(kontumtv.vn) – Khán thính giả yêu nhạc thường ví nhạc sĩ Thanh Tùng như người đặt nền móng đầu tiên cho nền nhạc nhẹ Việt Nam.

Nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng – một trong những nhạc sĩ tiên phong cho nền nhạc nhẹ Việt Nam đã ra đi ở tuổi 68. Những gì ông để lại là cả một tài sản âm nhạc đồ sộ với những bài hát “xanh” mãi qua nhiều thế hệ, và tình cảm mà công chúng dành cho một con người giản dị, bình tâm và đầy tài năng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang. Ông tốt nghiệp nhạc viện Bình Nhưỡng – Triều Tiên. Năm 1975, nhạc sĩ Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” được nhiều khán giả yêu thích, từ đó bắt đầu viết hơn 200 ca khúc nhạc nhẹ ghi đậm dấu ấn trong lòng khán thính giả. Ca khúc của Thành Tùng gắn bó với tên tuổi của nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay, từ thủa họ mới vào nghề hoặc đang ngồi trên ghế nhà trường như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Ngọc Thúy, Thanh Lam…

nhac si thanh tung – giot nang cuoi ngay da tat hinh 0
Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Vietnamnet.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện chia sẻ: “Trước nay tôi rất thích các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng vì vừa nhẹ nhàng vừa gần gũi với đời sống, nhưng đồng thời vừa có chút lãng mạn. Ví dụ như “Lối cũ ta về”, “Hoa tím ngoài sân”… rất hay, rất đi vào lòng người. Nhạc sĩ Thanh Tùng hoàn toàn chinh phục người ta về tâm tư và tình cảm và bằng nghệ thuật”.

Khán thính giả yêu nhạc thường ví nhạc sĩ Thanh Tùng như người đặt nền móng đầu tiên cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Có lẽ bởi ở những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước, khi nền âm nhạc Việt Nam đang trầm lắng với những bản nhạc, bản phối khí quen thuộc, thì những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng như thổi một luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt Nam. “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Lối cũ ta về”, “Hoa tím ngoài sân”, “Phố biển”, “Giọt sương trên mí mắt”, “Hát với chú ve con”… của ông đều khiến người nghe “sửng sốt” bởi một không khí mới mẻ.

Các ca khúc này đã gắn liền với thời hoàng kim của pop Việt những năm 90, góp phần mở ra thời kì mới cho nhạc nhẹ Việt Nam.  Những lời ca trẻ trung và nữ tính của ông như “Em đâu có biết lúc mặt trời sinh ra/ Mặt trời là nước mắt suốt một đời mẹ cha/ Khi em đã lớn nụ hồng nở trên môi/ Giọt sương trên mi mắt là cuộc tình, cuộc tình đầu tiên…” đã trinh phục biết bao thế hệ khán thính giả yêu nhạc Việt Nam.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình, người tri kỷ của nhạc sĩ Thanh Tùng trên con đường âm nhạc chia sẻ: “Âm nhạc của anh Tùng thì đến giờ này các đơn vị với tầm vóc quốc gia vẫn dựng. Phải nói rằng cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi anh Tùng từ Bình Nhưỡng trở về thì đó là một thổi một luồng gió mới. Cái hay là anh vẫn duy trì cho đến những năm 2000. Và đến bây giờ và trong đến tương lai âm nhạc của anh vẫn không hề cũ với cuộc sống hiện tại vẫn thích hợp”.

Ai yêu nhạc Thanh Tùng, hẳn đều biết mối tình sâu đậm ông dành cho người vợ quá cố của mình. Bởi phần lớn những sáng tác thành danh của nhạc sĩ Thanh Tùng đều có dáng dấp của vợ như: “Một mình”, “Em và tôi”… và mới đây nhất là “Hoa cúc vàng” – ca khúc được viết sau gần 20 năm từ khi vợ ông qua đời. Câu chuyện tình yêu bất tử, sống mãi cùng những nốt nhạc, những câu hát của ông và sẽ còn được ngân nga đến mãi về sau. Chắc chỉ đến khi con người không còn biết yêu, người ta mới thôi nhớ về nhạc của Thanh Tùng, thôi ngân nga “Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, ta lại ngồi bên nhau nghe gió lay cành khế/ Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, anh lại ngồi bên em chờ con nắng ghé qua thềm…”.

Không ngăn được dòng nước mắt khi nhắc đến người anh, người bạn âm nhạc Thanh Tùng, NSND Trần Bình nghẹn ngào nói: “Tôi và rất nhiều người bạn sẽ rất vui vì anh gặp lại được người vợ của mình sau 16 năm tưởng nhớ, yêu thương, trân trọng và giữ gìn. Thì hôm nay anh được gặp lại chị Minh. Điều đó ở Thanh Tùng rất tuyệt vời”.

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng còn được biết đến với vai trò người chỉ huy dàn nhạc tài ba, ông từng chỉ huy dàn nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen…

Năm 2008, nhạc sĩ Thanh Tùng gặp cơn tai biến khiến ông bị liệt nửa người và phải ngồi xe lăn. Những di chứng của bệnh cũng làm vị nhạc sĩ tài hoa ngày một yếu dần. Sự ra đi của ông để lại tiếc thương, cũng như mất mát to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam./.

Ngọc Ngà/VOV-Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *