(kontumtv.vn) – Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước.

Sáng 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ họp với lãnh đạo các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty lớn, đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Cuộc họp diễn ra sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 chưa lâu, cho thấy Thủ tướng và Chính phủ quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng.

thu tuong chu truong 1 quyet tam 20 thi moi thuc day duoc cong viec hinh 1
Nhất trí với các ý kiến, giải pháp được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tổ chức thực hiện tốt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cuộc họp diễn ra trong gần 5 giờ đồng hồ, trong đó, các Bộ, ngành, tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng và Chính phủ về khả năng thực hiện các chỉ tiêu của từng đơn vị, những vướng mắc và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Đáng chú ý là lãnh đạo các Bộ, ngành, tập đoàn đều cho biết có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, doanh nghiệp mình.

Ví dụ như ngành nông nghiệp có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05% cả năm và xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt tăng trưởng trên 12%. Ngành du lịch có thể đạt tăng trưởng trên 30% và lượng khách quốc tế đạt từ 13 đến 15 triệu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đều có quyết tâm chính trị và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành, doanh nghiệp mình.

Các trụ cột nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và 31 sản phẩm chủ lực đều đang có sự tăng trưởng khởi sắc trở lại.

Một số lĩnh vực, sản phẩm cụ thể có mức tăng thấp, nhưng xét chung trong toàn ngành thì có thể bù đắp được sản lượng, sản phẩm khác đảm bảo giá trị tăng trưởng chung của ngành.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, bối cảnh khu vực và quốc tế đang diễn biến khó lường, thời tiết khí hậu bất thường, do đó các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn không thể chủ quan, mà cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Nhất trí với nhiều đại biểu về việc là cần đẩy mạnh tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể được nêu ra, Thủ tướng cho rằng, các Bộ, ngành, doanh nghiệp khi phát biểu đã thể hiện quyết tâm hành động, nhưng đi liền với đó phải đôn đốc kiểm tra thường xuyên, liên tục.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đôn đốc, kiểm tra và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý, và thường xuyên đôn đốc các chủ trương mà các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu, các bộ ngành đã nêu ra hôm nay. Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước. Sẽ có một số cuộc họp để xử lý giải quyết một số vấn đề đặt ra mà tại cuộc họp này chưa giải quyết được, nhất là vấn đề thuế, phí của một số ngành sản xuất, quỹ xúc tiến du lịch, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm, 21 chương trình mục tiêu còn lại”.

Cùng với đó là tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện tốt các chương trình, dự án trọng điểm, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh lại việc các bộ ngành phải có biện pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế; có giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và du lịch…

Nhắc lại nhiều ý kiến đề cập đến điều hành vĩ mô, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ ngành phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô. Trong đó phải lưu ý đến vấn đề lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Thủ tướng khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế xã hội.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản xuất, Thủ tướng nhất trí các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng.

Để tăng đầu tư sản xuất kinh doanh, ngoài việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Thủ tướng đặc biệt lưu ý tín dụng cần tăng khoảng 21% trong cả năm.

Ngay trong những tháng còn lại cần đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết thủ tục hành chính, công cụ thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng đầu tư cho xã hội.

Với mục tiêu vốn đầu tư toàn xã hội năm nay phải đạt 33-34% để góp sức cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, trong đó có vốn ODA, các nguồn vốn ngân sách và vốn FDI.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quản lý tốt thu ngân sách, thu tốt nhưng phải gắn liền với chi tiết kiệm.

Đối với vấn đề thúc đẩy xuất khẩu để vượt mức 205 tỷ USD cả năm, Thủ tướng nêu rõ, nửa cuối năm phải đạt khoảng dưới 90 tỷ USD nữa thì từ nay đến cuối năm mới đạt được mục tiêu đề ra.

“Đây là khoản rất lớn cần phải đạt được để nhập siêu năm nay giảm ở mức thấp hơn nữa. Bên cạnh giải quyết vấn đề thủ tục một cửa quốc gia, vấn đề thị trường, tăng năng lực sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là du lịch. Có hàng vạn người vào APEC lần này, sản phẩm nào, công việc gì để thúc đẩy tiêu dùng tại chỗ rất quan trọng. Và trong đó tôi đề nghị các đồng chí tập trung chỉ đạo các mặt hàng trọng điểm, các thị trường trọng điểm, cải cách thủ tục hơn nữa để giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu”, Thủ tướng nói.

Để hạn chế nhập siêu, Thủ tướng cho rằng các bộ ngành cần có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là có hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật. Đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước chất lượng tốt để thay thế hàng nhập khẩu. Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản phẩm trong nước./.

 

Vũ Dũng/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *