(kontumtv.vn) – Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 là nơi làm rõ những cơ hội và thách thức để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững.

Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019, chiều nay (17/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

thu tuong nguyen xuan phuc du dien dan kinh te viet nam nam 2019 hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN lần thứ 26 ở Campuchia, tháng 5/2017.

Cùng dự có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo khách mời quốc tế.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, năm 2018 Việt Nam đã đạt nhiều tựu phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực: Hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, xuất siêu đạt kỷ lục hơn 7 tỷ USD).

Tăng trưởng GDP đạt 7,08%; năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế tăng lên; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân được nâng cao. Kết quả này tạo nền tàng và không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin về việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh những thời cơ, các yếu tố thuận lợi nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức từ bên ngoài như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường.

Vì vậy, Diễn đàn chính là cơ hội để thảo luận làm rõ những cơ hội và thách thức để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững.

“Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, chính sách dư địa không còn nhiều, chính sách tiền tệ không còn nhiều thì những chính sách cơ cấu nhằm giải phóng và tạo năng lực sản xuất mới như phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có khả năng đột phá cải thiện năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng. Chúng ta cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất gắn với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân và mọi thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững, để tăng khả năng canh tranh của dianh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân trung tâm, hun đúc tinh thần khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân chân chính để làm giàu hợp pháp và đóng góp xứng đánh cho xã hội”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Tại buổi đối thoại các đại biểu cùng nhau thảo luận làm rõ việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại FTAs thế hệ mới trong bối cảnh mới của thương mại thế giới; phát triển nền kinh tế số và hạ tầng liên quan tại Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 thông qua đổi mới, sáng tạo và công nghệ; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế; việc thu hút FDI có chọn lọc nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị khu vực toàn cầu và định hướng, cam kết của doanh nghiệp về hỗ trợ phát triển bao trùm tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi việc việc làm thế nào để Việt Nam bắt kịp công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để Việt Nam tiếp cận, tạo nền tảng cho chuyển đổi số và nền kinh tế số có 4 yếu tố quan trọng: Thứ nhất là hạ tầng công nghệ thông tin (ICT) mà nền tàng là mạng viễn thông tốc độ cao, băng thông rộng, phủ rộng khắp và thể hiện là mỗi người dân Việt Nam có một điện thoại thông minh, khi đó kinh tế số, ứng dụng số mới đi vào mọi ngõ ngách trong xã hôi; thứ hai là phải chấp nhận cái mới; tạo ra thị trường ban đầu cho các doanh nghiệp thực hiện kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực.

“Để chuyển đổi số Việt Nam có thể lựa chọn chiến lược 3 bước. Bước 1 là đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đối số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong xã hội nhằm tăng hiệu quả lao động, tăng năng xuất lao động vào tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Bước 2 sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước 3 tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới. Các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế.  Cuối cùng khi cuộc cách mạnh công nghiệp số, các mạng 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới không truyền thống, không tuần tự cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong tiếp cận”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Trả lời câu hỏi giữa căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Việt Nam có một nền kinh tế mở, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của nước ta. Trong đó Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam chắc chắn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại này.

Ông Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: “Về cơ hội trước mắt chúng ta có thể hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển mua hàng của Trung Quốc và Hoa Kỳ. nghĩa là hai nước này thay vì mua hàng của nhau thì chuyển sang mua hàng của Việt Nam. Tuy nhiên tác động này còn phụ thuộc vào hai vấn đề, thứ nhất là diện mặt hàng và mức thuế mà Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, thứ hai là năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập hàng hóa của Việt Nam đối với các nhóm mặt hàng này. Về thách thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, khi hàng rào công nghiệp được dựng lên tác động đến chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới, Việt Nam nằm trong khu vực Thái Bình Dương dự kiến là khối chịu tác động lớn nhất của chiến tranh thương mại”.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trao đổi làm rõ những triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và trong trung hạn trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp – Xu hướng bảo hộ hay tăng cường hội nhập với các FTAs thế hệ mới; thách thức và cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt với các vấn đề nút thắt của nền kinh tế như ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững; phát triển khoa học công nghệ để tham gia hiệu quả vào cách mạng công nghiệp 4.0../.

Việt Cường/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *