tiền phương đối phó với cơn bão về tình hình các hồ chứa nước thủy điện khá khả quan. Tuy nhiên, vẫn có cảnh báo đối với 144 hồ chứa từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải quản lý chặt chẽ việc xả lũ, đặc biệt chú trọng tình hình hồ chứa, cần theo dõi lũ khu vực miền núi, lụt tại đồng bằng, kiểm tra các hồ đập. Phải kiểm tra và báo cáo Chính phủ các hồ thủy điện không an toàn. Bộ Công thương phải chỉ đạo hồ đập thủy điện điều tiết nước chống lũ.

Lúc 15h, tại Ninh Bình: Theo dự báo tối muộn bão số 14 đổ bộ vào đất liền, các vùng chịu ảnh hưởng chính sẽ từ Thanh Hóa trở ra khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Ninh Bình. Từ sáng đến thời điểm hiện nay, Ninh Bình đôi lúc có mưa nhỏ, trời âm u.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 14 đã chuyển hướng và đang diễn biến phức tạp. Dự kiến bão đổ bộ vào đất liền từ 22h hôm nay đến 2h ngày 11/11. Khu vực đổ bộ trọng điểm từ Thanh Hóa trở ra khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ; các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, thậm chí cả Hải Phòng cũng chịu tác động.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn  tỉnh Ninh Bình cho biết, thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào nơi tránh trú an toàn.
Tại Nam Định: Trong buổi sáng nay, tỉnh Nam Định họp khẩn với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, lãnh đạo các địa phương ứng phó với cơn bão số 14. Dự báo, sáng 11/11, bão sẽ đổ bộ vào Nam Định. Công tác phòng chống bão đang được triển khai quyết liệt.

Từ 3h sáng nay, tỉnh Nam Định đã có lệnh cấm biển. Toàn bộ 1.700 tàu với hơn 9.000 ngư dân đã về nơi neo đậu an toàn. Các hạng mục công trình được duy tu sửa chữa trước bão.

Hiện còn 2 kè bãi tắm Thịnh Long và Quất Lâm chưa tu sửa xong, đã được kiểm tra và cảnh báo sơ tán với các hộ dân trong diện nguy hiểm. Đồng thời, khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, công sở, chủ động phòng chống ngập cho các khu vực trũng và khu vực đô thị.

Đại tá Dương Công Hiếu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh có 14 tàu và 84 lao động đánh bắt xa bờ đã về nơi neo đậu an toàn. Hiện có khoảng 260 thuyền với hơn 500 ngư dân đang hoạt động gần bờ và khu vực ven đầm bãi nuôi trồng hải sản phải di dời về nơi an toàn trước 15h hôm nay.

Ngoài ra, hơn 730 lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản với khoảng 1.500 lao động,  các đồn biên phòng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu vào nơi tránh trú an toàn trước 15h hôm nay. Tỉnh cũng sẽ tiến hành sơ tán gần 1.100 hộ với trên 4.400 nhân khẩu trước 17h hôm nay.

Tại Thừa Thiên – Huế: Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế, bão số 14 không ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này. Sau khi đi vào vùng biển Thừa Thiên – Huế, bão đã gây ra mưa và gió giật mạnh cấp 7 ở các vùng duyên hải như Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang). Lượng mưa đo được tại miền núi Nam Đông, Bạch Mã ở mức cao từ 106 – 159mm, gây nguy cơ lũ lụt vùng hạ du. Chiều nay, lượng mưa vẫn tăng ở khu vực đồng bằng và diễn biến kéo dài.

Hiện UBND tỉnh vẫn chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nâng cao cảnh giác trước diễn biến khó lường của mưa lũ sau bão, bảo đảm an toàn tối đa cho dân.
Các công trình hồ đập, thủy điện, thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn. Hai công trình thủy điện: Bình Điền, Hương Điền tiếp tục vận hành điều tiết, xả lũ theo quy định, quy chế phối hợp và yêu cầu của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7.894 khách du lịch (trong đó, 4.512 khách quốc tế và 3.382 khách nội địa) cũng được bảo vệ chặt chẽ. Riêng hai khu du lịch ven biển Laguna có 120 khách, Anamadra có 18 khách cũng được quản lý, bảo vệ an toàn.

Lúc 14h30: Tại Thanh Hóa nhiều nơi đang có mưa và gió nhẹ. Người dân 6 địa phương ven biển gồm: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn đang gấp rút sơ tán vào nơi trú tránh an toàn như các khu nhà kiên cố như: công sở xã, trường học…

 

Người dân được bố trí ăn ở tránh bão tại Trạm ra-đa 510 – Bộ Tư lệnh Hải quân (đóng quân trên địa bàn xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa)
Trưa 10/11, người dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa sơ tán đến nơi an toàn.
Theo số liệu thống kê của địa phương có 10.023 hộ (44.620 nhân khẩu) ở vùng cách mép nước biển 200m sẽ được di chuyển đến các khu nhà kiên cố. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các địa phương phải tiến hành khẩn trương sơ tán dân xong trước 18h cùng ngày.
Hiện nay, theo thông tin mới nhất từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, 7.501 phương tiện nghề cá với 24.733 lao động của tỉnh Thanh Hóa đã về đến nơi trú tránh an toàn.
Tại Quảng Ninh: Trước diễn biến phức tạp của bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã thông báo và phát lệnh cấm xuất bến đối với những tàu bè hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Tại bến tàu du lịch Vịnh Hạ Long ngày hôm nay đã không còn một chiếc tàu du lịch nào đỗ tại bến; các hoạt động du lịch trên biển trở nên vắng lặng hơn so với những ngày trước đây.
Bến tàu du lịch vắng lặng trước khi có tin bão đổ bộ
Ông Trần Văn Dương, khu 5, phường Bãi Cháy cho biết, do có thông báo về ảnh hưởng của cơn bão nên toàn số tàu du lịch trên Vịnh đều đã về nơi tránh trú bão an toàn từ rạng sáng nay và các phương tiện hoạt động trên khu vực Vịnh Hạ Long cũng đã giảm đi nhiều.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền, bà con ngư dân đang hoạt động trên biển, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm của bão.
Theo ông Phạm Đình Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, hiện 100% các tàu du lịch, tàu đánh bắt xa bờ đều đã về đến nơi tránh trú an toàn. Những tàu còn đang hoạt động trên biển cũng đều đã nhận được thông báo và được hướng dẫn hướng di chuyển để tránh bão.
Lúc 14h05: Tại Thừa Thiên-Huế gió đã bắt đầu lặng, nhưng mưa rất to. Một số xã thuộc huyện Quảng Điền, Hương Trà đang ngập nặng. Bà con đi sơ tán đã trở về nhà.

Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sáng nay, những lao động chính và thanh niên đã được phép rời khỏi nơi trú ẩn để trở về quản lý nhà cửa. Còn đối với phụ nữ, người già, trẻ em thì khoảng gần trưa mới về. Tuy nhiên, những vùng có nguy cơ ngập lụt, chính quyền các cấp tiếp tục quản lý, theo dõi, nhất là cùng với các gia đình quản lý chặt chẽ con em sau bão để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại các đảo như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa) sóng, gió đã giảm, nhưng chính quyền các địa phương vẫn chưa cho người dân trở về nhà, đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp sau bão. Theo ông Trương Khắc Trưởng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, trời vẫn còn mưa nên không được phép chủ quan.

Lúc 13h45: Tại Quảng Bình, dù cơn bão không ảnh hưởng trực tiếp nhưng người dân không chủ quan. Tại xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mưa vẫn rất to, gió giật liên hồi. Biển ăn sâu vào đất liền, gây xâm thực nghiêm trọng.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 9, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8; ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 10 giờ sáng nay (10/11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Bạch Mã (Huế) 159mm, Nam Đông (Huế) 106mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 136mm, Bình Đông (Quảng Ngãi) 102mm.
Hồi 12 giờ ngày 10/11, tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Trị khoảng 180km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 13. Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km.
Trên quốc lộ 1A có rất ít xe cộ lưu thông, 2 bên đường, nhà cửa, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa. Nhà cửa đều được người dân dùng đòn tre hoặc thanh sắt khóa ngang cho thêm phần chắc chắn. Từ huyện Lệ Thủy đến huyện Bố Trạch, người dân cũng chằng chống nhà cửa kỹ càng, mái nhà được chèn thêm bao cát. Các trạm xăng dừng hoạt động.
Tại Hà Nội, dự báo sẽ xảy ra cây đổ, mưa lớn gây ngập úng khu vực nội thành và ách tắc giao thông, úng ngập trên diện rộng và ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông. Mưa bão lớn khiến cho các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình có thể phải xả lũ, mực nước sông Hồng và các sông ở Hà Nội dâng cao, gây sạt lở đê điều, úng ngập vùng bãi sông.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP. Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tổ chức chống úng ngập, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm có khả năng xảy ra sạt lở, lũ quét. Công ty cây xanh, công ty thoát nước chống úng ngập.
Tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, do bão không đổ bộ trực tiếp nên người dân đã có thể trở về nhà. Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng bão chuyển hướng và hoàn lưu của bão.
Theo Tổng công ty điện lực miền Trung, đến sáng nay, tình hình cấp điện tại các khu vực này đang tiến hành bình thường. Riêng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn đang mất điện.
Lúc 13h30: Tại Nghệ An, từ tối hôm qua thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, gió  cấp 4, cấp 5. Lúc rạng sáng gió cấp 8 và có lúc cấp 9. UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu và cho phép cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời tránh bão.
Người dân thu dẹp đồ đạc để đi tránh bão
Báo cáo nhanh của Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, đến 5h sáng nay, toàn bộ 4.000 phương tiện tàu thuyền cùng với trên 20.000 lao động đã về bờ an toàn. Có 55 tàu thuyền với 420 ngư dân của các tỉnh khác cũng đang neo đậu tại Nghệ An.

Tại 5 huyện, thị xã ven biển là thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và huyện Hoàng Mai sơ tán hơn 13.000 hộ dân với gần 47.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại các huyện, thị xã ven biển, bên dưới các cảng cá, âu tàu rất nhiều tàu thuyền vào trú ẩn và được người dân chằng buộc cẩn thận, tránh va đập. Những người dân ở đây cho biết, đây là cơn bão lớn, nên kinh nghiệm nhiều năm là không lơ là, mất cảnh giác.
Hỗ trợ các cụ già đến nơi trú tránh an toàn

 

Tỉnh cũng lưu ý đến tình trạng của một số hồ chứa nước trên địa bàn có thân đập yếu như đập Hứa Ông, Hồ khe Xiêm… Tỉnh cũng theo dõi đặc biệt với vùng thuộc lòng hồ Vực Mấu để tránh gây nguy hại cho nhân dân khi hồ xả nước.
Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ không cho nhân dân và phương tiện đi lại tự ý tại các khu vực nguy hiểm để tránh gây thiệt hại trong thời gian này”.
Nhiều người dân tại Nghệ An cho biết, đây là cơn bão lớn nên không thể lơ là. Từ ngày hôm qua, mọi người đã giúp nhau chằng néo nhà cửa. Anh Trần Văn Tiến ở thị xã Cửa Lò cho biết: “Cơn bão số 4 đặc biệt mạnh, diễn biến phức tạp nên người dân phải đề phòng. Tôi và mọi người dân đã sẵn sàng, đoàn kết lại với nhau để chống chọi với cơn bão”.
Lúc 13h20: Tại Thanh Hóa, đang bắt đầu có mưa nhỏ và gió nhẹ, người dân không vì thế mà chủ quan lơ là, luôn trong tinh thần sẵn sàng ứng phó với bão. Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 18 đoàn công tác, đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai, đối phó với bão tại các tỉnh miền núi và các huyện đồng bằng ven biển. Tiến hành kiểm tra các công trình hồ đập, thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, kiểm tra vật tư, phương tiện dự phòng tại các hồ chứa để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, kiểm tra hệ thống đê điều để chủ động các phương án đảm bảo an toàn.
Tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Hoàng Hóa, Thiệu Hóa và Hậu Lộc chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng để hộ đê tả sông Mã, sông Chu. Ngay trong đêm 9/11, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện miền núi, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống với số dân dự kiến phải di dời là 5.000 hộ với 22.000 nhân khẩu. Ngay trong sáng 10/11, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định sơ tán dân ở vùng ven biển với 10.023 hộ và khoảng 44.600 nhân khẩu phải di dời. Việc sơ tán dân phải xong trước 18h ngày hôm nay (10/11).
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Công tác di dân phòng tránh cơn bão số 14 đang rất khẩn trương. Những nơi xa, tỉnh sẽ bố trí phương tiện chở dân, đồng thời chỉ đạo cho lực lượng công an, quân sự, biên phòng hỗ trợ dân trong việc di chuyển. Đảm bảo an toàn cho dân đi sơ tán, có phương án chằng, chống nhà cửa cho dân yên tâm.
Thanh Hóa có 610 hồ đập, đặc biệt có 10 hồ có dung tích chứa hơn 10 triệu m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 103 hồ không đảm bảo an toàn, chúng tôi đã quyết định để 17 hồ không tích nước, 75 hồ tích nước hạn chế, 10 hồ bị hư hỏng đang khắc phục. Để đảm bảo vấn đề này, chúng tôi yêu cầu các chủ hồ chứa trực, chuẩn bị vật tư cần thiết để sẵn sàng ứng cứu”.

Tại Hà Tĩnh,
 
tỉnh đang tiếp tục công tác di dời dân, kể cả ở vùng ven biển, vùng xung yếu, các vùng miền núi về nơi tránh bão an toàn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra phòng chống bão số 14 tại tập đoàn Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng với khoảng 13.000 công nhân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tập đoàn Formosa cần tập trung phương án đảm bảo an toàn các công trình, nhà xưởng, khu sản xuất.
Theo đại diện của tập đoàn Formosa, các đơn vị nhà thầu đã dừng thi công các công trình để tập trung ứng phó với siêu bão. Các công nhân đang làm việc trong tập đoàn cũng được nghỉ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Tại Hải Phòng, đến thời điểm này không còn phương tiện hoạt động xa bờ trên biển. Hải Phòng đã thông tin cho hơn 4.100 phương tiện với hơn 12.000 lao động chủ động về nơi trú tránh. Còn hơn 100 phương tiện hoạt động ven bờ sẽ khẩn trương về bến. Công tác di chuyển, neo đậu tàu bè phải khẩn trương hoàn thành trước 15h hôm nay. Đình chỉ các hoạt động đường thủy nội địa, phà đò, hoạt động vui chơi giải trí biển từ 15h. Tổ chức sơ tán người già và trẻ em ở các khu vực trũng, thấp trên các phương tiện trước 17h. Thành phố tạm dừng các cuộc họp trong ngày mai để tập trung phản ứng bão.

Sáng nay, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dặn dò Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ mộ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ mộ an toàn.

Đồn Biên phòng Ròn đã dựng nhà che toàn bộ phần mộ Đại tướng, đóng khung gỗ đề phòng gió bão hoặc mưa lớn làm sập tấm bạt. Đơn vị cũng đào rãnh thoát nước xung quanh khu mộ, tránh tình trạng mưa lớn gây xói lở.

Lúc 13h: Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, đêm qua, bão số 14 đã đi qua vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định, gây mưa to, gió lớn. Riêng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gió cấp 9, cấp 10;  Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam gió cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, đêm qua và sáng nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 100 mm. Lũ trên các sông đang lên và gây ngập úng cục bộ vùng hạ du.

Trong sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 14 tại quân khu 5, thành phố Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương, lực lượng vũ trang trong công tác đối phó với bão; Đồng thời yêu cầu các địa phương tùy theo tình hình cụ thể mà cho phép người dân đi sơ tán trở về nhà. Riêng các huyện đảo, xã đảo vùng ven biển, vùng xung yếu phải đề phòng thời tiết xấu và lũ sau bão.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền cho người dân về phòng chống thiên tai, coi đây là cuộc tập duyệt qui mô lớn để rút kinh nghiệm trong công tác sơ tán dân, đối phó với các đợt bão lũ sau này.

Lúc 12h10: Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 14 đã chuyển hướng và đang diễn biến phức tạp. Dự kiến bão đổ bộ vào đất liền từ 22h hôm nay đến 2h ngày 11/11. Khu vực đổ bộ trọng điểm từ Thanh Hóa trở ra khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ; các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, thậm chí cả Hải Phòng cũng chịu tác động.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định: Trên biển khu vực Vịnh Bắc Bộ bao gồm các huyện đảo Hòn Ngư, huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ,  Cát Hải; vùng biển từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Trị trong ngày hôm nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9.

Trên đất liền từ Đà Nẵng đến Nghệ An trong ngày hôm nay cũng có gió mạnh cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 cấp 11.  Ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa, nơi trọng tâm bão sẽ đi vào, từ chiều tối nay sẽ có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8; vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Do hướng đi song song với bờ biển miền Trung nên trong ngày hôm nay, ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế có mưa dồn dập trong khoảng từ trưa đến chiều tối nay; sau đó mưa sẽ lan ra khu vực từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Tối và đêm nay sẽ là Đồng bằng Bắc Bộ và tập trung chính mưa lớn nhất trong đợt này sẽ là khu vực Đông Bắc bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Lúc 11h30, tại Quảng  Ninh: Thông tin từ Ban tìm kiếm cứu hộ và phòng chống cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, tỉnh đang gấp rút chỉ đạo các địa phương lên phương án công tác phòng chống cơn bão số 14.

Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của Trung ương, chúng tôi đã triển khai ngay công tác phòng chống cơn bão số 14. Lệnh cấm biển đã được ban hành từ 7h sáng hôm nay.
Công tác di dời tàu bè về nơi trú ẩn an toàn đang được triển khai khẩn trương. Sau khi kiểm tra, hiện nay, 466 tàu du lịch đã rời đến nơi trú tránh an toàn, không còn chiếc nào ở trên bến.
Qua báo cáo của Chi cục khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản, 185 tàu xa bờ đã về đến nơi trú tránh trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực Hải Phòng. Còn 10.407 tàu nhỏ đã nhận được thông tin về cơn bão số 14 và đến nơi trú tránh tại các bến cá hoặc khu neo đậu trên địa bàn của tỉnh”.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án di dời dân trước khi bão đổ bộ vào. Để chủ động đối phó bão số 14, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán dân tại các địa phương ven biển và miền núi. Theo báo cáo mới nhất, Hà Tĩnh mới sơ tán được hơn 13.000 người với khoảng hơn 40.000 nhân khẩu.
Tại Thái Bình: Chủ động đối phó diễn biến của bão số 14 đang hướng vào đất liền, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo 2 địa phương ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy tổ chức di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính vào nơi an toàn trước chiều nay (10/11). 
Chiều qua, tỉnh Thái Bình đã thực hiện lệnh cấm biển và hiện 1.202 tàu thuyền, với 3061 lao động của tỉnh đã vào nơi neo đậu.
Sáng nay, tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị, huy động vật tư, phương tiện đối phó với bão số 14 tại các địa phương. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Bình cũng đã chỉ đạo Công ty khai thác thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình vận hành các trạm bơm tiêu úng kết hợp mở các cống để tiêu nước toàn hệ thống, bảo vệ an toàn cho diện tích sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết, các hệ thống tiêu nước tự chảy đang vận hành hết công suất đề phòng mưa lớn có thể gây ngập úng trên diện rộng.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương chủ động đối phó với siêu bão: hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ. Công điện nêu rõ: đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến rất phức tạp. Để chủ động đối phó siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, Cơ quan, UBND các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn
Chủ động thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải. Tổ chức hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, tàu bè.
 Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dân đến nơi ở đảm bảo an toàn.
Lúc 11h20: Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gió giật cấp 8, cấp 9 kèm theo mưa to và rất to, sóng biển cao từ 2 – 3m. Còn tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hơn 900 người dân của 2.400 dân trên đảo đang phải trú ẩn ở các căn nhà tránh bão cộng đồng, trường học, trạm xá, các hội trường của quân đội trên đảo.

 

Người dân tập trung tránh bão ở các căn nhà tránh bão cộng đồng, trường học, trạm xá
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gió giật cấp 8, cấp 9 kèm theo mưa to

Bí thư xã đảo Tân Hiệp, ông Trần Tấn Dũng cho biết mưa to và những cột sóng lớn liên tục quất vào các bờ đê chắn sóng. Chính quyền, quân đội đang túc trực 24/24h sẵn sàng ứng phó và cứu hộ giúp đỡ người dân khi cần. Chính quyền đảo khuyến cáo không được ai ra đường vào thời điểm này.

Lúc 11h00 tại TP Đà Nẵng: Mặc dù dự báo siêu bão không đổ bộ trực tiếp vào khu vực, song tại các điểm sơ tán, người dân vẫn chưa được chính quyền cho phép trở về nhà. Tại trung tâm thành phố, người dân đã bắt đầu tháo dỡ vật dụng chằng chống nhà cửa.
Khu vực biển, từng đợt sóng lớn vẫn đổ ập vào bờ, các đường phố ven biển vắng người qua lại.

 

Từng đợt sóng lớn vẫn đổ ập vào bỜ

 

 

 

 

Tại Thanh Hóa: Buổi sáng nay, các địa phương tại 6 huyện, thị xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi đảm bảo an toàn để tránh trú bão.

Lệnh sơ tán dân được Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa phát đi lúc 8h ngày 10/11. 6 huyện, thị xã có người dân phải sơ tán dân bao gồm Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các địa phương phải tiến hành khẩn trương sơ tán dân xong trước 18h cùng ngày.

Ngư dân Thanh Hóa đang khẩn trương neo đậu tàu thuyền
Theo số liệu thống kê của địa phương có 10.023 hộ (44.620 nhân khẩu) ở vùng cách mép nước biển 200m sẽ được di chuyển đến các khu nhà kiên cố như: công sở xã, trường học… Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, các hộ dân trong diện sơ tán chủ động đảm bảo lương thực trong 3 ngày, các hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn sẽ được hỗ trợ lương thực khi đi sơ tán.

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, toàn tỉnh có khoảng 36.000 nhân khẩu phải di tản để tránh bão.

 

Ngư dân Nghệ An đưa thuyền lên bờ tránh bão

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Khoảng tối nay, bão số 14 nằm trên vùng biển Quảng Trị – Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 12- 13 giật tới cấp 14 – 15, sau đó đổi hướng đi theo hướng bắc tây bắc và bắc.
Lúc 10h37: Tại đảo Song Tử Tây, Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên, Bí thư Đảng đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết, hiện nay bão đã đi qua đảo Song Tử Tây. Trên đảo đang có mưa nhỏ, sóng biển mạnh cấp 3, cấp 4 nhưng có sóng lừng- sóng cuộn ngầm từng đợt.
Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, hiện 736 ngư dân vẫn đang được tránh bão ở trên đảo và được bố trí nơi ăn, ở tốt nhất với khả năng hiện có của đảo. 64 tàu thuyền vẫn đang neo đậu tại âu thuyền. Cán bộ chiến sỹ và bà con trên đảo vẫn đang tăng cường các công tác phòng chống bão vì hoàn lưu của cơn bão này rất lớn.

“Dù cơn bão đã đi qua đảo Song Tử Tây nhưng hoàn lưu sau bão rất lớn, nên chúng tôi vẫn tiếp tục các công tác phòng chống bão, thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của đơn vị và của nhân dân”- Thượng tá Nguyễn Trọng Bình nói.

 

Vị trí và đường đi của bão số 14

 

Lúc 10h: Tại Thừa Thiên Huế gió đã mạnh dần lên và giật từng hồi; mưa bắt đầu nặng hạt… Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nhiều nhà dân vẫn còn cửa đóng then cài do  người dân đi tránh bão vẫn  chưa trở về.
Lực lượng biên phòng với hơn 600 chiến sĩ vẫn trúc trực dọc các xã ở tuyến biển để giúp dân ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 14.
Hiện đã có 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương tại tỉnh này do bão lũ.
Lúc 9h30: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) đã có gió giật mạnh cấp 8; Ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tp.Đà Nẵng và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7. Ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 7.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 7h sáng 10/11 khoảng 20 – 40mm, một số lớn hơn như Nam Đông (Huế) 82mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 45mm.

Hồi 9h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam – Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16./.

Theo : VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *