(kontumtv.vn) – Chiều 3/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH, trả lời về những vấn đề liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Nội dung các báo cáo đã nêu thực trạng, chỉ ra hạn chế, bất cập, cùng các giải pháp đã, đang và sẽ được thực hiện nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, yếu kém.

Nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các bất cập, tồn tại

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là “tư lệnh” ngành đầu tiên đăng đàn, trả lời chất vấn của ĐBQH về: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông, đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Đây đều là hai chủ đề đang vô cùng nóng, được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm.

Với vấn đề BOT, trong báo cáo gửi tới các ĐBQH, liên quan đến phần “giải pháp xử lý bất cập, tồn tại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Từ năm 2016 đến nay, Bộ GTVT đã nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các bất cập, tồn tại đã được nhận diện”, thể hiện cụ thể ở các mặt như: Quản lý về chi phí; doanh thu; vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; mức giá; chủ trương đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu; lựa chọn nhà đầu tư; và công tác truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trình tự, thủ tục xác định vị trí các trạm đều được Bộ GTVT thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật (Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính). Vị trí các trạm đều có ý kiến thống nhất với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát toàn bộ các trạm. Kết quả cụ thể cho thấy, hiện có 88 trạm trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm (11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư).

Về khoảng cách, có 58 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề >70 km, 10 trạm có khoảng cách 60-70 km, 20 trạm có khoảng cách < 60 km… Báo cáo của Bộ GTVT cũng nêu đầy đủ số liệu thống kê chi tiết về vị trí trạm cũng như giải pháp xử lý bất cập về vị trí trạm.

Đáng chú ý, trong số những giải pháp, Bộ GTVT coi “tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách” là “ưu tiên hàng đầu”, vì thực tiễn cho thấy, cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của hình thức BOT còn nhiều bất cập.

Cụ thể, cần sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công – tư, rà soát lại toàn bộ hệ thống Nghị định, Thông tư liên quan kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế. Và việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư…

Đẩy mạnh kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm

Là “tư lệnh” ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà sẽ trả lời về: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Với kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích rõ tình hình, thực trạng cũng như các hoạt động đã triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế…, trong phần giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.

Tiếp tục tổng hợp, rà soát thông tin về xả thải của các cơ sở nhằm phân loại dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; đối với các dự án có nguy gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường các giải pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường như hồ sự cố, hồ kiểm chứng…

Triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn; Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.

Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với doanh nghiệp và thị trường

Là “tư lệnh” ngành thứ ba đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời về: Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Trong phần phương hướng, giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp có công nghệ tiến tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước.

Khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố bảo đảm, như đội ngũ giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, gắn với định hướng sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp; đổi mới phương thức theo hướng đào tạo theo tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người lao động.

Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp để bảo đảm cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng  nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Và một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.  Xây dựng mô hình “Trường trong doanh nghiệp” – mô hình được thực hiện từ lâu ở nhiều nước công nghiệp…

Thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức học đường

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là “tư lệnh” ngành cuối cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung nhóm vấn đề chất vấn tập trung vào: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường…

Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15.5.2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức. Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục…

Hỏi nhanh – đáp gọn, đi đến cùng vấn đề

Có thể thấy, 4 nhóm vấn đề đặt ra chất vấn các bộ trưởng tại Kỳ họp thứ 5 lần này đều là những vấn đề “sát sườn” với đời sống dân sinh. Thực hiện cam kết trước cử tri và đồng bào cả nước về tiếp tục đổi mới và hành động vì lợi ích của nhân dân, hoạt động chất vấn tại Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới, có kế thừa cách thức chất vấn theo nhóm vấn đề và lần đầu tiên áp dụng cách thức “hỏi nhanh – đáp gọn”. Với những tiền đề đó, các ĐBQH tin rằng, các phiên chất vấn kỳ này sẽ thực sự sôi động, trực diện vào những hạn chế, yếu kém, rõ “địa chỉ” trách nhiệm. Đặc biệt là tăng tranh luận, đối thoại, đi đến cùng vấn đề đặt ra, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội, các ĐBQH cũng như các bộ trưởng, trưởng ngành – những người do Quốc hội, thay mặt cử tri và nhân dân, biểu quyết phê chuẩn vào cương vị “tư lệnh” ngành, lĩnh vực./.

Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *