(kontumtv.vn) – Nông dân Lâm Đồng với sự năng động, sáng tạo của nông dân 1 nền nông nghiệp công nghệ cao đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo nhằm nâng cao giá trị kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng, thẩm mỹ của cây trồng. Qua bàn tay, khối óc của nông dân Đà Lạt –  Lâm Đồng, những cây ăn trái bình thường đã được “thổi hồn” để có được dáng vẻ sinh động, đẹp mắt, phục vụ nhu cầu trang trí không gian Tết thêm phần sung túc, ấm cúng.

Bơ là một  trong những loại trái cây đặc sản của Lâm Đồng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi những giá trị dinh dưỡng của nó. Tuy nhiên, bơ là loại cây dài ngày, đòi hỏi diện tích đất canh tác lớn, lượng dinh dưỡng cao lại ra trái không đúng dịp Tết nên ít ai nghĩ đến chuyện biến bơ thành loại cây cảnh chưng Tết. Nhưng với lão nông Lương Trọng Nghĩa (xã Trạm Hành – TP. Đà Lạt) thì lại khác.  Bằng niềm đam mê của mình, ông đã tìm tòi các giống bơ Mỹ, có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt bao gồm giống Pinker Ton, Lam hass, Gem Hass. Đây là các giống bơ mới đang được thị trường tiêu thụ mạnh với giá cao. Đặc biệt các giống bơ Mỹ này có thể cho quả 4 vụ trong năm và trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên cây bơ đã được trồng trong chậu với dáng hình nhỏ nhắn, dễ vận chuyển nhưng vẫn cho quả rất đẹp mắt. Ông Lương Trọng Nghĩa nói: “Cây bơ kiểng, họ cố chăm sóc để nó ra hoa, ra quả. Những quả da sần có khả năng bảo quản rất lâu, hột sát với cơm, không bị va đập khi vận chuyển. Thứ nhất là để làm kiểng chơi trong mấy ngày Tết, sau nữa là sau Tết có cái để thưởng thức”.

Chăm sóc cây cảnh phục vụ Tết
Chăm sóc cây cảnh phục vụ Tết

Khác với bơ, cây sung không phải là loại cây xa lạ đối với nhiều người chơi bonsai. Nhưng loài sung Mỹ hay còn gọi là sung đường, trái ngọn, lá to, thân khỏe  lại là loài sung mới được nông dân Đà Lạt đưa vào chậu cảnh ngày Tết. Từ lâu, theo quan niệm dân gian, cây sung được trồng nhiều trong các không gian, đặc biệt là trong những ngày Tết đến xuân về, bởi nó thể hiện cho sự no đủ, sung túc. Cây sung đường được trưng bày trong ngày Tết với dáng vẻ, thế đứng đa dạng, đẹp độc đáo, không chỉ làm đẹp thêm cho ngày xuân, mà còn đem lại cho chúng ta một sự ngọt ngào – hương vị mới của loài sung. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, nông dân thành phố Đà lạt cho biết: “Cây sung nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng, bỏ chậu để chưng Tết rất đẹp và nhỏ gọn, mang ý nghĩa phong thủy. Sau khi chưng, có thể đem ra ngoài trồng cây ăn trái, rồi có thể bứng lại vô chậu, trồng trên sân thượng hay đem vào nhà”.

Trước đây chúng ta chỉ quen với các loại cây cảnh có quả truyền thống như quất, bưởi được trồng, trang trí để phục vụ Tết Nguyên đán. Nhưng cùng với năm tháng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, những năm gần đây, cùng với  nông dân cả nước, nông dân Đà lạt – Lâm Đồng đã không ngừng sáng tạo để lai tạo, tạo dáng những cây trồng mới. Trước đây, cây ăn trái chỉ cho người tiêu dùng về giá trị dinh dưỡng, thì nay cây đã được biến thành những cây cảnh đẹp mắt. Đưa cây trái vào nhà với những sắc màu mới không chỉ làm cho không gian xuân thêm vui tươi, mà còn là điểm nhấn hứa hẹn 1 năm mới đủ đầy, sung túc  như chính những trái ngọt trên cành.

Mai An – Anh Hào

Đài PT-TH Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *