(kontumtv.vn) – Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân mời nhiều chuyên gia đến để tham vấn những vấn đề kinh tế mà Mặt trận nên xây dựng, phản biện chính sách cũng như giám sát việc thực hiện.

MTTQ, tư vấn, phản biện, giám sát, cải cách thể chế
Ông Nguyễn Thiện Nhân: MTTQ đang lúng túng trong giám sát chính sách kinh tế

Chiều 11/10, ông Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tọa đàm phát huy vai trò của các hội trong tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách kinh tế, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hội Khoa học kinh tế VN, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN…

Chủ tịch MTTQ bày tỏ mong muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học và các hội kinh tế để từ đó có những góp ý xác đáng cho Đảng về Nhà nước về các chính sách kinh tế, cũng như để thực hiện chức năng quan trọng mà Hiến pháp đã quy định cho Mặt trận – giám sát và phản biện xã hội. Ông cho biết Mặt trận cũng sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia kinh tế Việt Nam đang sống, làm việc ở nước ngoài.

“Giám sát thì phải trúng nhu cầu của xã hội, nhưng cũng phải có đủ lực để làm. Vừa qua Mặt trận đã giám sát một số nội dung nhưng chưa liên quan đến các chính sách kinh tế, và cũng lúng túng chưa biết có lực lượng nào để làm việc đó”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói đến yêu cầu cấp bách của 5 năm tới là hoàn thiện thể chế kinh tế.

MTTQ, tư vấn, phản biện, giám sát, cải cách thể chế
Ông Cao Sỹ Kiêm: Cần có luật để phát huy vai trò các hội kinh tế

Đáp lại nguyện vọng “phát huy chất xám” của Chủ tịch MTTQ, các chuyên gia lên tiếng. TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN, nhận định thời gian qua việc các hội kinh tế tham gia xây dựng, phản biện và giám sát chính sách đều còn hạn chế có phần do không có cơ quan đầu mối.

Bên cạnh đó, điều kiện để các hội phát huy vai trò là khó khi chưa có luật về hội, phần lớn các hội còn hình thức, thiếu về con người và kinh phí, thông tin chưa chính xác… Từ đó, ông Kiêm rất hoan nghênh MTTQ đứng ra làm người tập hợp các hội.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, thì cho rằng “đầu vào” của việc xây dựng chính sách kinh tế phải là đánh giá hệ thống chính sách hiện hành, mà Mặt trận, trong đó có các hội, phải chủ động tham gia.

“Có thể là thông qua các chuyên đề nghiên cứu nghiêm túc để có các sản phẩm cụ thể, các hội thảo chất lượng với các kiến nghị chính thức, tọa đàm với các chuyên gia…”, ông Thiên gợi ý những cách “mềm mại, linh hoạt” để Mặt trận thực hiện được chức năng giám sát của mình.

“Nhưng có một thứ mà Mặt trận nên sử dụng mạnh hơn để chứng tỏ quyền lực, sức mạnh và tính vì đại chúng của mình, đó là hệ thống truyền thông, hay chính là tính công khai, minh bạch, đưa ra thông tin chính thức để phản biện một cách xây dựng”, ông Trần Đình Thiên kiến nghị.

MTTQ, tư vấn, phản biện, giám sát, cải cách thể chế
Ông Trần Đình Thiên: Mặt trận nên sử dụng truyền thông mạnh hơn

“Mặt trận cũng nên coi truyền thông đại chúng là một yếu tố đầu vào, một nguồn cung cấp thông tin cho hoạt động xây dựng, phản biện chính sách và giám sát thực hiện”.

GS. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN, lại cho biết cơ quan ông có một đề tài đánh giá thực trạng kinh tế sau 30 năm đổi mới sẵn sàng chia sẻ với MTTQ.

Ông Thái nhận định MTTQ nên chọn một số việc nhỏ để làm thắng lợi sẽ có được niềm tin, không nên tham làm những việc lớn quá: “Đó là những việc mà người dân bức xúc, Mặt trận phải có ý kiến”.

TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, kiến nghị Mặt trận phản ánh ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách kinh tế “không chỉ sự đồng thuận mà cả sự khác biệt”, “sự đa dạng và cả sự gồ ghề gai góc trong ý kiến xã hội”.

Ông Thành cũng cho rằng Mặt trận nên giám sát về nhân sự, vì đây là việc quyết định các chính sách kinh tế sau này.

Sau khi nghe tất cả các ý kiến, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân không ngần ngại gọi đây là một “khóa học tư duy” rất tốt cho bản thân. Qua đó ông gạch được một số đầu dòng cho những vấn đề mà Mặt trận có thể giám sát tới đây.

“Mặt trận có thể góp ý việc cải cách thể chế kinh tế trong 5 năm tới, đánh giá mức độ sẵn sàng hội nhập của các doanh nghiệp, đóng góp hoàn thiện việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đánh giá tác động và tác dụng cả thuận, ngược của một số chính sách có sự xung đột giữa thị trường và xã hội…”, ông chỉ ra.

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân hy vọng có sự ủng hộ và hợp tác của các hội kinh tế để thực hiện được những dự định trên trong năm 2015.

Chung Hoàng – Ảnh: Minh Thăng/Vietnmanet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *