(kontumtv.vn) – Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng như các di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam… dự Khai mạc Festival. Ảnh VGP/ Nhật Bắc

Tối 25/4, tại Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam… và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cùng đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân, người dân Nam bộ đã tham dự Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào của Việt Nam nói chung và của 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, Nam Trung Bộ nói riêng.

“Đây cũng là trách nhiệm lớn lao của chúng ta đối với việc phát huy và gìn giữ những di sản quý báu, tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền lại bằng mồ hôi và cả máu xương cùng tình yêu, niềm tin và hy vọng vào thế hệ mai sau và vào tương lai của Dân tộc”.

Theo Phó Thủ tướng, là vùng đất được coi là chiếc nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cùng với các địa phương trong vùng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất như một lời kính cáo, lời tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học độc đáo này.

Đây cũng là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc – một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam – yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất. Ảnh VGP/Đình Nam

Đối với Bạc Liêu, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất là tiền đề để tỉnh triển khai thực hiện định hướng phát triển, đi lên từ nền tảng văn hóa.

Phó Thủ tướng cho rằng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Bạc Liêu vốn là “xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”, không còn là những xóm nghèo ven sông, không chỉ còn biết đến gắn liền với danh “công tử”. Vẫn những cánh đồng lúa bời bời, những kênh rạch chằng chịt như đường chỉ lòng bàn tay, những nón lá nghiêng nghiêng trên những chiếc xuồng ba lá, những tiếng đờn lời ca vẳng dưới ánh trăng, trên đồng nước mêng mang… Nhưng trên mảnh đất này đã thấy, đã thêm mỗi ngày những con đường mới, những công trình mới, những nhà máy mới, những cánh quạt điện gió khổng lồ mà chắc chỉ mấy mươi năm trước ít người hình dung được. Vẫn những người con chất phác, can trường, trung trực… như đất, như nước ấy nhưng đã có ngày càng nhiều sáng kiến, sáng chế, tri thức được vận dụng, được làm chủ, được sáng tạo phục vụ sản xuất, đời sống nơi đây và cả nước.

“Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng những người dân vùng miệt vườn sông nước đã và sẽ tiếp tục hòa mình vào dòng chảy văn minh nhân loại không chỉ với tư cách người được hưởng thụ, chia sẻ mà còn tham gia sáng tạo, giữ gìn lưu chuyển những điều tưởng chừng vô cùng mộc mạc, chân thành và đơn sơ đã trở thành di sản đại diện của cả loài người. Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng và cổ vũ cho sự vươn lên mạnh mẽ của Bạc Liêu và của cả vùng quê hương của đờn ca tài tử. Chúng ta hãy cùng nhau để Đờn ca tài tử trên đất Bạc Liêu tiếp tục hòa vào dòng sông tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào biển kho tàng văn hóa của nhân loại, tiếp thêm động lực phát triển. Chúng ta hãy bày tỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng của vùng đất trung dũng, can trường này. Hãy chung sức đồng lòng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng biết ơn đối với cha ông cũng như đối với thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của Đờn ca tài tử.

Là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nam Bộ, ngày nay, Đờn ca tài tử không chỉ là nét đẹp văn được người dân Nam bộ say mê mà còn được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sau những loại hình nghệ thuật nổi tiếng khác như ca trù, quan họ Bắc Ninh…

Một tiết mục biểu diễn tại Festival – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất-Bạc Liêu 2014 là dịp để tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôn vinh để chung tay giữ gìn, bảo vệ, phát huy Đờn ca tài tử là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, nhất là đối với Bạc Liêu, nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân Đờn ca tài tử xuất sắc; quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang”, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Trong thời gian diễn ra Festival Đờn ca tài tử còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội chợ Thương mại-Du lịch; Lễ hội ẩm thực Nam Bộ; Chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn và soạn giả Yên Lang; Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; Triển lãm nhạc cụ dân tộc; Triển lãm sinh vật cảnh; Tổ chức không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ; Khánh thành dự án mở rộng khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu…

Những hoạt động đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách “bữa tiệc” thịnh soạn với đầy đủ “món ngon” về âm nhạc, ẩm thực, nhiếp ảnh… Với vai trò là chủ nhà được vinh dự tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần đầu tiên, Bạc Liêu đã và đang cố gắng hết mình để tổ chức thành công một sự kiện văn hóa ấn tượng và khó quên.

Những điệu nhạc, lời ca và tình người da diết mà cố nghệ  nhân Cao Văn Lầu đã gửi lòng mình cũng như 20 bản tổ được lan tỏa sâu rộng hơn nhờ ứng dụng những công nghệ mới về âm thanh, hình ảnh và truyền thông. Đương nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ để giữ cho được căn cốt của đờn ca tài tử, như tính tùy hứng, tính công bình đúng với tên gọi “tài tử” của loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai này – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *