Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII có những sự kiện mang dấu ấn lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tròn 40 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao trước cử tri, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 6.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  rằng, “đây là một sự kiện có tính chất lịch sử, mở ra thời kỳ mới..”.

 

 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Cùng với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được thông qua cũng là một điểm nhấn quan trọng được cử tri mong đợi nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện hành.

Trong công tác nhân sự, Quốc hội đã bàn bạc thấu đáo, nhìn nhận những người có đức, có tài bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ…

Với tỷ lệ 97,59% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Quốc hội thông qua cho thấy tỷ lệ đồng thuận cao của Quốc hội – Cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lợi của cử tri.

Kết tinh của Ý Đảng – Lòng Dân, Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị tham gia.

Đó là kết tinh của ý chí, nguyện vọng của nhân dân khi hàng chục triệu cử tri và nhân dân trực tiếp tham gia góp ý. Điều mà nhiều người dân góp ý, tâm huyết nhất đã được thể hiện trong bản Hiến pháp: Đó là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặc biệt coi trọng, đặt trang trọng ngay ở Chương 2 của bản dự thảo Hiến pháp.

Sự sửa đổi này càng khẳng định, Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như công ước quốc tế và đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới.

Câu hỏi làm thế nào đề những quy định về quyền con người được thực thi trong cuộc sống càng được làm sáng tỏ khi Bản Hiến pháp hiến định quyền về tự do, dân chủ…

Hiến pháp sửa đổi lần này cũng khẳng định vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó thể hiện rõ hơn bản chất của Đảng ta: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của cả dân tộc, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đại biểu trung thành của nhân dân lao động, của cả dân tộc.

Thế nên, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội rằng: “Đây là một sự kiện trọng đại có tính lịch sử của thời kỳ mới” là hoàn toàn xác đáng. Tỷ lệ phiếu biểu quyết thông qua phản ánh sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội – những người đại diện cao nhất cho quyền lợi của cử tri.

Cũng về công tác lập pháp, tại kỳ họp này Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi trong ngày làm việc cuối của kỳ họp. Đây là dự thảo Luật đã được nhiều lần cho ý kiến và Quốc hội đã lùi thời gian dự định thông qua từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp này do chưa đủ điều kiện chín muồi.

Điều đó cho thấy, Quốc hội rất thận trọng trong những vấn đề liên quan đến đất đai, nhất là khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và đất đai luôn có nhiều biến động.

Dù đã gần đến thời gian để bấm nút thông qua, nhưng Ban soạn thảo vẫn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tiếp thu các vấn đề Quốc hội và cử tri đã cho ý kiến. Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các Bộ có liên quan đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội và ý kiến cử tri.

Vấn đề nổi lên trong dự thảo Luật Đất đai lần này là vấn đề quy hoạch sử dụng đất, là sự tham gia của người dân như thế nào? Câu hỏi này đã được bổ sung, tiếp thu trong Dự thảo Luật trước khi thông qua. Giá đất là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi giá đất phải được tính toán trong điều kiện bình thường, chứ không căn cứ theo giá đất “ảo” như thời gian qua.

Cùng với vấn đề giá đất, quy định thu hồi đất, bồi thường khi bị trưng dụng đất… và một loạt các vấn đề khác liên quan đến đất đai cũng được điều chỉnh, tiếp thu trước khi thông qua. Cử tri hy vọng, những quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai (sửa đổi về việc thu hồi, bồi thường, giá đất…) sẽ góp phần làm giảm tình trạng khiếu kiện xuất phát từ đất đai.

Một điểm nhấn nữa tại kỳ họp này liên quan đến công tác nhân sự được cử tri rất quan tâm. Làm sao để chọn được những người “có đức, có tài” vào những vị trí quan trọng, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới? Đó là đòi hỏi chính đáng, thể hiện trách nhiệm của cử tri với đất nước. Quốc hội đã dành nhiều thời gian để bàn bạc, cho ý kiến vào từng vị trí nhân sự do Thủ tướng Chính phủ trình (cụ thể là đề nghị phê chuẩn với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với ông Nguyễn Văn Nên).

Tỷ lệ biểu quyết khá cao đối với các vị trí này cũng cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nhìn nhận, đánh giá cụ thể với từng nhân sự trong cả quá trình làm việc và có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Mong mỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với hai Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh “Tiếp tục hoàn thiện chính mình, luôn nỗ lực và hoàn thành xuất sắc công việc được giao” cũng là mong muốn của cử tri.

Giám sát tối cao tại kỳ họp, cụ thể là chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ luôn là nội dung “nóng” được cử tri theo dõi, vì đây đều là những vấn đề đang từng ngày, từng giờ tác động đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước. Thế nên, từ khâu “chọn lựa” Bộ trưởng chất vấn cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Rõ ràng là Quốc hội đã chọn “trúng và đúng” khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải “đăng đàn” khi mà những vụ án oan sai vẫn xảy ra, ảnh hướng đến lòng tin của nhân dân.

Đã có nhiểu thay đổi nhưng lĩnh vực “tam nông” gồm nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc quản lý thông tin đang đặt ra những đòi hỏi mới mà Bộ Thông tin và Truyền thông phải có trách nhiệm quản lý.

Cũng “nóng” không kém là vấn đề tổ chức, cán bộ, công ăn, việc làm, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc..Trách nhiệm giải trình về những lĩnh vực này thuộc về Bộ Nội vụ mà người đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

Ngoài ra, tại các phiên chất vất, nhiều Bộ trưởng khác và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia giải trình, trả lới chất vấn làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, cho thấy, Chính phủ đang thực sự “cầu thị”,  ý thức trách nhiệm, cùng nỗ lực để hoàn thành những chỉ tiêu được Quốc hội giao, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Điểm mới trong công tác giám sát được cử tri đánh giá cao là Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về thực hiện Nghị quyết về chất vấn tại các kỳ họp trước và đại biểu cho ý kiến về những việc đã làm được và chưa làm được nhằm làm sáng tỏ vấn đề chất vấn. Cùng với các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, cách thức này sẽ góp phần giải quyết những băn khoăn của cử tri về “hậu giám sát, hậu chất vấn”. Đây là đổi mới tích cực cần tiếp tục thực hiện trong những kỳ họp tới.

Lĩnh vực kinh tế- xã hội của đất nước luôn được Quốc hội ưu tiên dành nhiều thời gian bàn bạc ngay từ những ngày đầu của kỳ họp. Dù là nỗ lực, cố gắng và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu trong năm 2013 nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy, vẫn còn những chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành (GDP mới đạt 5,4%, tỷ lệ tạo việc làm không đạt 1,6 triệu việc làm mới).

Nguyên nhân cũng đã được Chính phủ chỉ rõ, gồm cả khách quan và chủ quan. Từ phân tích tình hình, đề xuất giải pháp qua tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, việc Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014 là 5,8% được các đại biểu đánh giá là hoàn toàn khả thi. Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đang thực sự “sát cánh” cùng Chính phủ, cùng bàn bạc, cân nhắc thấu đáo từng chỉ tiêu, từng lĩnh vực, từng giải pháp bằng nhiều ý kiến xác đáng, trách nhiệm trước sự phát triển chung của đất nước và đời sống của cử tri.

Chắc chắn, cử tri sẽ đồng tình cao với nhận định: Kỳ họp này của Quốc hội có những sự kiện mang dấu ấn lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.

Theo : Đặng Linh/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *