(kontumtv.vn) – Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2021 sẽ tập trung duy trì việc thi tốt nghiệp THPT trên giấy và chuẩn bị những điều kiện để sẵn sàng có thể sớm đưa vào thử nghiệm thi trên máy tính ở những năm sau.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định như năm 2020

Chia sẻ với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, qua 6 năm điều chỉnh đổi mới và những khó khăn, thách thức vì Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thể hiện sự thành công.

“Trên tinh thần đã thành công rồi, thì chúng ta sẽ tiếp tục duy trì điều đó trong giai đoạn 2021-2025. Về cơ bản, chúng ta giữ ổn định như kỳ thi năm 2020 về mặt phương thức, tổ chức các bài thi, đề thi, chấm thi,…

Theo đó, vai trò của địa phương – mà bắt đầu từ năm 2020 đã xác định rất rõ và nâng cao vai trò chủ trì, triển khai – sẽ được tiếp tục như thế cho những năm tiếp theo”.

Ông Trinh nhấn mạnh, riêng kỳ thi năm 2021 sẽ được giữ nguyên, ổn định như năm 2020.

Hướng tới việc thử nghiệm thi trên máy tính

Trong giai đoạn 2021-2025, phương thức tổ chức thi sẽ giữ ổn định cơ bản như năm 2020 nhưng tập trung vào 2 hướng.

Bộ GD-ĐT tính phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sau 2021
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Thứ nhất, sẽ tích cực và tăng cường việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa hơn.

“Đây là nhiệm vụ Bộ đã làm nhiều năm và sẽ tiếp tục làm trong những năm tới”.

Hướng thứ 2 là hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi theo hướng tính toán để tổ chức thi trên máy tính.

“Cùng việc duy trì hình thức tổ chức thi ở trên giấy thì chúng ta sẽ từng bước tính toán để đưa vào hình thức thi trên máy tính. Việc tổ chức thi trên máy tính cũng phù hợp với xu hướng chung, sự phát triển của công nghệ và kế thừa kinh nghiệm quốc tế. Song cách làm phải có lộ trình”, ông Trinh nói.

Để tổ chức thi trên máy tính được, theo đại diện Bộ GD-ĐT có 4 công việc quan trọng phải làm.

“Thứ nhất là cần ban hành được quy chế tổ chức thi trên máy tính.

Thứ hai là xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm phòng máy tính, đường truyền mạng, các thiết bị giám sát an ninh, phần mềm điều hành thi,…

Thứ ba là chuẩn bị được đội ngũ cán bộ coi thi để vận hành hình thức đó, bởi khác với việc thi trên giấy.

Thứ tư là phải chuẩn bị được cho học sinh tâm lý sẵn sàng và cụ thể hơn là kỹ năng sử dụng máy tính, các phần mềm sau này tổ chức thi,…”

Theo ông Trinh, phải có sự thử nghiệm sau đó mới mở rộng dần hình thức thi trên máy tính, cùng với việc duy trì hình thức thi trên giấy.

“Với những địa phương có đủ những điều kiện, sẽ tiến hành thử nghiệm dần. Tuy nhiên, phải đảm bảo làm sao, kể cả thi trên giấy hay máy tính thì đều trung thực, có sự tương đồng và công bằng cho tất cả thí sinh. Đặc biệt, phải làm sao không gây sốc với những bên liên quan, trước mắt là học sinh, giáo viên”.

Trước băn khoan việc tổ chức thi trên máy liệu có gây bất bình đẳng, thiệt thòi cho học sinh ở các khu vực, địa phương khác nhau, ông Trinh cho hay: “Phải quyết tâm rằng việc tổ chức thi trên máy chỉ là thay đổi về mặt phương thức thi theo hướng ứng dụng công nghệ; song không làm mất đi sự bình đẳng giữa các vùng miền”.

Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ theo hướng trên cơ sở nền tảng các trung tâm khảo thí.

Theo lộ trình, đến năm học 2025-2026, lúc đó mới có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên theo chương trình phổ thông mới. Trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, chúng ta vẫn vận hành kỳ thi theo chương trình phổ thông hiện hành. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 cho thấy rất thành công. Như vậy cần tiếp tục duy trì ở những năm tiếp theo.

-Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)-

Thanh Hùng/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *