(kontumtv.vn) – Trước câu chuyện cô giáo lên lớp không giảng bài khiến học sinh bật khóc được báo chí đưa tin nhiều trong mấy ngày qua, bà Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội khóa 14, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã chia sẻ ý kiến của mình với VietNamNet.

dân chủ trong trường học,quan hệ thầy trò,cô giáo
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội khóa 14

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan giám sát nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, bà Hải đã nêu ý kiến riêng của mình xung quanh cách thức đối thoại giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh, cũng như việc thực thi tính dân chủ trong nhà trường.

Vietnamnet xin đăng tải ý kiến của bà.

Là người từng giảng dạy, công tác trong ngành giáo dục một thời gian dài, khi nhìn thấy hình ảnh em Phạm Song Toàn bật khóc trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi thấy rất đau lòng. Từng là một nhà giáo, khi thấy đồng nghiệp của mình không chia sẻ được với học sinh, để cho em phải thổn thức, phải bật khóc, hình ảnh ấy toát lên sự uất ức, thiếu dân chủ, không được trao đổi lắng nghe của em với giáo viên của mình.

Ở vị trí của mình, tôi rất quan tâm tới việc lãnh đạo đối thoại, gặp gỡ dân. Khi người dân được lắng nghe từ lúc vấn đề còn sơ khai, thì việc lớn sẽ thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì. Nhưng càng để lâu thì càng chất chứa những uất ức.

Hãy xét câu chuyện này từ nhiều phía.

Thứ nhất, ở phía cô giáo, cô đã không thực hiện đúng chức trách của một người giáo viên theo Luật Giáo dục. Giữa thầy và trò phải có sự giao tiếp, phát vấn thì mới gọi là hoàn thành một bài giảng. Ngoài ra, chiếu theo mục tiêu của giáo dục, trách nhiệm của người thầy, ngoài việc giảng dạy kiến thức cho học sinh, người thầy phải là một hình mẫu về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo, trong khi hành xử của cô giáo lại đang gây ảnh hưởng tới tâm lý học trò.

Theo như cô giáo nói, một trong những nguồn cơn mâu thuẫn là do học sinh nói sẽ ghi âm cô giảng bài và đưa lên mạng. Chuyện đó cần phải tìm hiểu, nhưng tôi cho rằng lý do đó không thuyết phục. Nếu các em có ý định ghi âm bài giảng của cô thì chúng hoàn toàn có thể quay clip cô giảng bài không lời để phát tán trên mạng. Hình ảnh đó còn kinh khủng hơn nhiều. Ngoài ra, nếu bản thân cô giáo dạy đàng hoàng, đúng kiến thức thì không phải sợ gì chuyện bị học sinh quay clip. Tôi nghĩ lý do đó, nếu có, thì hoàn toàn không hợp lý.

Hiện nay, thầy hiệu trưởng bày tỏ nguyện vọng dư luận hãy nhân văn với cô. Tuy nhiên, một mình cô giáo đang làm ảnh hưởng tâm lý của cả tập thể lớp, tới cả ngành giáo dục và những học sinh khác. Theo tôi, cần tạm thời cách ly cô ra khỏi môi trường giáo dục. Bởi ảnh hưởng của việc này là rất lớn. Học trò lên lớp, nếu thầy cô không tươi cười thì ít nhất cũng phải giảng bài. Tất nhiên có nhiều lý do nhưng lý do ta tìm hiểu sau. Tất nhiên, mọi người nói rằng bây giờ cô giáo đã nói chuyện, đã giảng bài. Nhưng không chỉ đơn giản là chuyện bây giờ cô giáo đã giảng bài trở lại thì học sinh có thể tiếp thu bình thường. Cá nhân tôi cho rằng, môi trường giáo dục cần những con người toàn vẹn hơn để không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, mà còn là một tấm gương về nhân cách, lối sống cho các em.

Thứ hai, tôi rất băn khoăn việc quản lý công tác chuyên môn trong nhà trường. Bình thường, khi chúng tôi đi dạy, việc dự giờ, hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường xuyên diễn ra. Vậy tại sao ở trường này lại không diễn ra những hoạt động như vậy để học sinh chịu đựng hàng tháng trời việc cô giáo đứng lớp mà không nói một lời nào?

Thứ ba, khi học sinh nói với cô chủ nhiệm, cô chủ nhiệm đã lắng nghe nhưng không làm tròn nhiệm vụ của mình là cương quyết bảo vệ quyền lợi cho học sinh của mình. Quyền lợi của học sinh là lên lớp phải được nghe giảng. Cô giáo chủ nhiệm đã không dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của học sinh mình. Có thể đây là biểu hiện ngại va chạm giữa đồng nghiệp với nhau.

Ở góc độ thầy hiệu trưởng, vai trò của người đứng đầu là rất lớn. Thầy là người đánh giá, nhận xét, chủ động trong việc sử dụng cán bộ của mình. Có thể thầy chưa đánh giá đây là một sự việc nghiêm trọng nên thầy còn chưa giải quyết một cách rốt ráo. Thứ hai, đứng trên một phương diện nào đó, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em khi đi học chưa được đảm bảo.

Một điều mà tôi băn khoăn, lo lắng cho tập thể học sinh lớp này là trong suốt 4 tháng không được nghe giảng, ai sẽ là người bồi thường, hỗ trợ cho những thiệt thòi của các em. 4 tháng trời các em không được học, ai và kinh phí ở đâu sẽ bù đắp cho các em về mặt kiến thức?

Tôi nghĩ, nhà trường cần có kế hoạch ngay về việc bổ sung kiến thức các em đã bị hụt.

dân chủ trong trường học,quan hệ thầy trò,cô giáo
Nữ sinh Phạm Song Toàn bật khóc trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: Lê Huyền

Nếu nói về mối quan hệ thầy trò, thời gian gần đây đã xuất hiện những hình ảnh rất méo mó trong quan hệ thầy trò. Thời của tôi, thầy trò chia ngọt sẻ bùi với nhau, tại sao bây giờ học trò lại xa cách với thầy cô như thế? Mối quan hệ thầy trò hiện nay bị biến đổi theo những xu thế khó lường do ảnh hưởng của môi trường xã hội, Internet, những tiêu cực.

Tôi có 2 mong muốn. Thứ nhất, ngành giáo dục sớm rà soát, tìm hiểu, tăng cường đối thoại, xây dựng những hình thức để phát huy tính dân chủ trong nhà trường như: hòm thư góp ý, đường dây nóng… để nghe tâm sự của các em. Phải rà soát xem ở đâu còn những hiện tượng như thế này không.

Thứ hai, với tập thể học sinh đó, cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia giáo dục để phục hồi tâm lý cho các em. Cấp trên cần giám sát để tránh hiện tượng trù dập học sinh sau khi sự việc xảy ra.

Bản thân tôi, ở vị trí của mình, tôi rất mong muốn, nếu các em có nguyện vọng, băn khoăn hay những hiện tượng gì xảy ra, có thể trao đổi với cá nhân tôi.

Tôi cũng đánh giá hiện nay mối quan hệ giữa phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo, cán bộ quản lý công tác giáo dục cần phải phối hợp với nhau chặt chẽ, khăng khít dựa trên sự chia sẻ và đồng hành cùng nhau. Phụ huynh cũng cần nhìn dưới góc độ, nếu giáo viên nghiêm khắc với con mình là đang muốn dạy dỗ các em tốt hơn. Đối với giáo viên, cũng cần xem xét quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình được phép làm đến đâu. Hội cha mẹ học sinh phải là cầu nối để các bên thực sự chia sẻ, thông cảm với nhau.

Để phát huy tính dân chủ trong nhà trường, học sinh cần mạnh dạn trao đổi những vấn đề hài lòng và chưa hài lòng với việc giảng dạy của thầy cô. Các thầy cô cũng cần nghiêm túc tiếp thu, coi đó là một kênh thông tin hữu ích để điều chỉnh quan hệ của mình, phương pháp giảng dạy của mình với học sinh.

Bản thân tôi cũng rất chia sẻ với các nhà giáo. Nhiều nhà giáo nói với tôi rằng, thực ra khi giáo viên lên lớp mà còn bực mình, còn mắng học sinh nghĩa là họ vẫn còn tâm huyết. Còn nếu người giáo viên đã tỏ ra thờ ơ, lãnh cảm với học sinh của mình thì còn nguy hiểm hơn. Vì vậy, khi tất cả các phía không đồng cảm, chia sẻ với nhau, người bị thiệt thòi nhiều nhất chính là các em học sinh. Tôi rất mong muốn các bên liên quan phối hợp cùng nhau, đồng cảm, chia sẻ với nhau trên mỗi cương vị của mình.

Nguyễn Thảo (ghi)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *