(kontumtv.vn) – Thành công của IPU-132 tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội.

Nâng tầm tiêu chuẩn tổ chức một kỳ Đại hội đồng IPU

Đại hội đồng và các hội nghị liên quan tại Hà Nội từ 28/3 đến 1/4/2015 là Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham gia của gần 2000 khách quốc tế, trong đó khoảng 100 vị lãnh đạo nghị viện các nước trên thế giới.

Việt Nam đã vận động mời được 3 nghị viện Brunei, Fiji và Nauru (không phải thành viên IPU) tham dự ĐHĐ IPU-132, trong đó có một số nghị viện thể hiện mong muốn trở thành thành viên chính thức của IPU. Đây là thành công của nước chủ nhà IPU-132, có ý nghĩa quan trọng đối với IPU và được IPU đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng
và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chúc mừng thành công IPU-132. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thành công của IPU-132 nâng cao uy tín, vị thế IPU. Đây là sự kiện chính trị ý nghĩa, đối ngoại tạo sự đồng thuận lớn, là sự kiện văn hóa mang tính lịch sử, tạo dấu ấn về hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khánh trong lòng bạn bè quốc tế. Các chủ đề do Việt Nam đề xuất rất hội tụ, ý nghĩa, phù hợp và được đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn và biểu dương các lực lượng tham gia góp phần làm nên thành công của sự kiện quốc tế rất quan trọng này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa có một hội nghị quốc tế nào thắng lợi toàn diện, sâu sắc như IPU-132. Ấn tượng Việt Nam thể hiện trên tất cả các phương diện, trong đó có Tuyên bố Hà Nội.

Sự thành công của Đại hội đồng, theo Phó Thủ tướng, ngoài có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và người dân còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan; sự kiểm tra đôn đốc và chủ động từ khâu vận động, chuẩn bị đến thực hiện.

Dùng hai từ “mỹ mãn” để đánh giá thành công của IPU-132, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai khẳng định, IPU-132 không những thành công về mặt tổ chức mà còn về nội dung và ngoại giao.

Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho biết, Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá đây là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, nước chủ nhà đã nâng tầm tiêu chuẩn tổ chức của một kỳ Đại hội đồng IPU; đánh giá cao nước chủ nhà đã không chỉ đóng góp tích cực cho công tác tổ chức mà còn tham gia vào đề xuất chủ đề của Phiên thảo luận.

Lãnh đạo IPU bày tỏ cảm kích trước công tác tổ chức của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã hết sức thành công trong việc mở rộng IPU và đưa hình ảnh của IPU đến gần hơn với nhân dân.

Trong tiếp xúc chính thức cũng như bên lề Đại hội đồng, các đoàn tham dự đều đánh giá cao công tác tổ chức, lòng mến khách và sự đón tiếp nhiệt tình của nước chủ nhà Việt Nam. Qua IPU-132, các đại biểu quốc tế từ khắp nơi đến Hà Nội đều khẳng định sự thành công của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức hội nghị, khẳng định hình ảnh của Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, một hành viên chủ động, tích cực của IPU.

Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng với IPU

Chủ đề tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng do Việt Nam đề xuất đã thu hút sự quan tâm, thảo luận rất sôi nổi của các đoàn tham dự, thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề này. Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động tại các Diễn đàn và Hội nghị; đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các dự thảo nghị quyết và văn bản của các phiên họp.

Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua 5 văn kiện chính, trong đó có “Tuyên bố Hà Nội”, sáng kiến của Việt Nam, là văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng IPU-132 được thông qua, kết quả của quá trình chuẩn bị, tham vấn và vận động kỹ lưỡng giữa Việt Nam với Ban Thư ký IPU.

Văn kiện cuối cùng Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại phiên bế mạc (1/4/2015) trở thành tuyên bố có ý nghĩa hết sức quan trọng của IPU-132 cũng như đối với IPU.

Văn kiện này phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của nghị viện đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015. “Tuyên bố Hà Nội” sẽ là văn kiện chính thức được IPU chuyển tới Hội nghị toàn cầu các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện (tháng 8/2015), Hội nghị thượng đỉnh LHQ về các Mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng LHQ khóa 70 (tháng 9/2015).

Tuyên bố Hà Nội khẳng định thành công của IPU-132 và thể hiện sự chủ động và tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Quốc hội Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, trên trường quốc tế./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *