(kontumtv.vn) – Chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, không để nợ đọng văn bản; kiên định về lý luận cũng như trong các điều hành cụ thể về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão, buôn lậu, gian lận thương mại… là những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Ảnh VGP/Nhật Bắc

* Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Mở đầu phiên họp, sau khi nghe báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, sự kiện từ tối 15/7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về hướng đảo Hải Nam và đến sáng 16/7, giàn khoan này cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

* Về nội dung phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách… của Chính phủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách; luật pháp có tốt, đúng, phù hợp thì công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả và ngược lại.

Theo Thủ tướng, những năm qua Chính phủ đã hết sức nỗ lực song công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị kỹ các nội dung đóng góp ý kiến, đảm bảo tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời hết sức lưu ý đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, tính khả thi của các các văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. Ảnh VGP/Nhật Bắc

* Chủ trì cuộc họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển KTXH của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong báo cáo sơ kết cần làm rõ thêm những vấn đề lớn là: Những gì làm chưa tốt phải chỉ đích danh, cụ thể, phải điểm mặt những gì chưa làm được theo nguyên tắc thị trường; những gì phải sửa, để thực sự là thị trường, thực sự là minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhất là vấn đề về giá, nếu chưa thực hiện theo thị trường phải tiến tới thực hiện giá thị trường; việc phân bổ nguồn lực cũng phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường; đã là kinh tế thị trường phải vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường. Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến phát biểu, đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, trình Bộ Chính trị.

* Chủ trì cuộc làm việc về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2014 và phương hướng điều hành giá xăng dầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc điều hành giá xăng dầu như vừa qua đã thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 84, đồng thời các chi phí hình thành giá thành, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, mức lợi nhuận tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được công khai, minh bạch.

Trước việc giá xăng dầu thế giới đang đứng ở mức cao và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thế giới, đồng thời có phương án trong trường hợp giá thế giới tăng cao đột biến.

Thực hiện đúng nguyên tắc điều hành với các mục tiêu đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng; chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực; thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước hợp lý, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh được xu hướng giá thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu hai Bộ giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới; phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc của Nghị định 84; công khai minh bạch về các cơ sở hình thành giá bán lẻ xăng dầu; về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá  xăng dầu, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp để dư luận và nhân dân nắm rõ và chia sẻ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đồn Biên phòng Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng). Ảnh: VGP/Lê Sơn

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến công tác tại tỉnh Tây Ninh, kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà trách nhiệm cụ thể và đầu tiên thuộc về các lực lượng chuyên trách như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chuyên trách phải đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thông suốt tư tưởng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để làm chuyển biến tình hình mạnh mẽ hơn.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường CNH-HĐH của Tây Ninh phải dựa trên lợi thế so sánh của địa phương trong tất cả các lĩnh vực về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời cần có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.

* Dự chương trình “Tri ân và chia sẻ” kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Thanh niên xung phong, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các cựu thanh niên xung phong xứng đáng được nhận sự bù đắp, tri ân lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần của xã hội. Bày tỏ lòng biết ơn với lực lượng thanh niên xung phong chính là việc chúng ta xây đắp tương lai của con cháu một cuộc sống tốt đẹp hơn – Phó Thủ tướng xúc động chia sẻ về hoàn cảnh của hàng vạn cựu TNXP và con cái của họ đang bị phơi nhiễm chất độc da cam, phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, hàng trăm cựu TNXP hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ, tình cảnh của gần 6.000 cựu nữ TNXP, dân công hỏa tuyến đang sống đơn thân hoặc sống trong hoàn cảnh cô đơn, thiếu nơi nương tựa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phòng chống bão tại Quảng  Ninh. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

* Trước và trong diễn biến cơn bão số 2 đổ bộ trực tiếp vào vùng biển, đất liền nước ta, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có hàng loạt các cuộc họp khẩn, đưa ra những chỉ đạo kịp thời trong phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương thống nhất hoãn tất cả các hoạt động chưa cần thiết, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ chứa, vùng xung yếu; thực hiện cấm biển sơ tán dân ở những nơi xung yếu, nguy hiểm.

Phó Thủ tướng cũng đã tới Hải Phòng, Quảng Ninh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo chống bão, thăm hỏi và động viên ngư dân tại nơi neo đậu trú tránh tàu thuyền, thị sát công tác 4 tại chỗ, chằng chống nhà cửa của người dân vùng ven biển.

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đến thăm làm việc tại một số giàn khoan dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các liên doanh. Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của từng cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, đóng góp vào kết quả hoạt động đáng khích lệ của cả Tập đoàn trong 6 tháng qua, nhất là việc vượt khó khăn, đảm bảo sản lượng khai thác và hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ giao phó.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn bám sát tinh thần và chỉ đạo của Chính phủ, các chương trình công tác trọng tâm trong chủ trương tái cấu trúc, đảm bảo kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ và khai thác khí 6 tháng cuối năm theo đúng kế hoạch đề ra; kiểm tra, giám sát chặt chẽ  vận hành an toàn các hệ thống vận chuyển khí, các nhà máy điện, đạm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Giám sát chặt chẽ các hoạt động dầu khí, đảm bảo an toàn, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tiếp tục hợp tác với các lực lượng hữu quan trong việc triển khai các hợp đồng dầu khí và đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

* Chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Hội nghị cần tập trung đi sâu, bàn về việc triển khai hiệu quả Nghị quyết. Nội dung đổi mới sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp tuân thủ chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải quản lý bằng được đất đai. Đất phải có chủ, có quy hoạch tổng thể gắn với việc quản lý, sử dụng, bảo vệ phát triển rừng, tiếp tục duy trì và hình thành vùng phát triển nông lâm nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, tìm giải pháp tạo chuyển biến căn bản trong quản lý, quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông, lâm sản, gắn với bảo vệ môi trường theo chuỗi giá trị.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, du lịch Việt Nam chỉ có thế phát triển nhanh và bền vững với sự chung tay góp sức của các bộ ngành, địa phương, DN và người dân. Đây là sự liên kết du lịch hiệu quả nhất, bền vững nhất mà chúng ta cần hướng tới.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Du lịch, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển theo tư duy định hướng, có tính đến trọng điểm, thế mạnh cụ thể trong quy hoạch chung thay vì quy định quá chi tiết, dàn trải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch chủ trì Hội thảo “Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với Đại ngàn Tây Nguyên”. Ảnh: VGP/Đình Nam

* Có chuyến công tác tại Nam Trung bộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự sự kiện du lịch độc đáo lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Thuận – Lễ hội Nho-Vang quốc tế 2014. Đây dịp tôn vinh giá trị cây nho, loại cây trồng đặc sản của Ninh Thuận, đồng thời, tạo cơ hội giao thương giữa nông dân trồng nho và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các sản phẩm chế biến từ nho.

Làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng cho rằng, dựa trên những lợi thế nhất định của tỉnh, Khánh Hòa cần mạnh dạn đề xuất thực hiện thí điểm những cơ chế, mô hình mới về đào tạo du lịch, phát triển dịch vụ y tế, thu hút vốn đầu tư…

Về thế mạnh du lịch, tỉnh không chỉ dừng ở việc đào tạo nhân lực du lịch ở trình độ cao, trình độ đại học mà cũng cần quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm dịch vụ du lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương từ lời ăn tiếng nói, đến thái độ thân thiện, ứng xử văn minh hằng ngày để Khánh Hòa ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách.

Gia Nguyên/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *