(kontumtv.vn) – Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia tất cả các phiên họp chính và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.

Khoảng 15h chiều 27/6 (theo giờ địa phương, tức 13h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Kansai, Osaka, Nhật Bản.

Đón Thủ tướng, Phu nhân và đoàn tại sân bay, về phía Nhật Bản có lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật Bản; về phía Việt Nam có: Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Phu nhân, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Vũ Tuấn Hải và Phu nhân, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka; đại diện cộng đồng người Việt tại Osaka.

thu tuong den nhat ban, chuan bi tham du hoi nghi thuong dinh g20 hinh 1
Thủ tướng và Phu nhân đến sân bay quốc tế Kansai, Osaka dự

Hội nghị G20.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6 – 01/7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong chuyến công tác đối ngoại lần này có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn thị Kim Tiến.

Tháp tùng Thủ tướng và Đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Về chương trình hội nghị, ngày mai 28/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Phiên thứ nhất về Kinh tế toàn cầu, Thương mại và Đầu tư; dự Phiên thứ hai về Đổi mới sáng tạo (kinh tế số); dự sự kiện bên lề về kinh tế số. Trong ngày tiếp theo, Thủ tướng sẽ dự Phiên thứ 3 về phát triển bền vững; Phiên thứ tư về Biến đổi khí hậu Môi trường và năng lượng; dự sự kiện bên lề về tăng cường vai trò của phụ nữ; Phiên bế mạc.

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị G20; gặp gỡ lãnh đạo Ủy ban châu Âu, lãnh đạo Liên hợp quốc.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam thăm Nhật Bản. Theo chương trình, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ Thủ tướng Abe Shinzo để thảo luận nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác hai nước. Thủ tướng cũng sẽ gặp Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam; tiếp lãnh đạo một số địa phương của Nhật Bản; dự Lễ hội hoa sen Nhật-Việt…

Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản; tiếp một số doanh nghiệp và gặp mặt lãnh đạo 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm, nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; gặp gỡ đại diện trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

Hội nghị G20 là diễn đàn cấp cao lãnh đạo cơ quan hành pháp của 19 quốc gia phát triển, Lãnh đạo EU, một số chủ thể tài chính quốc tế như IMF, WB… và lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Trong khuôn khổ của hội nghị còn có các hội nghị của các bộ trưởng liên quan.

G20 có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế G20 chiếm 2/3 dân số toàn cầu, nằm trên một nửa diện tích mặt đất của địa cầu, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm toàn thế giới và 80% giao dịch thương mại quốc tế liên quan tới các nền kinh tế này.

G20 là Hội nghị Cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức, đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Lệnh hòa mới bắt đầu.

Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14. Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham dự G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, có tác động phần nào tới nền kinh tế toàn cầu.

Việc được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới, duy trì trật tự và xu thế kinh tế quốc tế, đáp ứng lợi ích của mọi nền kinh tế, chống lại những xu thế tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu./.

Vũ Dũng/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *