(kontumtv.vn) – Nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít hoài nghi là ý kiến chung của người dân về quyết tâm lập lại trật tự xây dựng, công tác quản lý rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Liên quan đến các công trình vi phạm trên diện tích đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10 hôm 30/10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm thực trạng này. Quyết tâm của người đứng đầu chính quyền thành phố được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, quyết tâm này có trở thành hiện thực hay không thì vẫn ở phía trước.

vi pham tai rung phong ho soc son se duoc xu ly triet de hinh 1
Ảnh: Zing.vn

Nhiều kỳ vọng, nhưng cũng không ít hoài nghi là ý kiến chung của người dân trước quyết tâm lập lại trật tự xây dựng, công tác quản lý rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn của ngành chức năng thành phố Hà Nội. Bởi, hơn 10 năm trước, những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, nhưng từ đó đến nay, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vẫn loay hoay tìm phương án xử lý, thậm chí sai phạm còn được “nối” dài hơn.

Từ thực tế địa phương, ông Trần Huy Linh, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn cho rằng, người dân ở đây rất có công trong việc khai hoang, trồng cây, gây rừng từ hàng chục năm trước. Nếu không, không có những cánh rừng phòng hộ xanh tốt ngày hôm nay. Song, vì buông lỏng quản lý, rừng phòng hộ đã bị xâm chiếm, biến tướng.

Ông Trần Huy Linh nói: “Tôi nghĩ rằng, nhà nước cần phải làm rõ. Một là một số gia đình xây biệt thự, làm những trang trại lớn thì đã có kết luận là sai trái thì cần phải xử lý đứt điểm, nghiêm minh. Đối với người dân sống lâu dài thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để họ sinh sống, bảo vệ phát triển rừng…”

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn thừa nhận về thực trạng vi phạm tại rừng phòng hộ trên địa bàn. Đó là những vi phạm do tính chất lịch sử.

Theo ông Dương Văn Nhuận, từ những năm 1980, hàng trăm người dân đã sinh sống, làm nhà ở khu kinh tế Đồng Đò khi diện tích ở đây còn là đất trống đồi trọc. Nhưng đến năm 1998, nhà nước mới có quy hoạch rừng, năm 2008 có quy hoạch rừng phòng hộ: “Lỗi từ chính quyền hàng thời kỳ. Khi năm 1993 đo bản đồ thì mình không dẫn đạc vào, bắt đầu xuất phát từ đó. Năm 1998 quy hoạch rừng, không có quy hoạch rừng thì vẽ trùm hết cả lên. Năm 2006 đi đo chia cho mỗi hộ 400m đất ở, người dân không đồng ý, nên không đo được, không tách ra được. Năm 2008 quy hoạch lại cũng không tách được.”

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (ngày 16/10), ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: huyện Sóc Sơn đang tồn tại 45 công trình xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường. Trong đó, tại xã Minh Trí 27 công trình, xã Minh Phú 18 công trình. Hiện UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo thiết lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã đình chỉ thi công, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Minh Phú xử lý công trình vi phạm xong trong tháng 11. Huyện cũng đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ xã. Riêng năm 2017 đã kỷ luật 6 cán bộ. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Sóc Sơn lại không trả lời được câu hỏi, vì sao những sai phạm tại rừng phòng hộ Sóc Sơn xảy ra hàng chục năm nay mà vẫn không được quan tâm xử lý.

Các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2006, nhưng việc xử lý như chúng ta đã biết, vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vì vậy, việc Thanh tra thành phố Hà Nội tiếp tục thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại xã Minh Phú, Minh Trí từ ngày 22/10 vừa qua, cũng như khẳng định của người đứng đầu chính quyền thành phố về việc xử lý nghiêm các sai phạm, vẫn còn sự hoài nghi khi chưa có kết quả cuối cùng./.

Huy Nam/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *