(kontumtv.vn) – Thủ tướng đề nghị ngành Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia.

Sáng 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề: “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

thu tuong yeu cau nganh ngoai giao sang tao nang cao vi the quoc gia hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị đánh giá, giai đoạn 2016 – 2018, ngành Ngoại giao đã khai thác hiệu quả các cơ chế đa phương thông qua tổ chức thành công các diễn đàn khu vực và tiểu vùng như Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6; thông qua đối thoại công tư như Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong, khu vực ASEAN.

Các diễn đàn này phát huy vai trò điều phối, dẫn dắt, góp phần định hình liên kết kinh tế khu vực thuận lợi cho phát triển của Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế mới và sức mạnh mềm của đất nước. Đồng thời, Việt Nam tranh thủ cơ hội đóng góp quan điểm của một nền kinh tế đang phát triển về các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu khi được mời tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G20.

Ngành Ngoại giao đã làm tốt việc bồi đắp khuôn khổ quan hệ chính trị mật thiết với các đối tác chủ chốt để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư song phương, đặc biệt chú trọng thúc đẩy các dự án hải đăng. Chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến mới mẻ và đa dạng như Tuần, Ngày Việt Nam ở nước  ngoài, kết hợp triển khai các hoạt động xúc tiến bên lề các hoạt động đối ngoại, sản xuất nhiều ấn phẩm quảng bá cơ hội thương mại, đầu tư. Khai thác ưu thế và phạm vi bao phủ của mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai hàng trăm hoạt động xúc tiến, quảng bá đa dạng về quy mô, hình thức, chủ đề và đối tượng tiếp cận.

Ngành Ngoại giao cũng đã bước đầu đổi mới cách làm, tập trung xúc tiến có lựa chọn một số mặt hàng, đặc biệt là hàng nông sản.

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến thị trường – yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng sản xuất hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành Ngoại giao, các đại sứ, trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng của Bộ, thường xuyên trao đổi thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Nhấn mạnh những thành tựu hợp tác kinh tế, đầu tư sẽ tăng cường kết nối giữa các Chính phủ, ông Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực, quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài.

Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị ngành Ngoại giao tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm, làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài.

thu tuong yeu cau nganh ngoai giao sang tao nang cao vi the quoc gia hinh 2
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những nhà ngoại giao đã nỗ lực “dệt” nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu, tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Thủ tướng khẳng định, những thành tựu của đất nước có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, trong đó có việc kết hợp tốt giữa nguồn lực trong và ngoài nước để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao liên tục. Trong nhiều thành tích của ngành có việc huy động nguồn lực quốc tế cũng như mở rộng thị trường.

“Ngành Ngoại giao đã quyết liệt hành động, góp phần mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. Nhiều đại sứ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động xúc tiến tại các địa bàn theo các phương thức đa dạng, hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ” – Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác ngoại giao đã chú trọng đến doanh nghiệp và địa phương của nước sở tại, coi đó là trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành Ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác đối ngoại, như việc thực hiện thỏa thuận, cam kết với các đối tác chưa hiệu quả; công tác nghiên cứu và dự báo đôi lúc còn bị động, chưa lường hết được một số biến động của khu vực và điều chỉnh chính sách của một số nước; chưa có nhiều đề xuất, sáng kiến mang tính chất đột phá đổi mới cho đất nước, cho Bộ Ngoại giao; nỗ lực đổi mới ngoại giao kiến tạo phục vụ địa phương, người dân, doanh nghiệp mới là bước đầu, chưa tạo dựng được nền tảng vững chắc, lâu dài…

Nêu lên tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành Ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. “Chỉ còn hơn 2 năm nữa kết thúc nhiệm kỳ khóa mới, và một núi công việc đang chờ đón chúng ta kể cả trong nước và quốc tế, đối ngoại. Cho nên với vị trí vai trò của Bộ, ngành Ngoại giao, tôi đề nghị các đồng chí đi sâu thảo luận, đề ra một số giải pháp cụ thể để đóng góp vào núi công việc đó để vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Năm nay nói tăng trưởng 6,7%, CPI không quá 4% thì phải thực hiện điều đúng điều đó” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ cho một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ rất khó, trọng trách nặng nề nên cần làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Nhấn mạnh, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” chính là trên tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập mùa thu năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chính Minh, là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước ta mà tất cả những nhà ngoại giao cần khắc cốt ghi tâm bằng cả trái tim và khối óc, Thủ tướng cho rằng, các nhà ngoại giao tài năng nhất chính là những người biết truyền cảm hứng sâu sắc, những người kể chuyện xuất sắc nhất cho bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam, về lòng yêu chuộng hòa bình và những quyết tâm, các quyết sách làm kim chỉ nam cho con đường chúng ta đi.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà ngoại giao phát huy vị thế chiến lược của Việt Nam, coi tạo lập và củng cố vị thế này là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển.

“Các đối tác mà chúng ta đã biết coi trọng vị thế của ta trong chiến lược của họ như Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Nga, chính sách hướng Đông của Ấn Độ, chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Vành đai và con đường của Trung Quốc… Tất cả những vị thế đó, câu trả lời vẫn là của chúng ta. Liệu Việt Nam có khả năng đặt mình ở đâu? Đề nghị Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội cho gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển” – Thủ tướng cho biết.

thu tuong yeu cau nganh ngoai giao sang tao nang cao vi the quoc gia hinh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Thủ tướng hoan nghênh chủ đề của Hội nghị ngoại giao năm nay đã xác định phương châm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, chủ động trong đối ngoại, không chỉ kịp thời tận dụng cơ hội thuận lợi, kịp thời ứng phó biến động mà cần hướng tới đi trước một dịp để làm tốt công tác dự báo chiến lược, công tác tham mưu cho Chính phủ và cả các Bộ ngành. Thủ tướng nêu rõ, sáng tạo trong đối ngoại chính là kiên định mục tiêu, nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là trong thế giới đang biến động rất nhanh chóng.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngiao phải thích ứng với tình hình mới, đề xuất những quan điểm, cách tiếp cận, giải pháp mới để không sa vào lối mòn. “Khi thực tiễn có biến đổi chưa có tiền lệ thì Chính phủ cũng sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ”-  Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Đại sứ năng động trong đối ngoại đa phương. Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Đây là quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới mà Thủ tướng yêu cầu các nhà ngoại giao cần quán triệt.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các nhà ngoại giao tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao, thông minh.

Để triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ kiến tạo, ngành ngoại giao cần chú trọng các yếu tố mà đầu tiên là yếu tố con người. Cùng với đó là cần có biện pháp, công nghệ, kỹ năng hiện đại, ngoại giao công chúng, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp. Với quan điểm ngoại giao kinh tế vẫn là chính, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm này cần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao./.

Vũ Dũng/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *