(kontumtv.vn) – Trái ngược với tấm màn nhung êm đẹp trong buổ tổng kết, bóng đá Việt Nam trải qua mùa giải 2015 trong cơn ám ảnh về bạo lực và tiêu cực sân cỏ.

Đậm văn hóa “xin – cho”

Như vậy là sau gần 9 tháng khởi tranh, cả V-League, giải hạng Nhất Quốc gia cùng Cúp Quốc gia đã khép lại với cú đúp dành cho B.Bình Dương ở hai giải đấu cao nhất trong nước, trong khi CLB Hà Nội giành quyền thăng hạng thuyết phục để “lên chuyên”.

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 0
Với BTC VPF, mùa giải 2015 đã kết thúc tốt đẹp. (Ảnh: Hải Đăng).

Những giải thưởng tập thể, cá nhân… cùng những tràng pháo tay rộn rã tràn ngập trong buổi tổng kết cũng như chương trình gala để kết thúc một mùa giải. Thế nhưng, đằng sau sự tôn vinh đó cùng những vinh quang về một “mùa giải thành công” là cả một hiện thực trái ngược khi bóng đá trong nước luôn ám ảnh bởi những tiêu cực trên sân cỏ, mà vấn nạn “xin – cho” điểm số đã thành văn hóa điển hình ở V-League nhiều năm qua.

Người hâm mộ sẽ còn nhắc rất nhiều và lâu nữa về màn trụ hạng ngoạn mục của HAGL, đội bóng với thành phần non trẻ là “những cậu bé của bầu Đức”, lực lượng chủ chốt trong lứa ĐT U19 Việt Nam vang danh với lối chơi bóng đá tấn công cống hiến và đẹp mắt.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu lối chơi ấy không khiến đội bóng phố Núi trượt dài ở sân chơi khắc nghiệt như V-League, khiến Công Phượng, Tuấn Anh… sa sút cả về chuyên môn lẫn thể lực do không đủ niềm tin và kinh nghiệm trong khi HLV Graechen Guillaume mất việc.

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 1
Hình ảnh cúi đầu quen thuộc của các cầu thủ HAGL tại V-League 2015 trước khi có màn trụ hạng.. không tưởng. (Ảnh: Minh Hoàng).

Cũng không có nhiều điều đáng nói nếu HAGL – đội bóng có thành tích đối đầu kém nhất ở nhóm trụ hạng (gồm Đồng Tháp, Cần Thơ và chỉ hơn duy nhất đội xuống hạng sau đó là Đồng Nai), cũng như có thể thua, thậm chí thua đậm trước bất kỳ đội bóng nào ở V-League lại có thể chiến thắng những đội bóng “có sừng, có mỏ” như nhà vô địch B. Bình Dương, Hà Nội T&T hay SLNA với chung một kịch bản: bị dẫn trước, hoàn toàn lép vế nhưng vẫn ngược dòng… không tưởng.

Tất cả bắt đầu từ cơn giận dữ của bầu Đức cùng câu nói “hờn dỗi” có thể sẽ đi vào lịch sử bóng đá nước nhà: “các đội bóng khác ở V-League đang đánh hội đồng HAGL và họ chỉ muốn chúng tôi xuống hạng”. Kể từ sau phát biểu hùng hồn đó của vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, mọi chuyện thuận lợi đến… ngỡ ngàng với HAGL trong hành trình trụ hạng “thần thánh” năm nay.

“Ai không tiêu cực giơ tay lên”

Văn hóa “xin – cho” từ lâu đã trở thành căn bệnh cố hữu ở các giải đấu của bóng đá Việt Nam mà V-League là điển hình. Thế nên, cũng không nhiều người ngạc nhiên khi Than Quảng Ninh được cổ vũ “máu lửa” là thế (Hội CĐV đất Mỏ xuất sắc nhất mùa) cũng như đầy ắp mục tiêu và đá “như lên đồng” trong nửa đầu tiên mùa giải là thế, để rồi sa sút không phanh, thích thua là thua, thích thắng là thắng ở giai đoạn lượt về.

Tương tự là ĐTLA, khi sự thể đến nỗi HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai phải thốt lên ở vòng áp chót: “rồi lần này tới lượt “Gạch” thất thủ trước HAGL ở vòng tới”, khi cuộc đua trụ hạng ở giai đoạn khốc liệt nhất. Tất nhiên, “lời tiên tri” đó của ông Sự đã không thành sự thật (HAGL và ĐTLA chia điểm) nhưng Đồng Nai cũng chẳng thoát khỏi kết cục đã an bài từ… vài vòng trước đó, là xuống hạng.

Xin phép trích nguyên văn câu chuyện vốn là lời của cố thanh tra Tô Hiền cũng là trưởng Ban Kỷ luật mùa giải 1994 trong buổi tổng kết đã nhìn tất cả lãnh đạo các đội bóng và hỏi: “Ai không tiêu cực giơ tay lên”. Khi ấy cả khán phòng của buổi tổng kết im phăng phắc và năm phút sau câu hỏi đấy dù ông chánh thanh tra đã nhắc đi nhắc lại vẫn không một cánh tay nào dám giơ lên. Sau đó ông Tô Hiền kết luận: “Tất cả các đội tham dự giải đều tiêu cực”.

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 3
B.Bình Dương khẳng định sức mạnh trong bối cảnh V-League như “sân khấu bi – hài kịch”. (Ảnh: Hà Khánh).

Câu nói đó vẫn ám ảnh các giải bóng đá trong nước mà giải VĐQG là điển hình suốt 21 năm qua, cũng như trong 14 năm kể từ bóng đá nước nhà “lên chuyên”, và có lẽ sẽ còn mãi, nếu không có một cuộc cải tổ triệt để từ VFF cũng như BTC là VPF.

Kinh hoàng “đấu võ”

Không chỉ dừng ở văn hóa “xin – cho” điểm số, nhiều người còn mỉa mai các giải đấu bóng đá trong nước, từ phong trào, các giải sinh viên cho tới chuyên nghiệp đều như “sàn võ” bởi truyền thống “bạo lực”, không ngại đá “rắn” trên mức cần thiết.

Sau màn “đấu võ” tiêu biểu ở vòng 21 giữa hai đội bóng hàng xóm Hải Phòng và Than Quảng Ninh với 9 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ, lẽ ra V-League 2015 đã có thể kết thúc “êm đẹp” hơn rất nhiều nếu không có màn xoạc bóng lao thẳng vào chân cầu thủ đối phương của trung vệ ĐT U23 VN cũng như ĐTVN, Quế Ngọc Hải (SLNA) khiến nạn nhân là Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) đối mặt nguy cơ giải nghệ ở tuổi 24.

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 4
Pha vào bóng như triệt hạ cầu thủ đối phương cảu Quế Ngọc Hải. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Chỉ ít ngày sau màn vào bóng bạo lực gây chấn động cả nước cũng như báo chí quốc tế của Ngọc Hải, tới lượt Dương Thanh Hào (Hà Nội T&T) khiến cầu trường “dậy sóng” với pha chuồi bóng từ phía sau khiến tiền đạo Abass của B.Bình Dương gẫy đôi xương mắt cá chân và phải nhập viện khẩn cấp cùng một ca phẫu thuật ngay trong đêm sau trận chung kết Cúp Quốc Gia.

Một án phạt “nghiêm khắc” sau nhiều lần “nâng lên, hạ xuống” của Ban kỷ luật VFF được đưa ra khiến không ít báo chí “việt vị” vì… cầm đèn chạy trước ô tô, vội vàng “phán” về mức án của Quế Ngọc Hải. 6 tháng “treo giò” có thể là quãng thời gian ngắn ngủi trong sự nghiệp của trung vệ xứ Nghệ, thế nhưng nỗi day dứt đó sẽ còn mãi theo Ngọc Hải nếu Anh Khoa phải giã từ sân cỏ sau pha vào bóng bạo lực “định mệnh” đó trên sân Vinh.

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 5
Thanh Hào khóc như mưa… (Ảnh: Bích Thùy).

Đó là còn chưa kể cánh cửa “lên tuyển” vốn đang thênh thang, rộng mở với cầu thủ sinh năm 1993 nay đã đóng kín và chưa biết bao giờ mới mở lại. Không giống như Ngọc Hải – và cũng có thể nói là “kinh nghiệm” hơn với bài học mới vài ngày trước, Thanh Hào khóc như mưa sau khi khiến Abass rời sân bằng cáng cùng cái chân gãy rời cũng như vào viện thăm chân sút của B.Bình Dương ngay trong đểm để xin lỗi.

Điều này giúp trung vệ gốc Đồng Tháp vẫn chưa phải nhận án kỷ luật nào ngoài chiếc thẻ đỏ trực tiếp và vẫn được lên tuyển thế chỗ của… chính Ngọc Hải. Tuy nhiên, tâm lý của Thanh Hào vẫn chưa hoàn toàn ổn định và trong những buổi tập đầu tiên của ĐTVN chuẩn bị cho 2 trận vòng loại World Cup 2018 gặp Iraq (8/10) và Thái Lan (13/10), trung vệ sinh năm 1991 chỉ ngồi nhìn các đồng đội với ánh mắt đầy ăn năn và buồn rầu.

Mùa giải 2016 có khác?

Thương hiệu “đấu võ” đầy trào phúng mà người hâm mộ dành riêng cho bóng đá nước nhà có lẽ lại thêm lần nữa ám ảnh tất cả mọi người về “bóng đen” bạo lực sân cỏ. Liệu có còn bậc cha mẹ nào muốn cho con mình theo nghiệp trái bóng tròn, của môn thể thao vốn là đam mê, khao khát cháy bỏng của hàng triệu triệu người trên thế giới, sau khi chứng kiến hai pha vào bóng của Ngọc Hải cũng như Thanh Hào?

bong da viet nam: noi am anh bao luc va tieu cuc san co hinh 6
Người hâm mộ chờ đợi sự đổi thay tích cực ở mùa giải 2016 (Ảnh: Ngọc Duy).

Câu hỏi đầy trăn trở đó vẫn còn đợi câu trả lời từ những người làm bóng đá nước nhà, từ BTC – VPF và cả VFF. Thế nhưng, sau màn tung hô “mùa giải thành công” ở buổi tổng kết, như thể tuyệt nhiên không hề có bất kỳ “sự cố” nào, có lẽ 2016 sẽ tiếp tục là một mùa giải mới, với nỗi ám ảnh muôn thuở về vấn nạn tiêu cực và bạo lực trên sân cỏ Việt Nam./.

Ngọc Duy/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *