(kontumtv.vn) – Công tác nhân sự Đại hội XIII đang được tiến hành theo tinh thần: không để lọt người không xứng đáng vào BCH TƯ khóa XIII.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt Đại hội XIII đã được triển khai với nhiều nội dung quan trọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư: Coi việc chuẩn bị Đại hội là một dịp để sàng lọc đội ngũ cán bộ.

Kiên quyết không để lọt cán bộ không đủ phẩm chất

PV: Một trong những nội dung được xã hội quan tâm đặc biệt là lớp lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới. Theo ông, những quy định của Đảng về cán bộ thời gian qua có giúp chúng ta quy hoạch được những cán bộ như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đúng là hiện nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm cả chuẩn bị văn kiện, báo cáo chính trị, tổng kết cương lĩnh, tổng kết chiến lược phát triển kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng, thi hành điều lệ Đảng rồi cả công tác nhân sự.

lam sao chong "chay chuc, chay quyen", ngan chan dua nguoi nha vao bo may? hinh 1
Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Hà Phương)

Trong đó, một nội dung rất quan trọng là công tác nhân sự. Có thể nói, lần này, việc chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội XIII nói riêng cũng như việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nói chung, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo rất sát sao, nhiều lần nhấn mạnh công tác nhân sự cấp ủy các cấp, nhân sự cho Đại hội XIII phải được tiến hành từng bước, từng việc một cách thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, chính xác; phải thực sự mở rộng dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào cấp ủy các cấp, không để lọt những người không xứng đáng vào BCH TƯ khóa XIII.

Tổng Bí thư còn nói rằng, phải coi việc chuẩn bị Đại hội các cấp lần này là một dịp để chúng ta sàng lọc đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy, có thể nói, công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp cũng như Đại hội XIII là một vấn đề cực kỳ quan trọng.

PV: Chúng ta mong muốn lựa chọn được những cán bộ có tâm, có tài. Vậy theo ông, cơ chế nào để đánh giá một cán bộ có đủ tâm, đủ tài để gánh vác đất nước?

Ông Nguyễn Đức Hà: Có thể nói trong nhiệm kỳ XII, một trong những vấn đề của công tác cán bộ đó là tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa về công tác cán bộ. Chúng ta đã ban hành những quy định, quy chế, quy trình liên quan đến công tác cán bộ. Đối với những quy định đã có, chúng ta tập trung rà soát, bổ sung để hoàn thiện cho phù hợp với thực tế. Những quy định chưa có phải tập trung nghiên cứu ban hành.

Thế nên, từ Đại hội XII đến nay, rất nhiều quy định, quy chế, quy trình đã được ban hành. Trước đây, đánh giá cán bộ, chúng ta mới đánh giá kiểu định tính, chưa định lượng được cụ thể. Còn bây giờ, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành quy định rất rõ về đánh giá cán bộ với đầy đủ các tiêu chí: phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, tiêu chí về năng lực công tác, ý thức tổ chức kỷ luật. Tinh thần đánh giá cán bộ phải đánh giá cả quá trình công tác của họ, đánh giá theo các tiêu chí đã được quy định, cụ thể hóa, đánh giá bằng sản phẩm, đánh giá nhiều chiều rồi phải có so sánh với các chức danh tương đương. Mục đích cuối cùng là đánh giá cho đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ để sử dụng đúng cán bộ đó, phát huy thế mạnh của họ, khắc phục hạn chế.

Đặc biệt, công tác cán bộ ở Đại hội lần này còn đặt ra vấn đề phải kiểm tra, theo dõi, giám sát trong quá trình sử dụng cán bộ; chú trọng việc đưa cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, đặc biệt là những nơi khó khăn, gian khổ, những lĩnh vực, địa bàn phức tạp để thông qua đó rèn luyện cán bộ.

Vấn đề chuẩn bị nhân sự ở Đại hội lần này nổi lên tinh thần đó, kiên quyết không để lọt những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực bởi thực tế đã lọt rồi. Mấy kỳ họp của Trung ương vừa qua không có kỳ họp nào BCH TƯ lại không phải bỏ phiếu kỷ luật cán bộ. Hay vừa rồi, BCH TƯ ban hành quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là Ủy viên BCT, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ, rõ ràng đây là quy định để cụ thể hóa và thực hiện vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XII đã xác định. Nhưng lần này đặc biệt nhấn mạnh chú trọng đến cán bộ cấp cao vì đội ngũ cán bộ cấp cao này mặc dù số lượng không nhiều nhưng tạo một động lực rất lớn, có sức lan tỏa rất mạnh và phạm vi tác động, ảnh hưởng cũng rất lớn.

Lần này phải nhấn mạnh như vậy vì Bác Hồ đã nói, đảng viên đi trước, cán bộ đi trước làng nước theo sau. Vai trò gương mẫu chính là chỗ này. Như vậy quy định của BCH TƯ về trách nhiệm nêu gương đưa ra những tiêu chí, việc làm, vấn đề cụ thể để nó vừa là tấm gương để cán bộ đảng viên soi vào mà phấn đấu, rèn luyện nhưng đồng thời cũng là cái khuôn, cái thước để giúp cho việc nhân sự tới đây.

Sẽ có quy định về chống chạy chức chạy quyền

PV: Cũng có nhận xét rằng, một bộ phận cán bộ khi mới được giao trọng trách đa phần đều là cán bộ tốt, một thời gian rồi mới bắt đầu hư hỏng, thoái hóa. Vậy phải làm gì để chặn được tình trạng này?

Ông Nguyễn Đức Hà: Không phải ai vào vị trí mới, vị trí cao hơn cũng hư hỏng. Nhưng thực tế trong số nhiều cán bộ vi phạm khuyết điểm phải xử lý kỷ luật có 2 trường hợp. Thứ nhất là trước khi vào vị trí mới, anh đã mắc khuyết điểm rồi nhưng không bị phát hiện hoặc phát hiện nhưng cho qua, vẫn bố trí vào vị trí mới, sau đó lại tiếp tục vi phạm khuyết điểm. Thứ hai, đúng họ là con người tốt nhưng khi vào vị trí mới thì với điều kiện mới, môi trường mới, hoàn cảnh mới dẫn đến vi phạm khuyết điểm. Chúng ta phải thấy được cả hai trường hợp như thế.

Vấn đề ở đây là quản lý cán bộ thế nào, theo dõi cán bộ ra sao. Nếu không biết cán bộ sai phạm là vì theo dõi, quản lý cán bộ không chặt, không sát. Ngược lại nếu biết thì vấn đề là nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý.

Cái gốc của công tác cán bộ là làm thế nào để chọn đúng người, bố trí đúng việc, để phát huy hết sở trường của cán bộ.

Mặc dù đã có nhiều quy định, quy chế liên quan vấn đề kiểm soát quyền lực, đặc biệt trong công tác cán bộ, tới đây, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục ban hành một quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Tất cả những ai liên quan đến công tác cán bộ đều được quy định cụ thể những việc phải làm, những việc không được làm. Nếu có sai phạm thì phải xử lý, sai phạm liên quan đến công tác cán bộ, ngoài xử lý theo quy định chung còn phải chịu những hình thức xử lý nặng hơn nữa để làm thế nào khắc phục cho được tình trạng chạy chức chạy quyền, tình trạng người nhà, người thân trong công tác cán bộ. Đây là vấn đề đang nóng hiện nay, là vấn đề dư luận xã hội đang rất bức xúc.

PV: Trong nhiệm kỳ mới, cần thay đổi các yêu cầu, điều kiện gì đối với công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong công tác cán bộ phải luôn luôn coi trọng tiêu chuẩn, điều kiện, chú trọng chất lượng, coi trọng cả đức cả tài, cả năng lực lẫn phẩm chất, nhưng phải lấy đức là gốc. Người có đức dù tài có kém một chút, nhưng người ta có thể học thầy, học bạn, học anh em, tập thể, học nhân dân rồi dần dần trình độ sẽ nâng lên. Bác Hồ đã nói người có đức không có tài thì làm việc gì cũng khó nhưng khó thì học, nghiên cứu; người có tài mà không có đức thì chỉ hở chỗ nào chộp giật chỗ đó, độc nghĩ tính toán có lợi cho cá nhân nên Bác Hồ nói, người có tài mà không có đức là vô dụng, làm việc gì cũng hỏng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hà Thanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *