(kontumtv.vn) – Trước tình hình giá mía liên tục xuống thấp trong thời gian qua trong khi giá sắn đang lên cao đã khiến người nông dân ở nhiều địa phương phá bỏ cây mía để chuyển sang trồng sắn. Tình trạng này không chỉ gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu mà còn kéo theo nhiều rủi ro khác. Vậy, tình trạng chuyển đổi từ trồng mía sang trồng sắn chỉ là hiện tượng hay đang là xu hướng?

Nhiều năm gắn bó với cây mía, thế nhưng trong niên vụ này, ông Kiều Công Hiển (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã chuyển đổi một nửa diện tích đất của gia đình để trồng sắn. Nguyên nhân là do thời gian qua giá mía nguyên liệu xuống thấp, người trồng không có lãi, thậm chí còn bị lỗ công chăm sóc, trong khi đó, giá sắn hiện đang lên khá cao. Vì vậy, mặc dù ruộng mía lưu gốc đang trong thời kỳ cho năng suất cao nhưng ở nhiều nơi, người nông dân vẫn chạy theo thị trường, phá mía để trồng sắn. Ông Kiều Công Hiển nói: “Nếu tình hình giá mía về sau mà như 1-2 năm trở lại đây  thì phải chuyển đổi qua trồng bắp, mè, sắn hay cái gì đó thị trường chuộng chứ cây mía bây giờ thì người nông dân không còn mặn mà nữa. Giờ qua Sông Hinh, xuống Sơn Thành, ngoài Sơn Long, Sơn Định toàn là sắn không”.

Nông dân Phú Yên không còn mặn mà với cây mía
Nông dân Phú Yên không còn mặn mà với cây mía

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, diện tích trồng sắn của các địa phương trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 23.000 ha. Con số này đã vượt hơn gấp đôi so với quy hoạch vùng nguyên liệu sắn của tỉnh là 11.000 ha. Trong tình hình giá mía nguyên liệu đang xuống thấp và sắn được giá như hiện nay, nhiều nông dân tiếp tục chuyển sang trồng sắn nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nói: “Mấy năm trước thì ở đây trồng mía chứ không ai trồng mì, nhưng bây giờ người ta phá, chuyển qua trồng mì hết. Chỉ có những nơi đất sũng không trồng được mì thì mới tiếp tục trồng mía thôi”.

Có thể nhận thấy, việc người nông dân ở các địa phương chuyển đổi từ trồng mía sang trồng sắn là tự phát. Tuy nhiên, việc chuyển đổi theo kiểu chạy theo giá thị trường này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là cần phải cân đối hài hòa lợi ích giữa người trồng mía và các nhà máy mía đường để ổn định vùng nguyên liệu. Tiến sĩ Cao Anh Đường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường cho biết: “Hai đối tượng này luôn luôn muốn giành lợi ích về cho mình. Nếu như lợi ích không phân bổ đồng đều thì mối liên kết sẽ bị đứt ngay. Nên cần phải có vai trò của ông trọng tài là Nhà nước, là chính sách để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, biết được giá mía để họ yên tâm trồng mía”.

Đã từng được xem là cây trồng giảm nghèo, thế nhưng giờ đây, nhiều diện tích mía đang dần nhường chỗ cho cây sắn. Thực tế này đang diễn ra ở địa bàn huyện Sơn Hoà nói riêng và cả ở nhiều địa phương khác, khi trong thời gian qua, người dân trồng mía liên tiếp gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi cây trồng từ cây mía sang các loại cây trồng khác, cụ thể ở đây là cây sắn, cho thấy niềm tin của người nông dân đối với cây mía đang bị sụt giảm nghiêm trọng!

Đức Hưng – Đắc Lâm

Đài PT-TH Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *