(kontumtv.vn) – Blog, Facebook cũng có thể được xem như những trang báo tư nhân. Mà loại báo này lại có lượng người đọc rất lớn, có thể “phát hành” trên toàn cầu.

PV: Ông Khoa ạ, hiện nay, trong đời sống xã hội, không ít người mong có báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân. Khi chúng ta không có tòa báo và nhà xuất bản tư nhân thì lại nghĩ chúng ta thiếu tự do dân chủ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không phải cứ có báo tư nhân thì có tự do dân chủ và không có báo tư nhân là không tự do dân chủ. Hiện nay, chúng ta vẫn đang cổ phần hóa các cơ quan kinh tế nhà nước. Nếu có báo, hay nhà xuất bản tư nhân thì cũng hợp với quy luật phát triển của xã hội thôi. Chẳng có gì đáng ngại. Nhà nước vẫn “nắm” và “quản lý” bằng pháp luật. Nếu đưa tin sai, sẽ bị “đóng cửa” hoặc phạt rất nặng. Thế thì có gì mà phải băn khoăn.

Ở nước ta không có báo chí và nhà xuất bản tư nhân, nhưng hầu hết các nhà xuất bản hiện nay đều do tư nhân chi phối cả. Ngay cả mỗi người chúng ta cũng đều là một “nhà xuất bản”. Ai viết được cuốn sách nào cũng đều tự in được ngay. Chỉ ba ngày là in xong. Bỏ ra vài triệu đồng đã có cuốn sách. Nhiều cuốn như báo tường, báo liếp mà vẫn xuất bản được ở những nhà xuất bản danh tiếng và sang trọng. Ấy là chưa kể ai cũng có Blog, Facebook. Đó cũng có thể được xem như những trang báo tư nhân. Mà loại báo này lại có lượng người đọc rất lớn, có thể “phát hành” trên toàn cầu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhiều trang mạng rất hay, nhưng cũng không ít trang chỉ là những bãi rác. Nhiều vu vạ, bịa đặt. Tuy nhiên, cũng không nên cấm. Cấm là hạ sách. Vì sẽ tạo nên sự tò mò, càng thu hút người tìm đọc. Chống lại những hành động “đen tối” này, chỉ bằng cách sống cho ngay thẳng. Mình trong sáng như gương thì kẻ nào xuyên tạc được. Mà nếu bị xuyên tạc thì nói lại cho dân rõ. Chúng ta có hàng ngàn tờ báo chính thống (bao gồm cả báo in và báo điện tử, cả địa phương và trung ương), rồi hàng triệu Blog, hàng triệu Facebook. Thế thì có gì mà ngại.

Ngày 15/1/2015 vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai muốn nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin…”. Bàn về mặt trái của của những tin rác, Thủ tướng cũng cho rằng: “Ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, từ đó tạo niềm tin”.

Đúng thế, hãy nói lại cho dân rõ. Người đứng đầu Chính phủ biết rất rõ quy luật phát triển của nhân loại và ông cũng đã đưa ra các giải pháp ứng xử. Ông rất quan tâm đến niềm tin của nhân dân, đánh mất niềm tin thì rất dễ, tạo dựng lại niềm tin đã mất thì khó khăn vô cùng. Và như thế, ngay cả những trang tin rác cũng có yếu tố tích cực, nếu nhìn ở một góc độ nào đó. Nó làm ta phải thận trọng, sống cho ngay thẳng. Vì không có hành vi khuất tất nào có thể che đậy được con mắt của nhân.

Blog, Facebook cũng có thể được xem như những trang báo tư nhân. Mà loại báo này lại có lượng người đọc rất lớn, có thể “phát hành” trên toàn cầu.

PV: Gần đây, xuất hiện một dòng văn học khá mới mẻ. Chính ông cũng đã quan tâm đến sự xuất hiện của nó. Ông gọi là “dòng văn học Blog”. Tác giả của nó là các Blogger. Họ thường viết hàng ngày như những trang nhật ký. Rồi sau đó tập hợp lại thành các cuốn sách. Gần đây lại xuất hiện cuốn sách tập hợp các bài viết trên Blog của anh bạn Joseph Ruelle, người Vancouver, Canada, do ông viết lời giới thiệu. Tôi rất thích bài giới thiệu ấy. Thậm chí còn thích hơn cả các bài blog của Joseph Ruelle. Ông nhại theo cái giọng của “Dâu”- tên anh bạn tự xưng bằng tiếng Việt nên nghe rất vui.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thực ra, viết phê bình, giới thiệu sách hay điểm sách cũng đều rất khó, nếu viết được hay. Viết giới thiệu sách còn khó hơn nữa. Bởi về thể loại, nó là một dạng tiểu luận phê bình, nhưng cũng không đơn thuần là tiểu luận phê bình. Bởi người viết chỉ khen mà không chê. Nói đúng ra là không nỡ chê. Người viết giới thiệu cũng như ông chủ hôn trong một lễ cưới. Không ai lại thật thà và trung thực nói cô dâu sứt môi hay có một cái rốn lồi. Ngày vui của người ta, ai nỡ thế. Khen bao giờ cũng khó hơn chê, nhất là khi cô dâu lại không đẹp.

Với Joe thì khác. Nét đẹp tạo nên sức hấp dẫn trong cuốn sách của anh là khả năng tung hứng tiếng Việt. Joe sử dụng tiếng Việt lọc lõi đến ma quái. Đối tượng của cuốn sách là các bạn đọc “tuổi teen”, nên để giới thiệu cuốn sách này, tôi cũng phải “nhại” cái giọng của Joe, viết theo hơi văn blog của Joe, và cũng như Joe, tôi đã xưng “mình”.

Từ xưa đến nay, đã có không ít những cuốn sách của các nhà văn, nhà thơ, các học giả nước ngoài viết về Việt Nam, rồi trở thành những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Nhưng cuốn sách của Joe lại ở dạng đặc biệt. Trước khi nằm trên tay bạn đọc, nó đã tung hoành trong thế giới ảo. 1,6 triệu bạn đọc người Việt trên toàn cầu đã bị nó bỏ bùa. Anh Nguyễn Thắng Vu và chị Trần Tuyết Minh quyết định “dụ” nó về cho bạn đọc của Kim Đồng.

Anh Vu điện cho mình: “Khoa đọc rồi viết mấy lời giới thiệu nhé!”. Mình hào hứng nhận lời ngay. Mình biết cậu chàng Joe này rồi. Có Tết, cậu chàng tham gia cả một chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi gần đây, mình lại còn thấy cậu chàng trên ti vi. Tóc nâu. Mũi cao. Mắt sâu và sáng. Dáng thư sinh. Nói tóm lại là “đẹp giai”, và nói như cậu chàng là “Tây một cục”. “Tây toàn tính”. Mình tò mò quá. Muốn xem anh chàng Tây toàn tính này “khua khoắng” tiếng Việt ra sao.

Joe Ruelle. Ảnh: Aaron Joel Santos

Nghe Tây nói tiếng Việt vui lắm. Cứ như bước vào cái nhà cười. Mọi “đường nét” của âm thanh đều biến dạng. Tiếng Việt là ngôn ngữ hẻo lánh. Đã thế lại rất oái oăm, bởi nó có đến sáu thanh. Chỉ nhầm một li là đi một dặm. Nghe nói có ông Tây lấy Vợ Việt Nam. Hôm ra mắt bố vợ, anh chàng rể đã tuyên bố rất trịnh trọng: “Xin dói thẹo với cụ, toi là con…dê cụ!”. Cả nhà được một phen tá hỏa. Ông bố vợ kinh hoàng. Mình gả con gái cho người, chứ có gả cho dê đâu. Mà lại là dê cụ. Dê dị dạng. Dê đi bằng hai chân. Khiếp! Sau bình tâm lại, mới thấy trái đất vẫn quanh xung quanh mặt giời. Chỉ tại cái con ma ngôn ngữ nó quẫy lung tung, nên con rể mới thành…con dê. Hãi quá!

Chuyện ấy cũng chẳng biết thật hay bịa. Nhưng chuyện này thì hoàn toàn có thật. Mình nghe trực tiếp nhé. Đó là dịp kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Một nhà sử học được mời đến nói chuyện với sinh viên và các giáo sư về một trận đánh lịch sử, nổi tiếng thế giới. Trong giảng đường có rất nhiều người Việt giỏi ngoại ngữ, nhưng diễn giả chỉ tin người phiên dịch của mình thôi. Anh bạn Tây này nói tiếng Việt cũng khá hoạt. Chỉ tiếc là dấu cứ nhầm lẫn lung tung. Đại tướng thành…đai tướng. Kéo quân thành…kéo quần. Cả hội trường muốn cười mà không dám cười. Muốn cười mà cứ phải mắm môi “nhịn” để thành người lịch sự. Bởi thế, trông mặt ai cũng rất căng thẳng!

Tiếng Việt đúng là một mê hồn trận đối với dân ngoại quốc. Chính vì thế, mình lại đâm ra tò mò. Chỉ thóc mách muốn xem cái cậu Đai tướng có biệt danh Dâu Tây này kéo quần lên, kéo quần xuống ra sao?

Nhưng mà giời ạ! Cứ tưởng sẽ được ngắm một anh ngố, hóa ra lại gặp ngay một gã ma xó vỉa hè. Mà còn quái hơn cả ma xó. Chả thế mà cả cộng đồng mạng cứ nháo nhác lên: “Tôi không tin ông là người Tây. Bịa. Giọng văn lại hơi bị thảo mai”. “Bố khỉ! Mấy giờ rồi mà mọi người lại còn ngồi tin những chuyện vớ vẩn này nhỉ? Chẳng có thằng Tây nào mà lại viết tiếng Việt được như vậy. Mọi người ngây thơ quá. Thằng này Tây rau muống 100%. Sao mọi người không hẹn một ngày gần nhất xem mặt mũi thằng này như thế nào? Tôi mà gặp thằng giả danh này, tôi sẽ…”. Khiếp quá! Mình không dám dẫn hết. Sự nổi giận đáng yêu sặc mùi lục lâm thảo khấu! Nhưng không có chuyện giả danh đâu. Joe đấy. Anh chàng “Tây một cục. Tây toàn tính” đấy !.

Sở dĩ có sự ngạc nhiên đến bàng hoàng ấy cũng vì khả năng sử dụng tiếng Việt của Joe. Ngay cả người Việt, không phải ai cũng giỏi tiếng Việt như Joe đâu. Những tiếng lóng, những ngôn ngữ vỉa hè, tưởng chỉ có thể để ở vỉa hè thôi, nhưng Joe đã biến chúng thành đặc sản. Ngon như nhai kẹo lạc. Joe tung hứng, nhào nặn tiếng Việt điêu luyện như một nhà ảo thuật, và còn hơn thế, Joe như gã phù thủy quái quỷ.

Tiếng Việt qua thao tác phù phép của Joe, luôn sống động, nhuần nhuyễn và biến hóa, mang rất nhiều nghĩa, đưa đến những hiệu quả bất ngờ. Đó chính là bí kíp làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách này. Điều đáng kinh ngạc khi Joe lại là người ngoại quốc. Mặc dù, những chuyện Joe kể, những điều Joe bàn chẳng có gì to tát. Nhưng viết về những cái lặt vặt, những chuyện nhỏ nhặt li ti trong đời sống hàng ngày mà lại hấp dẫn, duyên dáng thì đó lại là một biệt tài riêng của Joe. Bằng con mắt của người ngoại quốc, lại đi nhiều, biết nhiều, Joe phát hiện ra bao nhiêu vẻ đẹp của ta mà do quá quen, ta lại không nhìn thấy. Rồi Joe chiêm ngưỡng chúng bằng con mắt trong veo và đỏng đảnh của lứa tuổi thần tiên 8x, 9x. Cái tuổi nhìn đâu cũng mới mẻ, tươi đẹp và đáng yêu…

Cuốn sách của Joe đã in đến lần thứ 9 rồi. Thế thì văn chương Blog, văn chương Facebook cũng hay lắm chứ. Nó có tội vạ gì đâu…/.

Ngân Hà/VOV.VN (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *