(kontumtv.vn) – QH dành cả ngày thứ 7 để thảo luận về tái cơ cấu kinh tế trong đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Nhiều bộ trưởng có mặt ở hội trường.

Báo cáo sáng nay trước QH về việc giám sát thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, là Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu.

cổ phần hóa, nhóm lợi ích, tái cơ cấu, đầu tư công, lãng phí, DNNN, Nguyễn Thị Khá, Bùi Sỹ Lợi, Hà Sỹ Đồng
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu

Theo ông Giàu, thực trạng bội chi ngân sách ở mức cao, mức trả nợ công vượt ngưỡng 25% là thách thức lớn cho việc triển khai đầu tư công thời gian tới: “Còn nhiều dự án phải giãn hoãn tiến độ, cắt giảm hạng mục để bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định. Một số dự án nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, chưa có đủ vốn để thanh toán nên chưa được bàn giao công trình, đưa vào sử dụng”.

Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp này vẫn chưa được xử lý triệt để: “Chưa chú trọng phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để tạo sự lan tỏa, làm động lực cho nền kinh tế. Tổng số vốn ứng trước ngân sách nhà nước và trái phiếu CP chưa có nguồn thu hồi còn khá lớn. Tại địa phương, còn tình trạng đầu tư vào các dự án chưa dựa trên việc xác định, xem xét thấu đáo tính ưu tiên của các dự án”.

Nhưng báo cáo giám sát cũng ghi nhận đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm, đầu tư từ các khu vực khác giảm sút. “Điều này phản ánh đầu tư công luôn đóng vai trò quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng nước ta”, báo cáo nêu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước giảm mạnh so với các năm trước, 19,57%/năm so với 28% giai đoạn 2006-2010. Việc đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn còn tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư.

Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước có kết quả khả quan, đặc biệt vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mức giải ngân vốn ODA cũng được cải thiện qua các năm.

Dáng dấp thời bao cấp

Phát biểu đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) tập trung vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao, vẫn lời giả, lỗ thật.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp còn mang dáng dấp thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh, thừa thầy, thiếu thợ, đến hẹn lại lên, trong khi muốn giảm biên chế cũng không xong vì đụng đến con anh A, cháu bà B”, bà Khá nói.

Theo ĐB Trà Vinh, DNNN phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa: “Đã đến lúc mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích. Nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn; gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn nhà nước phải là ông chủ thực sự chứ không phải ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi, đi xin kế hoạch, xin vốn”.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh đổi mới thể chế: “Các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén, cùng với sức ép từ tiến trình cải cách hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực gia tăng đòi hỏi sớm có sự đột phá về thể chế”.

Ông Đồng phân tích: Kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy có lúc cơ hội không xuất hiện mà là thách thức, gây chèn ép, o bế kinh tế nội địa.

“Những bài học đắt giá từ việc gia nhập WTO như sự ra đời ồ ạt các tập đoàn kinh tế nhà nước duy ý chí, dòng vốn nước ngoài dồn dập vào VN và sự hình thành những bong bong bất động sản, chứng khoán khi nền kinh tế chưa có khả năng hấp thu nguồn vốn, bất ổn tinh tế vĩ mô dai dẳng vẫn còn nguyên tính thời sự”, ĐB Quảng Trị nói.

“Rõ ràng những vấn đề níu kéo trì hoãn cải cách do lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân hay lo ngại trách nhiệm, muốn nấp vào vùng an toàn, kinh tế nhà nước chưa thực sự đặt vào bối cảnh cạnh tranh do tiếp tục được nhà nước bảo hộ trên nhiều phương diện, cả công khai lẫn mặc định có thể sẽ đưa lại hậu quả khó lường”.

Giải pháp căn cơ dài hạn là xây dựng khuôn khổ thể chế chính thức cho sự phối hợp tài khóa và chính sách tiền tệ, hướng tới mục tiêu vĩ mô chung, đảm bảo hiệu quả, ông Hà Sỹ Đồng chỉ ra.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Bùi Sỹ Lợi chú ý đến vấn đề nguồn nhân lực: “Tái cơ cấu là để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà bản chất của năng lực cạnh tranh là năng xuất lao động, yếu tố quyết định sự phát triển của nền kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia”.

Ông Lợi đề nghị tái cơ cấu nguồn nhân lực theo các hướng: phân bố hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng miền, tạo đột phá trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao dộng từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ…

C.Hoàng – M.Thăng – Đ.Yên – H.Nhì /Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *