(kontumtv.vn) – Chính phủ đã chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân, không lý gì người dân không ủng hộ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, bắt đầu từ 0h ngày 28/3, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như massage, vũ trường, các điểm du lịch, tham quan, các rạp chiếu phim, các quán bia, nhà hàng ăn uống.

dong long va dong hanh voi chinh phu "chong giac covid-19" hinh 1
Các cửa tiệm spa, làm đẹp trên phố Cầu Gỗ đã tạm đóng cửa (Ảnh: Hoàng Hiếu)

Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Tạm dừng hoặc tổ chức lại, hạn chế chuyến các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các địa phương khác.

“Lệnh giới nghiêm” này có thể áp dụng trong một tuần hoặc vài tuần.

Bà Nguyễn Thùy Minh, cán bộ hưu trí, ở phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, cho biết, dù đã sống liên tục tại Hà Nội từ năm 1960 đến nay, bà chưa từng phải đối diện với tình cảnh này. Nhịp sống của người dân Hà Nội chậm lại, khác với sự ồn ào thường thấy, xe cộ đi trên đường vắng hơn, các hàng quán gần như đã đóng cửa hết. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, việc Chính phủ yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tụ tập đông người là đúng đắn. Là một người dân, bà Minh tự thấy mình có trách nhiệm tuân thủ và nhắc nhở người thân, hàng xóm xung quanh cùng thực hiện.

dong long va dong hanh voi chinh phu "chong giac covid-19" hinh 2
Bà Nguyễn Thị Minh

Bà Minh chia sẻ, chính câu nói của Thủ tướng, đại ý rằng kinh tế có thể hồi phục nhưng tính mạng của công dân không thể thay thế, đã như một động lực khiến bà suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm của mỗi công dân. Thủ tướng, Chính phủ đã quyết tâm “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân”, không lý gì người dân không đồng lòng ủng hộ và hợp tác.

Bà Minh cũng cho rằng, chính sự đồng lòng của người dân và Chính phủ mà chúng ta đã làm khá tốt trong giai đoạn đầu chống dịch. So với những nước phát triển hơn, chúng ta có thể tự hào đã chữa khỏi cho 17 ca mắc Covid-19, chưa có trường hợp nào tử vong. Dựa vào đây, bà Minh có niềm tin đất nước sẽ vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách này.

“Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ khó khăn, gian nan là thế mà với sự đoàn kết của cả dân tộc chúng ta đã giải phóng được đất nước. Trong cuộc chiến chống dịch này nếu người dân cả nước tiếp tục đoàn kết, kỷ luật, tuân thủ các quy định của Thủ tướng, Chính phủ, chúng ta chắc chắn sẽ giành thắng lợi”, bà Minh bày tỏ.

Đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách, mỗi người dân như một “chiến sĩ” chống dịch. Câu nói đó khiến bà Phạm Thị Hằng ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai tâm đắc. Bà từng xung phong vào mặt trận trong kháng chiến chống Mỹ, từng thấm thía những giai đoạn Hà Nội xếp hàng mua gạo, mua rau và giờ là lệnh giới nghiêm để ngăn ngừa dịch.

“Từ Tết đến giờ, do các cháu nghỉ học nên tôi có thời gian chơi, gần gũi với các cháu nhiều hơn. Không chỉ nhắc nhở các cháu dành thời gian học tập để không quên kiến thức, tôi còn hướng dẫn các cháu những trò chơi truyền thống để chúng hạn chế phải tiếp xúc với điện thoại, máy tính. Nếu chúng ta không làm được gì nhiều thì chỉ cần thực hiện theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế… cũng đã góp phần chống dịch Covid 19 rồi. Chúng ta hãy thể hiện sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân chống dịch như thời chống giặc ngoại xâm trước đây” – bà Hằng chia sẻ.

Tự xoay sở để thích ứng với hoàn cảnh mới, đó là cách mà người Hà Nội đã, đang và sẽ làm với mong muốn góp một phần nhỏ bé để chống dịch.

Dù quán xá đóng cửa nhưng các cửa hàng thực phẩm vẫn dồi dào hàng hóa, đó là điều mà người dân yên tâm nhất. Anh Trần Thành Long ở phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, gia đình anh không cảm thấy quá khó khăn, bất tiện. Anh ủng hộ Chính phủ đưa ra các biện pháp mạnh trong một thời gian ngắn để đẩy lùi dịch bệnh. Quan trọng là “còn người thì còn của”.

“Chính phủ cũng rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo có đủ những mặt hàng thiết yếu để cung cấp cho người dân, nên tôi không cảm thấy lo ngại”- anh Long cho biết.

dong long va dong hanh voi chinh phu "chong giac covid-19" hinh 3
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận hơn 40 năm được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị chưa từng thấy có một sự việc gì mà Thủ tướng phải ra lệnh đóng cửa, tạm dừng các hoạt động, dịch vụ có thể tụ tập đông người, hạn chế người dân ra đường. Từ nhỏ đến lớn, chị cũng chưa từng có lúc nào phải nghỉ học ở nhà quá 1 tuần vì một điều gì đó, đặc biệt vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, chị cũng như gia đình chị hoàn toàn tin tưởng và tuân thủ các quyết định cũng như những giải pháp kịp thời của Chính phủ với mục tiêu lớn nhất là hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

“Ngay cả thế giới, những nước phát triển cũng không dự đoán được tình hình dịch bệnh; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không thể dự đoán chính xác ở thời điểm này. Thế nên việc phải đối diện với những quyết định mới, những yêu cầu tạm dừng hoạt động, hay giới nghiêm… là hoàn toàn có thể xảy ra và mỗi người dân có trách nhiệm phải tuân thủ. Chính phủ kêu gọi cả hệ thống chính trị phải “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã từng mất hàng chục năm đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, công cuộc chống dịch dù phải mất hàng chục ngày, thậm chí lâu hơn, chúng ta vẫn phải vượt qua”, chị Hải chia sẻ.

“Thời điểm này không thể sinh hoạt, tiêu pha thoải mái như trước mà cần phải tiết kiệm. Ở mình, hoạt động sản xuất cũng rất quy củ nên mình nghĩ cũng không có gì phải quá lo lắng trong thời gian tới, tất nhiên vẫn phải có sự chuẩn bị để cuộc sống ít bị ảnh hưởng nhất”- chị Hải cho biết.

Thường xuyên theo dõi dịch bệnh từ khi mới xuất hiện nên gia đình chị Phạm Thị Tuyết Minh (Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phần nào hình dung được mức độ phức tạp của dịch bệnh lần này.

Từ mùng 6 Tết khi có thông tin về dịch bệnh do virus corona gây ra, vợ chồng chị đã trao đổi và chuẩn bị phương án để đối diện với những khó khăn có thể gặp phải.  Thấy thành phố và Chính phủ đã có những phản ứng rất kịp thời khi đợt dịch lần thứ 2 bùng phát, chị Minh chia sẻ: “Là một người dân, tôi hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Chính phủ hạn chế đi lại để tránh dịch bệnh lây nhiệm. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cho thời gian chống dịch sắp tới”./.

Uyển Thanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *