(kontumtv.vn) – Sáng 4/6 tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm Công ty Đóng tàu Hạ Long. Tại đây, Thủ tướng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781 vừa được Công ty hoàn thành và sẽ bàn giao trong tháng 6/2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu kiểm ngư KN-781. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781, một trong những con tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam, có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn; tàu có khu vực chứa và sân đỗ cho máy bay trực thăng trong những chuyến tuần tra.

Loại tàu này rất phù hợp với lực lượng thực thi pháp luật trên biển vì với công nghệ của hãng Damen, Hà Lan, con tàu có công suất máy hơn 12.000 mã lực,tốc độ lý thuyết đạt hơn 21 hải lý/giờ và có thể hoạt động liên tục trong điều kiện bình thường 5.000 hải lý cho một hành trình.

Đặc biệt, tàu còn được gia cố vỏ thép dày và được trang bị cả vũ khí âm thanh tầm xa và vòi rồng phun nước cường độ cực mạnh.

Bên cạnh tàu kiểm ngư KN-781, một tàu kiểm ngư tương tự cũng đang được Công ty Đóng tàu Hạ Long đóng và dự kiến sẽ được bàn giao trong tháng 7/2014.

Đóng thêm nhiều tàu kiểm ngư hiện đại

Sau khi kiểm tra tàu KN 781, trong buổi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định sẽ đầu tư để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư loại này lên 6 chiếc.

Cùng với 2 tàu kiểm ngư (có cùng công suất như tàu KN-781) đã được bàn giao và đi vào hoạt động và 6 tàu loại KN 781, thì lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng kiểm ngư sẽ có hơn 50 tàu hiện đại.

Việc được trang bị các tàu tuần tra cỡ lớn, sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện được những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày. Lực lượng kiểm ngư Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ chấp pháp trên biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân và cứu hộ cứu nạn trên biển.

 Thủ tướng cũng yêu cầu, Công ty đóng tàu Hạ Long phối hợp với lực lượng Kiểm ngư để bổ sung ngay một số trang thiết bị phù hợp cho các tàu kiểm ngư, để các tàu này có thể chịu được các vòi phun nước công suất lớn.

Chương trình tàu cá vỏ thép đạt kết quả tích cực

Cũng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2014, về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu, chương trình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân, tình hình thực hiện công tác tái cơ cấu, hoạt động đóng tàu kiểm ngư,…

Về chương trình tàu cá vỏ thép thí điểm, theo lãnh đạo Tổng Công ty, chương trình đã được triển khai thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên theo chương trình thí điểm đã được Tổng Công ty bàn giao cho chủ tàu vào cuối năm 2013 và chủ tàu đã đưa vào khai thác chuyến đầu tiên từ giữa tháng 1/2014. Đến nay đã có 3/6 chiếc tàu được bàn giao cho ngư dân đưa vào khai thác.

Theo đánh giá bước đầu, tàu vỏ thép đã thể hiện những tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ truyền thống, như tốc độ di chuyển cao hơn, mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn khoảng 15% so với tàu gỗ có cùng kích thước; tính an toàn cùng khả năng đi biển tốt hơn tàu vỏ gỗ nên có thể hoạt động liên tục dài ngày; khả năng đánh bắt, bảo quản sản phẩm tốt hơn;…

Với những ưu điểm nêu trên, mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn khoảng 60% so với tàu vỏ gỗ cùng kích thước và công suất, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác.

Tổng Công ty sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép sau khi các tàu đã được bàn giao hết và đưa vào khai thác, dự kiến vào cuối tháng 6/2014. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty sẽ báo cáo các cơ quan liên quan về kết quả của dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép, đồng thời phối hợp với cơ quan thiết kế để hoàn thiện các tính năng kỹ thuật của từng mẫu tàu, sẵn sàng đưa vào sản xuất trên diện rộng.

Thủ tướng trao đổi với cán bộ Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển công nghiệp đóng tàu là chủ trương đúng đắn

Làm việc với Tổng Công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia biển, có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đây là không gian sinh tồn, không gian phát triển của đất nước, của dân tộc. Kinh tế biển và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, vận tải biển,… thời gian qua đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ trương phát triển ngành công nghiệp đóng tàu biển là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế biển. Những năm qua, ngành đóng tàu của Việt Nam đã có bước tiến dài, các kỹ sư, công nhân chúng ta đã đóng được nhiều thế hệ tàu hiện đại, có chất lượng, thời gian đóng nhanh. Phải tiếp tục khẳng định và phát triển ngành đóng tàu, vừa đáp ứng cho nhu cầu trong nước, phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản, vận tải, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển,… vừa đáp ứng cho xuất khẩu. Những yếu kém của Vinashin không phải là yếu kém của ngành đóng tàu, mà là yếu kém trong lãnh đạo quản lý, trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản lý đầu tư; những yếu kém này đã được nhìn nhận nghiêm túc và xử lý kiên quyết, nghiêm minh và khẳng định quan điểm không vì những yếu kém của Vinashin mà chúng ta từ bỏ ngành đóng tàu.

Từ quan điểm như vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết định tái cơ cấu Vinashin, giữ lại thành Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy với 8 doanh nghiệp chủ lực; 8 doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% năng lực đóng tàu của cả nước.

Thời gian qua, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy đã hết sức nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả trong hoạt động. Trước hết là trong tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu sản xuất, tổ chức lại sản xuất, tiếp tục duy trì được sản xuất, duy trì được năng lực đóng tàu, thoái được vốn đầu tư ngoài ngành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy tiếp tục tập trung cho thực hiện công tác tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu tái chính và xử lý nợ, tái cơ cấu sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc; hết sức quan tâm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả  hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, biểu dương Tổng Công ty thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ được giao là đóng tàu kiểm ngư, góp phần thiết thực vào bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Nhấn mạnh các tàu kiểm ngư các cỡ do các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty đóng đã được giao có chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu, Thủ tướng đề nghị Tổng Công ty tiếp tục thực hiện đóng và bàn giao theo đúng kế hoạch được giao đối với các tàu kiểm ngư còn lại, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm ngư nhằm bổ sung thiết kế cho tàu kiểm ngư để phù hợp với yêu cầu thực tế; luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao về bảo dưỡng, sửa chữa, đóng các tàu phục vụ cho lực lượng chấp pháp biển.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh luôn mong muốn trang bị cho ngư dân tàu lớn hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn nhưng phải gắn liền với tính hiệu quả, đảm bảo tính bền vững. Trên tinh thần đó, mô hình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân đã được triển khai thực hiện, cơ chế tài chính cho thí điểm cũng đã được ban hành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tổng Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, ngư dân để đóng các tàu vỏ thép phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của ngư dân, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển ngành đánh bắt hải sản.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *