(kontumtv.vn) – Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Đừng để người dân hàng ngày nhìn thấy chúng ta xử lý vốn vay, vốn huy động một cách lãng phí, vào túi những kẻ tham nhũng…

Phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014-2015, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng: “Quốc hội không những đồng cảm, chia sẻ mà cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ, với các ngành trong việc giải quyết bài toán nợ công. Vì Quốc hội chính là người ấn nút để thông qua Luật quản lý nợ công, giờ Chính phủ đề nghị phải sửa thì đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định). Ảnh: Quang Trung

Đại biểu Anh Sơn cho rằng, tại kỳ họp này Báo cáo về vấn đề nợ công là nhiều nhất, đầy đủ nhất so với tất cả các kỳ họp trước đây. Qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy, tình hình nợ công khiến ĐBQH không yên tâm, dù Chính phủ đảm bảo rằng nợ công vẫn nằm dưới ngưỡng an toàn, dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, rằng Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để giữ nợ công không vượt qua ngưỡng an toàn. 98% nợ công là đầu tư cho phát triển và điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược quản lý nợ công.

Nhưng, theo đại biểu Anh Sơn, thật khó yên tâm khi thấy dư nợ nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối và tiến nhanh đến ngưỡng Quốc hội cho phép, chưa có dấu hiệu giảm đi. Không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách hết sức khó khăn. Nên chúng ta chỉ có thể bố trí trên dưới 25% để trả nợ thấp hơn nghĩa vụ phải trả. Thực tế, nguồn trả nợ từ ngân sách cũng chỉ chiếm 14% trong tổng số 25%, phần còn lại là đảo nợ.

“Tích lũy nợ công ngày càng tăng và chưa biết khi nào chúng ta trút hết được gánh nợ nợ công này. Chúng tôi cũng thấy lưu ý ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên rằng kế hoạch của chúng ta là 65% nợ công là đến 2020 nhưng đến 2015 đã trên 64% rồi, còn những năm sau có tăng nữa không, trong khi rõ ràng nhu cầu ngành nào cũng muốn thêm tiền, địa phương, dự án, công trình nào cũng muốn thêm tiền… khi đó, nợ công chắc chắn sẽ còn rất căng thẳng. Chúng ta không thể không lo khi tính bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh nợ ngày càng tăng” – đại biểu Anh Sơn bày tỏ lo lắng.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra 8 khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong quản lý nợ công và đề ra 9 giải pháp cụ thể tăng cường quản lý nợ công trong thời gian tới. Đại biểu Anh Sơn cho rằng, giải pháp của Chính phủ tương đối toàn diện, chi tiết. “Chúng ta cần đặt niềm tin, trách nhiệm, cũng như giải pháp quyết liệt mà chính phủ đưa ra” – Đại biểu Anh Sơn nói.

Nhắc lại phần phát biểu của Bộ trưởng Tài chính trong phiên thảo luận trước, là mong muốn chúng ta cùng chia sẻ, ủng hộ và đồng cảm với quan điểm, giải pháp của Chính phủ trong giải quyết bài toán nợ công. Nhưng theo đại biểu Anh Sơn: Quốc hội không những đồng cảm, chia sẻ mà cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ, với các ngành trong việc giải quyết bài toán nợ công. Vì Quốc hội chính là người ấn nút để thông qua Luật quản lý nợ công, giờ Chính phủ đề nghị phải sửa thì đó là trách nhiệm của chúng ta. Quốc hội chính là người bấm nút thông qua các dự án, công trình quan trọng quốc gia, những chương trình an sinh xã hội… những nội dung đó đòi hỏi phải có vốn, vay vốn, huy động vốn, vay ODA, phát hành trái phiếu… thì Quốc hội phải cân nhắc, chịu trách nhiệm với Chính phủ chứ không phải câu chuyện riêng của Chính phủ. Quốc hội còn có trách nhiệm phải giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay, vốn huy động như thế nào cho hợp lý, không thất thoát…

“Quốc hội phải cùng Chính phủ, các bộ ngành giải quyết bài toán nợ công chứ không phải đứng ngoài phê phán không” – đại biểu Anh Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Anh Sơn cũng cho rằng, lõi quan nhất của nợ công không phải nó cao bao nhiêu, nhiều bao nhiêu, có thể hôm nay chúng ta định là 65% nhưng cũng có thể cao hơn nữa… không quan trọng. Quan trọng chúng ta sử dụng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, làm sao đầu tư phải phát huy hiệu quả.

Và nhất là không để lãng phí, thất thoát, đừng để người dân hàng ngày nhìn thấy chúng ta xử lý vốn vay, vốn huy động một cách lãng phí, vào túi những kẻ tham nhũng./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *