(kontumtv.vn) – Chiều ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc và Ngài Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ngài Kamal Malhotra, Điều

phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như vai trò và sự đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu bất kỳ điều, khoản nào. Năm 1991, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và sửa đổi bổ sung, toàn diện vào năm 2004.

Nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát huy đầy đủ quyền tham gia của trẻ em, với cách tiếp cận mới, Quốc hội đã sửa đổi toàn diện lần thứ 2 và thông qua Luật Trẻ em năm 2016. Văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thực hiện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận mới, dựa trên quyền trẻ em. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với những nỗ lực tích cực của Việt Nam trong nhiều năm qua, kể từ khi tham gia Công ước về quyền trẻ em năm 1990, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ, có nhiều biện pháp tích cực trong xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Với vai trò và chức năng của mình, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và giám sát việc thực hiện theo pháp luật bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại, hợp tác Quốc tế của Quốc hội ngày càng mở rộng, phát triển đã tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội Việt Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội bảy tỏ vui mừng được biết quan hệ hợp tác giữa UNICEF với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từ năm 2006 đến nay. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc có ý nghĩa quan trọng, không chỉ về kỹ thuật mà còn góp phần nâng cao vai trò của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội mong muốn và đề nghị các cơ quan của Liên Hợp Quốc tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội Việt Nam, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài việc hỗ trợ các chương trình, dự án, Việt Nam mong muốn các cơ quan của Liên Hợp Quốc tăng cường tư vấn chính sách để giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em.

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp đoàn, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra chúc mừng Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em. Từ khi phê chuẩn Công ước, Quốc hội Việt Nam và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong lĩnh vực lập pháp.

Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra cũng đề xuất Quốc hội Việt Nam sửa đổi khái niệm trẻ em trong Luật Trẻ em phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đáng giá cao và cảm ơn những kiến nghị của Điều phối viên Thường trực Liên Hợp Quốc là để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em Việt Nam và sẽ nghiên cứu kiến nghị, các nghiên cứu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.

Hương Thảo (theo quochoi.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *