(kontumtv.vn) – Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông

Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo đó, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển…; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.

Việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương sẽ tạo nên những bước đột phá trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông…

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.

Theo đó, dự thảo Luật quy định về giao thông đường bộ gồm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân.

UBTV Quoc hoi: Can nhac ky viec 'tach' Luat Giao thong duong bo hinh anh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trải qua 12 năm, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Theo đó, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về giao thông thông minh, tổ chức trung tâm điều hành giao thông, hạ tầng giao thông; việc kết nối, quy tắc an toàn giao thông một số quy định chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế…

Đặc biệt, vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại sao tỷ lệ tai nạn giao thông vẫn cao mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp.

Trong các vụ tai nạn, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài bất cập trong quy định của luật, ý thức tham gia giao thông, cách thức tổ chức, quản lý, điều hành… là vấn đề chủ yếu. Do đó, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.

Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án Luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án Luật, vì cho rằng, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, từ đó tách thành hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chỉ rõ: Thực tế hiện nay có lĩnh vực tách ra 2 luật để 2 bộ quản lý dẫn đến sự thống nhất trong quản lý hệ thống rất phức tạp.

“Có trường hợp tách ra làm 2 bộ đi theo 2 hướng khác nhau. Mỗi bộ đều chứng minh có thế mạnh riêng, từ đó không thống nhất được. Do đó, cần cân nhắc việc tách ra để dễ quản lý hay chỉ làm một luật để điều chỉnh tổng thể trong một lĩnh vực, trong đó Chính phủ có nhiệm vụ điều phối các bộ, ngành thực hiện,” Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu vấn đề.

UBTV Quoc hoi: Can nhac ky viec 'tach' Luat Giao thong duong bo hinh anh 2Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cùng chung băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay có 5 luật giao thông, gồm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Theo bà Nga, về thực chất, các luật này là kết cấu tổng thể mà một trong các mục tiêu là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các lĩnh vực đó. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ băn khoăn về việc tách giao thông với đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

“Theo Tờ trình, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn phương tiện… Tuy nhiên, hệ thống báo hiệu đường bộ để cho người dân đi đúng và một trong những mục tiêu là đảm bảo trật tự. Tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cũng đảm bảo trật tự,” Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Giao thông vận tải nói chung, trong đó giao thông đường bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là mạch máu của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trước những tồn tại, hạn chế và sự phát triển cả về số lượng, phương thức, lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay, việc ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là sự cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh các hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã phân tách, đảm bảo được mức độ nhất định, tính riêng biệt so với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để tránh những chồng chéo, trùng lắp giữa 2 Luật.

Những vấn đề liên quan bổ trợ cho nhau giữa hai lĩnh vực cũng cần phải quy định để đảm bảo có tính liên thông, đồng bộ trong chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ nói chung.

“Hai Luật tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Nhiều quy định vì có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, do đó một mặt vừa phải bảo đảm tính cụ thể, một mặt lại phải làm rõ được tính tương trợ, tương hỗ qua lại giữa các quy định. Xuất phát từ vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách luật giao thông đường bộ thành 2 luật để đảm bảo tính thống nhất, tổng thể trong hệ thống pháp luật,” Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm vấn đề này. “Nếu tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ thì liên quan đến Luật Đường sắt, đường thủy nội địa, Luật Hàng không có tách vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông không?

Nếu quy định tổng thể trong một loạt và giao Chính phủ điều hành để đảm bảo thống nhất thì có đảm bảo không? Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như thế nào? Vấn đề này cần phải tiếp tục làm rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *