(kontumtv.vn) – Hơn 50.000 bệnh nhân phải nhập viện vì sốt xuất huyết (SXH) và có 15 trường hợp tử vong. Nguyên nhân vì sao?

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại Hà Nội và phía Nam

Cả nước ghi nhận trên 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng đột biến, với 199 bệnh nhân SXH (tính từ đầu năm 2017 đến 19/7).

vi sao sot xuat huyet bung phat manh trong nam nay hinh 1
TS BS Đoàn Thu Trà, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (Trong ảnh: 3 bệnh nhân nằm 1 giường)

Số lượng người bệnh đến khám bị SXH Dengue cũng tăng rõ rệt. Hiện nay, tại phòng khám và tư vấn các bệnh truyền nhiễm của Khoa trung bình mỗi ngày có 20-25 trường hợp đến khám vì sốt Dengue.

Tại phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm ở Khoa khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày tiếp nhận 25-30 ca khám vì sốt Dengue.

Giải thích nguyên nhân vì sao năm nay số ca mắc tại miền Bắc tăng nhanh, BS Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đó là do diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu thay đổi, mưa nhiều. Sau mưa, những nơi nước đọng là ổ muỗi gây bệnh SXH đẻ trứng, bọ gậy nở ra nhiều. Tại Hà Nội, trong tuần qua đã ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mắc sốt xuất huyết.

Theo BS Cường, hiện nay SXH diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh. Nhiều bệnh nhi, kể cả người già trên 85 tuổi, các bà bầu đều nhập viện với số lượng lớn, có trường hợp cả gia đình 3 đến 4 người cùng nhập viện vì SXH.

“Hiện bệnh nhân vào Khoa Truyền nhiễm quá tải, 3 người nằm/1 giường. Vì nhiều bệnh nhân vào nên chúng tôi đã dành 2/3 số giường bệnh dành cho bệnh nhân mắc SXH”- BS Cường nói.

BS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, có nhiều sai lầm trong điều trị SXH như: chẩn đoán SXH nhầm với cúm thông thường như: sốt, ho, viêm phế quản, phổi, viêm họng…

Đặc biệt là sai lầm trong điều trị vì nhiều bác sĩ không chuyên khoa có thể cho uống hạ sốt, dùng kháng sinh dòng corticoid khiến cho người bệnh dễ bị xuất huyết. Nhiều nơi không có điều kiện khiến chẩn đoán nhầm, có nhiều người mắc SXH không có biểu hiện điển hình nên khó phát hiện.

TS Cường cũng nhận định, nếu chẩn đoán đúng nhưng bác sĩ điều trị sai cũng dẫn tới biến chứng nặng. Chẳng hạn nếu dùng kháng sinh sẽ dẫn đến việc xử trí theo hướng nhiễm trùng làm bệnh nhân nặng lên, làm tăng nguy cơ xuất huyết. Ngay cả việc truyền đạm, truyền dịch hay truyền tiểu cầu nếu không theo phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đã ban hành cũng sẽ làm sai lệch hướng điều trị.

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị các cơ sở y tế theo dõi khám, chữa bệnh SXH theo đúng phác đồ, trường hợp nặng phải có hội chẩn. Theo đó, các bác sĩ không phải chuyên khoa cần phải nắm vững phác đồ chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế để điều trị cho phù hợp.

BS Cường nhận định, năm 2015 có 1.000 bệnh nhân SXH và có nhiều bà bầu được cứu cả mẹ, con. Vì thế, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng rất chủ động trong công tác phòng chống dịch SXH.

SXH là sốt kèm theo xuất huyết với đặc trưng là sốt cấp tính kéo dài 2-5 ngày, sốt cao, đau mỏi người, nhức đau. Khi xuất huyết, người bệnh chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn là rong kinh, rong huyết, đi ngoài ra máu, phân có máu, xuất huyết não…

 

BS Cường cho biết, SXH hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa nên người dân cần phải nắm được những triệu chứng cơ bản của SXH để có hướng điều trị kịp thời. Tăng cường xét nghiệm, phát hiện sớm tránh thời gian chờ đợi của bệnh nhân là ưu tiên mà Khoa Truyền nhiễm đang thực hiện để phòng, chống SXH.

Nếu người bệnh sốt trong vòng 24 giờ đầu, chưa xuất huyết là có thể biết SXH thành công bằng test nhanh và có kết quả trong vòng 30 phút.  Các cơ sở y tế tuyến quận, huyện đã có test nhanh này.

Cả nước đã có 15 ca tử vong vì sốt xuất huyết

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân SXH tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân khám mỗi ngày, tỉ lệ nhập viện 10 – 20%. So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng 4 lần và nhiều ca diễn biến nặng.

vi sao sot xuat huyet bung phat manh trong nam nay hinh 2
Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

BS Kính cũng cho biết, đến thời điểm này đã có 15 ca tử vong vì sốt xuất huyết trên cả nước. Ca tử vong thứ 15 vì sốt xuất huyết trên cả nước là trường hợp bị xuất huyết não tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Đó là bệnh nhân nam giới, 51 tuổi ở phường Vạn Phúc, Cống Vị, Ba Đình. Trước đó là bệnh nhân được chẩn đoán SXH, chụp CT não phát hiện xuất huyết não được chuyển sang BV Nhiệt đới sáng sớm ngày 12/7.

Đến rạng sáng ngày 14/7 bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát.

Tại khoa Cấp cứu của BV Nhiệt đới T.Ư, mỗi ngày có 4 – 5 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu đe dọa sốc, chảy máu được chuyển xuống cấp cứu, khi thoát nguy hiểm lại chuyển về các khoa.

Để tránh cho bệnh nhân đang sốt đến khám SXH phải chờ đợi vì quá tải, BV Nhiệt đới TW đã phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH. Ngoài ra, BV dành trọn tầng 5 là khoa virus cho bệnh nhân SXH mà vẫn không đủ giường nên đã phải lấy một nửa số giường khoa Viêm gan, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp dành cho bệnh nhân SXH nhưng vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục.

BS Kính cho biết, trung bình mỗi ngày 3 xe cấp cứu của BV phải vận chuyển hết công suất để luân chuyển khoảng 30-40 bệnh nhân tạm ổn định sang cơ sở 2 của BV tại xã Kim Chung- Đông Anh…/.

Thu Thủy/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *