(kontumtv.vn) – “Cử tri sẽ không chấp nhận một bản chương trình hành động chung chung hay nặng về lý thuyết suông mà xa rời thực tế”, ông Trần Công Lập nói.

Lời hứa phải đi đôi với việc làm

Thời gian này, các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang trực tiếp tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, đồng thời báo cáo trước cử tri về chương trình hành động của mình nếu trúng cử ĐBQH.

cu tri khong can chuong trinh hanh dong ly thuyet suong, xa thuc te hinh 0
Ông Trần Công Lập

Cử tri rất quan tâm đến chương trình hành động của các ứng cử viên, bởi đó không chỉ được coi là “lời hứa trước dân” mà đó thực sự là cơ sở để cử tri xem xét, đánh giá ứng cử viên có đủ phẩm chất trở thành một đại biểu đại diện cho tiếng nói của người dân hay không.

Ông Trần Công Lập, Trưởng ban công tác mặt trận địa bàn dân cư số 2, phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cho biết, theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội khóa trước ông thấy nhiều đại biểu khi trúng cử ĐBQH phát huy được năng lực của mình, tham gia nhiều ý kiến với Quốc hội và cả nước, song cũng có đại biểu cả khóa không nêu được ý kiến gì. Vì vậy, ông mong khóa này sẽ bầu được đại biểu có đủ năng lực, có tâm, có tầm, tâm huyết phục vụ quyền lợi của nhân dân.

Theo ông Lập, để thuyết phục được cử tri, tại các cuộc tiếp xúc, ứng cử viên phải xây dựng được chương trình hành động sát với thực tế, là những vấn đề người dân hết sức quan tâm mà cần có biện pháp tháo gỡ. “Dân trí ngày càng nâng cao, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh như hiện nay thì quyền giám sát của người dân ngày càng thể hiện rõ. Cử tri sẽ không chấp nhận một bản chương trình hành động chung chung hay nặng về lý thuyết suông mà xa rời thực tế. Chương trình hành động đó phải thể hiện được mong muốn của người dân, người dân cần gì, cần tháo gỡ vướng mắc gì. Một chương trình hành động sáo rỗng, không có giải pháp giải quyết thấu đáo những vấn đề nổi cộm mà người dân quan tâm thì chắc chắn cử tri sẽ không dành lá phiếu của mình cho ứng cử viên đó”, ông Trần Công Lập nói.

Theo ông Lập, cử tri mong muốn các ứng cử viên không cần nói quá dài dòng, đặc biệt những điều hứa với dân phải được viết thành văn bản, in ra giấy và gửi cho các tổ chức, cử tri nơi người đó trúng cử để người dân giám sát. Bởi thực tế đã có trường hợp ứng cử viên đưa ra chương trình hành động rất hay, rất hấp dẫn, nhưng khi trúng cử ĐBQH thì họ không thực hiện đúng như lời đã hứa. “Cử tri cần một đại biểu nói phải đi đôi với hành động chứ không phải hứa suông”, ông Lập nhấn mạnh.

“Cử tri rất mong các ứng cử viên trúng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp khóa mới cùng với Quốc hội, các Bộ ngành kiên quyết chống được tham nhũng, làm sao bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đáp ứng được các quyền lợi sát sườn của cử tri như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự an ninh, an toàn giao thông, đặc biệt phải cải cách giáo dục, cần có sự “sòng phẳng” giữa kiến thức và năng lực thực tế chứ không phải kiến thức đi theo “phong bì”, ông Lập nói thêm.

cu tri khong can chuong trinh hanh dong ly thuyet suong, xa thuc te hinh 1
Ông Vi Văn Phạm

Đồng quan điểm với ông Lập, ông Vi Văn Phạm ở tổ dân cư số 11, phường Thành Công cũng cho rằng, chương trình hành động của các ứng cử viên khi tiếp xúc cũng chính là “lời hứa” của mỗi cá nhân trước đông đảo cử tri, người sẽ cầm lá phiếu tín nhiệm bầu ứng viên đại diện cho mình. Vì vậy một khi đã hứa thì các đại biểu phải cố gắng thực hiện, “lời hứa phải đi đôi với thực hành”. Lời hứa đó cũng là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên khi đã được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình.

Nhìn vào danh sách niêm yết, ông Phạm đánh giá các ứng cử viên đều “ngang tài, ngang sức” về đạo đức cũng như năng lực trình độ. Vì vậy, những cuộc tiếp xúc cử tri có vai trò rất quan trọng, ngoài việc cử tri nhận diện được người nào sẽ đại diện cho tiếng nói của mình thì đây cũng là cơ hội để người dân hiểu thêm về năng lực của người ứng cử, từ đó lựa chọn đại biểu tiêu biểu, xứng đáng.

Cần đổi mới trong tiếp xúc cử tri

GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội các khóa 10, 11, 12 bày tỏ, ông không bằng lòng kiểu “đại cử tri” ở các thành phố lớn. Tiếp xúc cử tri trong các phòng sang trọng, lần nào cũng vẫn chỉ là những gương mặt quen biết. Thậm chí có những nơi cử tri muốn phát biểu gì phải viết trước ra giấy trước. Điều đó là hoàn toàn thiếu dân chủ và không đúng quy định.

GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Bác Hồ định nghĩa “dân chủ” rất đơn giản. Bác nói “dân chủ là để cho dân mở miệng”. Ở đây không phải dân mà là để mọi cử tri có quyền “mở miệng”. Hoặc là họ nói lên những bức xúc của họ, hoặc là họ phê phán người đại biểu đã hứa mà chưa thực hiện… Hơn nữa, đã có quy định đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với cử tri và như vậy là nhẽ ra cử tri muốn gặp đại biểu lúc nào cũng được. Bản thân tôi khi làm đại biểu Quốc hội, người dân đến gặp tôi rất đông, không bận thì mời vào nhà, họ đưa đơn thì mình tiếp, nếu bận thì hẹn thời gian khác… Không phải là cử tri những nơi tôi ứng cử mà cử tri tỉnh hay thành phố nào nào tôi cũng tiếp. Tôi quan niệm đại biểu Quốc hội là đại biểu của cả nước. 500 đại biểu Quốc hội là đại biểu của toàn dân chứ không phải chỉ là đại biểu của nơi mình ứng cử. Tôi hỏi họ sao không gặp đại biểu mà mình bầu ra, họ bảo khó gặp lắm, đến Trụ sở cùng lắm là chỉ gặp được Thư ký của Đoàn, đến nhà thì họ không tiếp. Cái đó theo tôi là không đúng quy định cần có quan hệ mật thiết với nhân dân”.

Theo dõi một số cuộc tiếp xúc cử tri, ông Mai Văn Ký (quận Ba Đình, Hà Nội) thấy vẫn còn tình trạng phần lớn cử tri là cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu mà không thấy có cử tri trẻ, hay đoàn viên tham gia. Nhiều nơi khi tổ chức tiếp xúc thường gửi giấy mời các đại biểu đến dự, ít thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri có điều kiện tham gia. Cách tổ chức tiếp xúc và thời gian tiếp xúc chưa linh hoạt, thường tổ chức vào ban ngày nên không có nhiều thành phần cử tri tham gia. Bên cạnh đó, cách tổ chức nặng chất hội nghị khiến các ứng cử viên không nghe hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

“Có đại biểu được mời nhưng lại không đi, có một số người dân muốn tiếp xúc với các ứng cử viên thì lại không được mời. Vậy nên trước hội nghị tiếp xúc cử tri nên thông báo rộng rãi để có người dân nào tâm huyết, mong mỏi ý kiến được dự và tham gia”, ông Mai Văn Ký cho biết./.

Kim Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *