(kontumtv.vn) – Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị.

Đúng ngày 29/8 cách đây 30 năm về trước, giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật cả nước vô cùng bàng hoàng, đau xót khi nhận tin dữ: vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông khủng khiếp. Sự ra đi của họ đã để lại một khoảng trống lớn cho văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu và thơ, nơi mà cả hai đang ở vào độ chín, sự thành công chói sáng. Riêng Lưu Quang Vũ, bằng tài năng và sức làm việc phi thường, vô tiền khoáng hậu, anh đã sáng tạo, đã cùng các đạo diễn đưa các kịch bản xuất sắc của mình tung hoành ở nhiều loại hình sân khấu của cả nước, tạo nên một thời kỳ thăng hoa của sân khấu Việt Nam.

luu quang vu nhung dieu con mai   hinh 1
Vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh (Ảnh: Thanh Niên)

Đã có nhiều bài viết, hồi ức, công trình nghiên cứu về hai nghệ sỹ lớn này. Với bài viết giản dị sau đây, chúng tôi xin chỉ đề cập đến nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ Lưu, dẫu biết rằng trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là hai nửa của nhau, người này là của người kia: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”…

Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại Phú Thọ, quê gốc là Thành phố Đà Nẵng. Anh nổi tiếng trên văn đàn khá sớm. Ngay từ 20 tuổi, khi đang tham gia quân ngũ, tập thơ Hương cây – Bếp lửa (in cùng Bằng Việt) ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Trước đó, khi đọc những bài thơ tinh tế, non xanh vời vợi của anh, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận thấy Lưu Quang Vũ thực sự là “một cây bút trẻ nhiều triển vọng”.

Những năm tiếp theo, vẫn tiếp tục nguồn mạch ấy nhưng thơ Lưu Quang Vũ đã đằm sâu hơn, rộng mở hơn. Những thay đổi trong nhận thức về nghệ thuật, về số phận đất nước, nhân dân đã làm giàu có và phong phú thêm màu sắc thơ Lưu Quang Vũ. Dẫu có những thăng trầm, thậm chí cay đắng, nhưng có thể khẳng định vượt lên tất cả, Lưu Quang Vũ đã sống hết mình, yêu hết mình cuộc đời đầy gió bụi, lắm gian truân và cũng lắm tha thiết này. Bằng những rung cảm nghệ thuật tinh tế, ông nhận thấy những chiều kích văn hóa khác nhau đã tạo nên sự trường cửu của dân tộc mình.

Nếu qua tập Lưu Quang Vũ – di cảo, chúng ta ngỡ ngàng trước một Lưu Quang Vũ điềm tĩnh và đau đớn về chiến tranh thì ở Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi ta lại nhận thấy một Lưu Quang Vũ tràn đầy tinh thần công dân, đau đáu, nhiệt thành với Tổ quốc, luôn đấu tranh quyết liệt cho sự tốt đẹp và tôn vinh giá trị người, giá trị dân tộc. Những người làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam và đông đảo công chúng của Đài, suốt mấy chục năm qua luôn yêu quý, nâng niu và ngân nga bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, như là tác phẩm bất hủ viết riêng cho Đài, cho chương trình Tiếng Thơ của Đài.

Không chỉ tài hoa, độc đáo trong lĩnh vực thi ca, văn xuôi Lưu Quang Vũ cũng cho thấy rõ sự đa dạng, biến tấu của một tài năng. Tại đó, ta nhận thấy chất thơ và sự tinh tế trong cảm nhận thấm đẫm trong từng truyện ngắn của Lưu Quang Vũ. Nếu ở những truyện ngắn đầu tay, người đọc nhận thấy tình quê hương, tình người đằm thắm qua cái nhìn trong trẻo khi nói về những vẻ đẹp bình yên đầy ắp kỷ niệm thì ở giai đoạn sau, truyện ngắn Lưu Quang Vũ có sự thay đổi đáng chú ý. Người đọc nhận thấy một Lưu Quang Vũ nhiều trăn trở, suy tư. Bên cạnh loại truyện ngắn mang đậm cảm xúc trữ tình, truyện ngắn Lưu Quang Vũ còn giàu có chất thế sự và triết lý. Không phải ngẫu nhiên mà khi đọc truyện ngắn Anh Thình của Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Nếu một lúc nào đó, anh bỏ kịch và thơ, đi hẳn vào văn xuôi, chắc là anh vẫn giữ cái ngòi bút chừng mực dung dị, và những truyện của anh chắc chắn sẽ có sức nặng hơn nhiều, và giới văn xuôi lại như giới kịch bây giờ, cứ ngớ ra mà nhìn anh tung hoành…”.

Có thể nói, làm thơ, viết truyện ngắn, viết báo, dường như ở lĩnh vực nào Lưu Quang Vũ cũng tạo được ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ chuyển hướng và nhanh chóng trở thành một hiện tượng nổi bật trong lĩnh vực sân khấu. Đó là những năm chói sáng của anh. Sân khấu Việt Nam hiện đại sôi động hẳn lên, có da có thịt, có hình khối một phần nhờ vào tài năng và lao động nghệ thuật phi thường của Lưu Quang Vũ. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch – một khối lượng đồ sộ khiến ai cũng kinh ngạc và chắc chắn, sẽ rất khó có người có thể vượt qua, cả số lượng và chất lượng. Anh nghiễm nhiên là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”. Sức hấp dẫn và khả năng thu hút của kịch Lưu Quang Vũ trước hết nằm ở tính dấn thân, tính dự báo, tính đối thoại và khát vọng đổi mới. Đó là những tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống đương đại.

Điều đáng nói là Lưu Quang Vũ đã đem đến ngọn lửa của tình yêu và khát vọng, buộc chúng ta phải nghĩ, phải hành động và dám vượt lên mọi khó khăn, thử thách để đổi mới. Kịch Lưu Quang Vũ không dừng lại ở những thuyết lý, khẩu hiệu mà ông đã làm bật lên được quy luật phát triển của đời sống thông qua những xung đột, những chi tiết sống động và đắt giá. Hiệu ứng nghệ thuât mà Lưu Quang Vũ tạo nên gắn liền với sự nhạy bén, thông minh và linh hoạt về bút pháp. Các vở diễn của anh đã góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật sân khấu của những người làm nghề và khả năng cảm nhận, chia sẻ, cùng nhập cuộc của công chúng. Nhiều người trong bộ máy công quyền lúc đó cũng để mắt nhiều hơn tới nghệ thuật, tới các vở kịch của anh, những thông điệp mạnh mẽ mà tác phẩm của anh đưa ra. Sẽ không khiên cưỡng khi nói rằng, Lưu Quang Vũ và các vở kịch của anh đã đóng góp một cách riêng, ấn tượng và hiệu quả nhất định vào sự nghiệp đổi mới đất nước ở một giai đoạn khó khăn.

Trong gia tài kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ, số lượng kịch khai thác trực tiếp từ cốt truyện dân gian không nhiều, nhưng hầu hết đó là những vở kịch đạt chất lượng nghệ thuật cao. Người ta nhận thấy ẩn sâu trong nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là tầm vóc của một nhà văn hóa. Cho đến nay, có thể coi Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch thể hiện rõ nhất tinh hoa của Lưu Quang Vũ trong lĩnh vực văn học kịch. Vở kịch này được viết từ năm 1981, nhưng cho đến năm 1984, trong không khí đổi mới và dân chủ, mới được ra mắt công chúng. Ngay khi vừa công diễn, vở kịch đã gây chấn động dư luận, tạo ra một không khí tranh luận sôi nổi trên báo chí, giới sân khấu và dư luận xã hội. Năm 1990, Hồn Trương Ba da hàng thịt tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế lần thứ I tại Liên Xô và được đánh giá là vở diễn xuất sắc nhất. Năm 1985, trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc từ Bắc chí Nam, Lưu Quang Vũ có 8 kịch bản tham dự và tất cả đều đoạt giải, trong đó có 6 vở đoạt huy chương Vàng, hai vở đoạt huy chương Bạc. Đây là một kỷ lục mà đến nay chưa ai có thể vượt qua.

Tất nhiên, không thể nói mọi tìm tòi, sáng tạo của Lưu Quang Vũ đều đạt tới độ toàn bích. Kịch của anh cũng có những hạn chế nhất định. Đó cũng là lẽ thường, không ai thoát khỏi. Tuy nhiên, điều mà chúng ta ghi nhận, cảm ơn và ngưỡng mộ anh, đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sỹ trước cuộc sống, trước những vấn đề lớn lao của đất nước. Đặc biệt là sự trồi lên mạnh mẽ trước hoàn cảnh sống khó khăn, cam go của chính người nghệ sỹ. Lưu Quang Vũ không kêu ca, ta thán. Anh lao vào công việc với sự khổ luyện, sáng tạo, thể nghiệm, bứt phá không ngừng nghỉ. Cho đến nay, những điều ấy như là tấm gương, không quá chói sáng, long lanh, nhưng khi đứng trước, buộc bao người phải suy nghĩ, suy tưởng.

Sau khi Lưu Quang Vũ ra đi, người ta mới thấy rõ khoảng trống mà anh đã để lại trong lĩnh vực sân khấu là rất lớn, rất lâu và rất khó lấp đầy. Với những đóng góp to lớn và xứng đáng cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, gần 10 năm trước, tháng 9/2000, Lưu Quang Vũ được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đây là một phần thưởng cao quý và rất xứng đáng dành cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Và mừng thay, tháng 4/2017, người vợ yêu dấu của Lưu Quang Vũ – Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng được truy tặng giải thưởng cao quý này. Đây là cặp vợ chồng nghệ sỹ đầu tiên của cả nước cùng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị. Trong số những tác phẩm ấy, chắc chắn sẽ có những tác phẩm đã và sẽ vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, trở thành tài sản tinh thần quý giá cho nhiều thế hệ mai sau.

Là một người có viết kịch, làm thơ, làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, cá nhân tôi đã và đang học được rất nhiều điều từ Lưu Quang Vũ và thực lòng, rất kính trọng và biết ơn Anh. Anh ấy, chị Xuân Quỳnh cháu Quỳnh Thơ đã và sẽ sống cùng chúng ta!/.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *