(kontumtv.vn) – Lao là một trong 3 căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nếu như được phát hiện và tuân thủ điều trị sớm, khả năng khỏi bệnh là rất cao. Chính vì thế, việc phát hiện cũng như nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân lao là điều được ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa chú trọng.

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong điều trị, nhưng nhận thức của phần lớn người dân về căn bệnh này vẫn chưa đầy đủ. Công tác phòng chống căn bệnh này vì thế cũng đang gặp không ít khó khăn do vấp phải tâm lý kỳ thị bệnh của nhiều người. Từ tác động tâm lý bên ngoài của những người xung quanh đã khiến cho bệnh nhân lao trở nên e ngại, giấu bệnh, không tiếp nhận điều trị. Ðây cũng là một phần nguyên nhân khiến bệnh lao có thể lan rộng trong cộng đồng.

Điều trị cho bệnh nhân lao
Điều trị cho bệnh nhân lao

Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi năm tiếp nhận điều trị cho khoảng 1.500 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, thực tế số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện còn rất nhiều. Với tỉ lệ lây lan của căn bệnh này là 1 người lây cho 10 – 20 người khác mỗi năm, đồng nghĩa với việc nếu người mắc lao không được phát hiện điều trị kịp thời thì sẽ là nguồn lây rất lớn cho cộng đồng. Ngoài ra, với thời gian điều trị lâu từ 9 đến 20 tháng (tùy phác đồ điều trị) dễ khiến bệnh nhân có tâm lý chán nản, không muốn tiếp cận điều trị. Y sĩ Nguyễn Thị Hòa, Phụ trách Chương trình lao kháng thuốc, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa nói: “Tâm lý thường là giấu bệnh, ít người dám công khai bệnh lắm. Ở đây là giữ kín tất cả thông tin cho bệnh nhân hết. Bây giờ tất cả các bệnh nhân lao, kháng thuốc, siêu kháng thuốc, lao ngoài phổi, có bằng chứng vi khuẩn học đều chữa được hết rồi, thành công rất cao. Cộng đồng đừng nên kỳ thị bệnh nhân, đừng nên xa lánh bệnh nhân, cố gắng động viên cho họ bởi vì không ai muốn mình mắc bệnh hết”.

Theo các chuyên gia y tế, chỉ cần phát hiện được một bệnh nhân lao là cứu sống được một người và phòng bệnh cho 10 đến 20 người. Điều này cho thấy, việc chống kỳ thị đối với các bệnh nhân lao là điều vô cùng quan trọng để tiến tới kiểm soát tốt bệnh lao, từng bước đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm, chia sẻ của gia đình bệnh nhân lao thì cộng đồng, xã hội cũng cần thay đổi những suy nghĩ sai lầm, lạc hậu về căn bệnh này. Hiện tại, để tăng cường phát hiện sớm, giúp các bệnh nhân lao tiếp cận điều trị, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 9 tổ chống lao ở cả 8 huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, thực hiện công tác dự phòng, phát hiện sớm nguồn bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Hồ Tá Phương, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa cho biết: “Ngoài việc khám sàng lọc cho tất cả bệnh nhân ở Trại giam A2, khám sàng lọc cho các trẻ em ở những gia đình có đối tượng bị lao phổi, chúng tôi còn thực hiện khám chủ động cho bà con ở Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Qua đợt khám chủ động, chúng tôi phát hiện được rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị lao và được kịp thời điều trị để giảm nguồn lây trong cộng đồng”.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây qua không khí do tiếp xúc thường xuyên với người bệnh qua đường hô hấp, hắt hơi, ăn uống. Tại Khánh Hòa, nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của căn bệnh này luôn đạt trên 95%. Cùng với đó, bệnh viện cũng chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu để phát hiện và điều trị cho bệnh nhân. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu như ho khan, sốt kéo dài, sút cân không rõ nguyên nhân, cần đi khám để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.

   Thanh Quý – Ngọc Ánh

Đài P-TH Khánh Hòa

                                                                                   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *