(kontumtv.vn) – Những ngày qua, nông dân trồng dưa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước vào mùa thu hoạch dưa hấu vụ Đông Xuân. Điều đáng mừng là thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.500đ/kg, đây là mức giá khá thuận lợi cho bà con. Tuy nhiên, dưa hấu Việt Nam chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc và thương lái yêu cầu phải dán tem. Vấn đề đặt ra là tại sao phải dán tem cho dưa hấu có chữ Trung Quốc và như thế người nông dân được gì và liệu rằng có tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp hay không. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.

Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam trồng hơn 360 ha dưa hấu, chủ yếu tập trung tại các xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành, thị trấn Phú Thịnh…. Dự kiến, năng suất dưa toàn huyện ước đạt bình quân hơn 26 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, dưa hấu được thương lái thu mua, yêu cầu dán tem có chữ Trung Quốc trước khi xuất bán. Qua quá trình tìm hiểu, cơ quan chức năng cho biết tem này có nội dung gồm: Biển số xe, mã nguồn gốc tương xứng, số lượng quy định, mã đăng ký vườn trái cây, đặc biệt nơi sản xuất là Việt Nam.

PV: Thưa ông, về sự việc nông sản của Quảng Nam dán tem truy xuất nguồn gốc có chữ Trung Quốc để xuất khẩu thi về phía cơ quan quản lý nhà nước là Sở Nông nghiệp thì ông nhận định việc này như thế nào? Là lợi hay hại, thưa ông?

Thương lái thu mua dưa hấu của nông dân
Thương lái thu mua dưa hấu của nông dân

Ông Lê Muộn: Gần đây, không riêng gì Tam Phước mà một số xã của Phú Ninh và nhiều địa phương khác có dưa hấu đã phải sử dụng tem truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc. Khi phát hiện việc này, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có lẻ có sự thống nhất với các nhà nhập khẩu của phía Trung Quốc nên mới mua tem truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc để dán nhãn. Trong điều kiện chúng ta chưa sẵn sàng cho việc gây dựng dưa hấu có đầy đủ nhãn hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc đúng theo quy định của Việt Nam thì đây là một giải pháp tình thế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu dưa hấu. Nếu không làm việc này thì chắc chắn dưa hấu đi vào con đường chính ngạch sẽ không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý, về lâu dài, mình phải chủ động hợp tác, liên kết để tổ chức sản xuất dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung để xuất khẩu và đáp ứng các nhu cầu của Trung Quốc cũng như nhiều thị trường xuất khẩu khác, kể cả nội địa; công bố được tiêu chuẩn sản phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc. Việc này, huyện Phú Ninh đã triển khai, về lâu dài phải như vậy, để gây dựng được thương hiệu dưa hấu, chứ không thể sử dụng tem đi mua, cách dán này tôi cho rằng không vi phạm pháp luật, nhà nhập khẩu Trung Quốc được quyền làm như vậy. Tuy nhiên, cách dán tem này là dán đầu ngọn, truy xuất từ gốc, từ quy trình sản xuất của một sản phẩm để khi có sự cố có thể truy xuất được”.

PV: Trong bối cảnh Quảng Nam đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đặc trưng thì việc dán tem như vậy có ảnh hưởng gì không? Trong tương lai để việc xây dựng thương hiệu nông sản được phát triển một cách bền vững, hướng ra thị trường xuất khẩu thì ngành chức năng có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Muộn: Riêng dưa hấu Phú Ninh, thì huyện đã làm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể dưa hấu Kỳ Lý. Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể dưa hấu Kỳ Lý phát huy được khi nào chúng ta sản xuất được dưa hấu Kỳ Lý an toàn, gây dựng được thương hiệu. Nhưng từ ngày có nhãn hiệu tập thể dưa hấu Kỳ Lý, chúng ta chưa xúc tiến được gì cả nên việc dán tem đầu ngọn này chưa ảnh hưởng gì vì vốn chúng ta chưa có tên tuổi gì trên thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, để phát huy nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý, ngành Nông nghiệp Quảng Nam cùng với huyện Phú Ninh tính toán đưa dưa hấu Kỳ Lý vào danh mục sẽ gây dựng trở thành sản phẩm OCOP. Muốn vậy thì phải có người đứng ra tổ chức sản xuất, việc này Phú Ninh cũng đang xúc tiến, mình phải làm lại từ đầu. Khi đó, nguồn gốc, xuất xứ dưa sẽ phân biệt được là dưa hấu Kỳ Lý nói riêng hoặc dưa hấu Quảng Nam…. Hiện nay, tem như thế này đã không đúng ngay từ quy định sản xuất mặc dù đáp ứng được yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu Trung Quốc. Nó cũng sẽ chứa đựng rủi ro nếu chúng ta tiếp tục hành xử kiểu này. Thậm chí là người xuất khẩu của Việt Nam đứng ra quản lý tem này không chặt, rất có thể dán nhầm tem của tỉnh này sang tỉnh khác thì sẽ không có ý nghĩa gì trong truy xuất cả.

           Dương Oanh – Tấn Châu

Đài PT-TH Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *