(kontumtv.vn) – Nếu để mất đất, mất biển, mất lãnh thổ mà cha ông để lại thì trách nhiệm đó là của nhà nước, trong đó có trách nhiệm của QH. Trước lịch sử, trước dân tộc.  

Trao đổi với Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam, về chủ đề nghị trường và biển đảo, nhân kỳ họp QH sắp khai mạc ngày 20/5.

Tỉnh táo không mắc mưu

Là một ĐBQH từng nhiều lần theo đuổi về vấn đề Biển Đông, chủ quyền đất nước và tăng cường đầu tư cho ngư dân trên diễn đàn QH suốt nhiều kỳ họp vừa qua, ông có suy nghĩ gì trước hình ảnh và thông tin TQ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta suốt những ngày qua ?

TQ đã bộc lộ tham vọng và dã tâm độc chiếm Biển Đông lâu nay và đã có nhiều hành động từng bước leo thang thực hiện mưu đồ này. Chọn tấn công vào thời điểm này là thể hiện sự tính toán công phu, kỹ lưỡng của lãnh đạo TQ.

Như những người dân VN khác, tôi hết sức bất bình và phẫn nộ trước hành động ngang ngược xâm lược đó. Nhưng, để chung sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tôi mong từng người Việt giữ bình tĩnh, có cách nhìn nhận thấu đáo ứng xử đúng mực  để đấu tranh với âm mưu kẻ thù. Phải tỉnh táo, không để mắc mưu.

Kế sinh nhai của đa số người dân phụ thuộc vào biển sẽ ảnh hưởng thế nào khi TQ đặt giàn khoan 981 tại biển VN và hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò?

Hơn 1 triệu ngư dân VN đang mưu sinh trên biển. Họ được xem là những cột mốc sống, là một trong những lực lượng chủ yếu để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Quá hiểu điều đó nên TQ đã tìm mọi cách ngăn cản không cho ngư dân đánh bắt ở nơi vốn là ngư trường của VN.

giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc, Việt Nam, Quốc hội, biển Đông, nghị trường, Lê Nam, chủ quyền, nghị sự
Ông Lê Nam từng nhiều lần phát biểu chủ đề biển Đông trước QH. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với hành vi kéo giàn khoan vào biển của ta, TQ đã nghiêm nhiên đóng cột mốc vào đó, nguy hiểm hơn là hiện thực hóa vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng biển của họ, áp đặt bằng sức mạnh của cơ sở vật chất.  Đẩy ngư dân ra xa.

Tác động rõ nhất là ngư trường sẽ bị thu hẹp, khi họ đóng được cột mốc, họ sẽ  áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn để quản lý. Nên nhớ, nếu họ đặt giàn khoan thành công ở đây thì sau đó, họ  sẽ đặt nó ở chỗ khác. Và như vậy, không phải chỉ có VN mà các nước lân cận cũng bị ảnh hưởng.

Ngư dân: Kêu nhiều, chưa giúp bao nhiêu

Trong bối cảnh TQ liên tục gây hấn như hiện nay thì chúng ta phải làm gì để bảo vệ ngư trường, ngư nghiệp và ngư dân?

Tôi đã nhiều lần phát biểu trước QH, ngư dân lâu nay gặp nhiều khó khăn. Chính sách của chúng ta dường như là không  đến được với ngư dân. Vừa rồi QH cũng đã có nghị quyết  trong việc yêu cầu chính phủ phải chuyển biến, phải có những động thái tích cực hơn nữa.

Xin cung cấp thêm thông tin là vừa qua, tôi vừa đi tiếp xúc với cử tri là ngư dân ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Đã mấy năm nay rồi, ngân hàng không biết đến ngư dân của xã đó. Bà con đều phải vay vốn ngoài, lãi suất cao. Hay như ngư dân Thanh Hóa  hầu như đều phải vay vốn kiểu đó.

Thu thập thông tin trong quá trình đi giám sát, tôi đã báo cáo với QH để đưa vào nghị quyết. Bộ Nông nghiệp đã đề xuất với chính phủ cơ chế chính sách cho ngư dân. Trong đó có việc là ngân hàng nhà nước VN dành một khoản vay vốn để cho ngư dân vay, đóng tàu sắt, đóng tàu  lớn để ngư dân đi biển xa.

Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách hiện nay, nhưng phải làm nhanh hơn, đóng tàu lớn, hỗ trợ vốn, thị trường…

Ta cứ nói nhiều  mà chưa giúp được gì thiết thực. Trong khi đó, họ là lực lượng chủ công để bảo vệ biển đảo. Nếu ta có hàng nghìn tàu ra Trường Sa, hàng nghìn lá cờ Tổ quốc treo trên đó và thường xuyên ra vào đánh bắt thì tôi nghĩ đó chính là lực lượng giữ chủ quyền cho VN.

Ngoài các biện pháp như ông nói, chúng ta cần đấu tranh thêm trên các mặt trận nào nữa, thưa ông?

Theo tôi, đến lúc ta phải có quyết sách, hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

Phản ứng của ta lâu nay với các hành vi quấy rối của Trung Quốc chưa tương xứng. Lần này, tôi nghĩ phải đưa ra tòa án, để TQ phải đối mặt với sự phán xét của công lý.  Việc đó phải làm, và có khi phải tính đến kiện TQ về quần đảo Hoàng Sa.

Biện pháp đấu tranh thứ 4 để bảo vệ Tổ quốc là phải dựa vào dân. Như cụ Hồ nói, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì sức mạnh của người dân VN qua bao đời nay vẫn thế, từ Nguyễn Trãi, Lê Lợi cho đến nay, lúc nào nhân dân cũng đồng lòng ủng hộ cho chúng ta.

Làm sao khơi gợi được lòng yêu nước của nhân dân và đảm bảo được sự khơi gợi ấy tạo nên sức mạnh.

Ta có nhiều tổ chức cơ quan, cần vận động thuyết phục, có những cách thức tuyên truyền, quản lý đoàn viên, hội viên để nhân dân đồng tình ủng hộ, đi theo lối ứng xử trật tự, văn minh, không ứng xử theo kiểu luật rừng.

TQ đang ứng xử với chúng ta theo kiểu luật rừng mà chúng ta lại ứng  xử như vậy thì sẽ không bao giờ có kết quả. Lúc này cần yêu nước tỉnh táo.

Thứ năm, toàn dân phải đoàn kết, đồng lòng, như bài học mà Bác Hồ đã để lại. Không chỉ là đoàn kết trong dân mà còn là trong Đảng, trong toàn thể bộ máy, ở cấp cao nhất.

Thẳng thắn nhìn nhận, có những lúc người dân cũng băn khoăn, hoài nghi về tinh thần đoàn kết này. Phải chăng kẻ thù cũng “thừa nước đục thả câu”. Hơn lúc nào hết, phải sốc lại tinh thần, trước hết là trong Đảng, để phát huy đoàn kết toàn dân, như thế mới có đủ sức mạnh vượt qua bão tố, vượt qua các nguy cơ.

Thứ sáu phát huy sự ủng hộ của quốc tế,. Có lần tôi nói trước QH và được nhiều người ủng hộ, đó là phải thực hiện phương châm ngoại giao trung thành: dĩ bất biến, ứng vạn biến và chủ quyền quốc gia không thể nhân nhượng, không thể lùi bước, không thể chia sẻ, không thể thay đổi đó là nguyên tắc.

Quốc hội có trách nhiệm

Lâu nay, những kỳ họp của QH thì những vấn đề của Biển Đông hay quyền lãnh thổ chỉ được đề cập tại phiên thảo luận KT_VH chứ chưa được dành thời gian thích đáng, vậy theo ông, tiếng  nói trên diễn đàn QH có vai trò gì trong việc đóng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Thật ra khi họp ở Quốc hội thì các vấn đề này không chỉ đề cập trong phần thảo luận kinh tế xã hội đâu. Mà trong thiết kế chương trình vẫn dành thời lượng nhất định để Chính  phủ báo cáo với QH những vấn đề liên quan đến chủ quyền, nhất là trên biển Đông.

giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc, Việt Nam, Quốc hội, biển Đông, nghị trường, Lê Nam, chủ quyền, nghị sự
Ảnh: Kiên Trung

Tuy nhiên, với vai trò và vị trí của mình, tôi cho rằng ngay cả tiếng nói của Quốc hội suốt thời gian qua vẫn đang còn hạn chế.

Kỳ họp lần này diễn ra giữa bối cảnh biển Đông đang dậy sóng như thế này, tôi và nhiều ĐBQH khác nhất định sẽ gửi ý kiến đề nghị Quốc hội dành thời gian thích đáng trong nghị trình để thảo luận vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Cử tri có gửi gắm gì cho ông trước khi đi họp? Ngoài việc dành thêm thời gian để thảo luận về vấn đề này, theo ông,  QH có cần thêm những động thái cụ thể hơn nữa như gấp  rút đưa vào  chương trình những dự án luật liên quan, những chủ trương đầu tư quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả cho cuộc đấu tranh lâu dài này?

Cử tri cả nước đã bày tỏ thái độ hết sức  quyết liệt, rõ ràng, yêu cầu Đảng và Nhà nước phải bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Cử tri yêu cầu nhà nước có những chính sách về đối nội, đối ngoại, những vấn đề về ngư trường, ngư dân, xây dựng quân đội… hệ thống chính sách cần đồng bộ để nhanh chóng chấm dứt việc TQ xâm lược và phải chặn đứng được việc TQ độc chiếm Biển Đông.

Gánh nặng đó thuộc về Đảng và Nhà nước, trong đó có trách nhiệm của QH.

Nếu để mất đất, mất biển, mất lãnh thổ mà cha ông để lại thì trách nhiệm đó là của nhà nước, trong đó có trách nhiệm của Quốc hội, trước lịch sử, trước dân tộc.  Đây là một gánh nặng cần được chia sẻ.

Hiện giờ, dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp đã được gửi đến từng ĐBQH rồi, nhưng trong phiên dự kiến thảo luận chương trình, chắc chắn các ĐBQH họ sẽ đề xuất đưa nội dung Biển Đông vào chương trình nghị sự để thảo luận.

Tôi ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc

Tôi từng có thời gian nghiên cứu về chính trị TQ. Tôi ngưỡng mộ nền văn hóa TQ, ngưỡng mộ đất nước và nhân dân TQ. Những gì chúng ta, lãnh đạo hai nước đã làm và đã bàn đều đúng đắn, rất tiếc là chỉ có chúng ta thực hiện.

Trong các học thuyết của TQ mà tôi từng nghiên cứu có một học thuyết rất hay, đó là về ứng xử hành động của người quân tử.

Tuy ngưỡng mộ văn hóa TQ, nhưng tôi thấy dường như ứng xử của lãnh đạo TQ về vấn đề biển Đông với VN còn có khoảng cách rất xa với học thuyết quân tử.

Còn ứng xử của người Việt chúng ta vẫn duy tình, nặng nợ với những ràng buộc vốn có, với những tình cảm nặng ân tình trong cuộc kháng chiến trước đây.

Hành xử ngày nay phải tuân theo luật pháp quốc tế, bình đẳng công khai minh bạch. Đừng quên bài học từ  thời vua Trần Nhân Tông. Ngài đã dạy rằng, đất nước mình liên tục bị phương Bắc gặm nhấm, quốc gia của trẫm giống như tổ của con đại bàng, dần dần thành tổ con chim sẻ.

Lê Nhung – Duyên Phạm/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *