(kontumtv.vn) – Đưa thêm hiện vật lạ trong đó có sư tử đá kiểu Trung Quốc vào di tích một cách vô lối không chỉ là vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn là sự xoá nhoà bản sắc.

 “Việc này khiến tôi nhớ đến hòn đá lạ trấn yểm ở Đền Hùng đợt trước. Chúng tôi sẽ họp nhân dân để thông báo về sai sót và sẽ sớm di dời đôi sư tử này”, ông  Bạch Ngọc Thụy-thủ từ đình Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội đã đáp lời như vậy sau khi nghe đoàn thanh tra của Bộ VHTT&DL giải thích về Luật Di sản cũng như nguồn gốc của đôi nghê (mà thực chất là đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc) đang đặt trước cổng đình Mộ Lao.

Trong chuyến thanh tra đột xuất của Bộ trong khuôn khổ việc thực hiện công văn 2662 khuyến cáo “Không sử dụng hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mĩ tục nơi di tích, công sở” diễn ra ngày 22/8 vừa qua, các địa điểm thanh tra đều có sư tử đá kiểu Trung Quốc được đưa trái phép vào di tích.

Đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc trước đình Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. (ảnh: Trà Xanh)

Văn hoá là sự tiếp biến. Nhưng chúng ta đang chứng kiến một sự lạ trong đời sống văn hoá, một sự đứt gãy kinh ngạc, một sự nhầm lẫn đáng báo động của một bộ phận lớn trong dân chúng. Đó là việc nhầm lẫn con sư tử đá kiểu Trung Quốc thành con nghê truyền thống của Việt Nam để rồi mang con vật hay được dùng để canh mộ, canh cổng của nước ngoài về “sao y bản chính” rồi đem “trấn yểm” la liệt khắp nơi trong đình chùa, đặt trước cửa nhà mình, doanh nghiệp, công sở… thậm chí còn đặt trên… bệ thờ!

Một nhà sư ở chùa Vân Hồ ngay trung tâm Hà Nội đã khẳng định như đinh đóng cột về đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc “án ngữ” trước cửa chùa rằng đây là con nghê truyền thống Việt Nam, “không thể là con gì khác, nó phải là con nghê”. Nghệ nhân, người thợ ở các làng đá lớn nhỏ trong cả nước và khách hàng của họ cũng đều có chung suy nghĩ như thế. Tôi đã từng thử thuyết phục họ về sự thật mà không thành công.

Tôi cũng từng “mục sở thị” một ngôi chùa trụ sở Phật giáo thành phố và cũng là trường trung cấp Phật học mà có tới 3 cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc trong đó 1 đôi chiễm trệ trên ban thờ thì trách chi các tăng ni phật tử hậu bối lại không nhìn nhận đó như một sự chuẩn mực và cứ thế tiếp tục nhầm lẫn.

Sư tử đá “hắc thạch bạch vân” “ngự” trên lầu mẫu bán thiên. (ảnh: Trà Xanh)

Sư tử đá kiểu Trung Quốc nhiều kích cỡ còn được bày ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, dọc 2 bờ sông Hàn như một niềm tự hào về làng nghề điêu khắc đá quê hương. Đây cũng là mặt hàng đang giữ “kỷ lục” về “nhân bản vô tính” nhiều nhất và bán chạy nhất ở làng đá Non Nước-một trong những làng đá lớn nhất cả nước. Mà làng đá này vừa được công nhận là Di sản Quốc gia (!)

Một ông chủ của một xưởng sản xuất đá mỹ nghệ ở đây từng là chiến sĩ ở Trường Sa. Để kỷ niệm một thời đáng nhớ, ông đã làm một cột mốc bằng đá y hệt như cột mốc ở Trường Sa. Tuy nhiên, dường như để tăng thêm tính uy nghiêm, ông đặt ở hai bên cột mốc đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc mà ông cũng như các thợ đá khác vẫn nghĩ đó là nghê truyền thống!

Còn ở ngoài đảo, Đài tưởng niệm liệt sỹ ở Trường Sa xây chưa xong mà đã “chiễm trệ” hai bên là đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc. Nhà sử học Dương Trung Quốc ra thăm đảo đúng dịp ấy đã tìm hiểu và được biết rằng đây là “quà” của một vị quan chức trong đất liền gửi ra với thành ý hiến tặng. Rất may là ngay sau đó, với sự can thiệp của nhà sử học, cặp sư tử ấy đã được bứng đi.

Ngoài việc chủ yếu là canh lăng mộ, sư tử đá kiểu Trung Quốc cũng có những mẫu được đặt trước cửa nhà để trấn yểm và thị uy. Với nhà riêng và công ty, người dân có thể mang sư tử đá kiểu Trung Quốc trấn trước cửa nhưng điều quan trọng là họ phải biết rõ nguồn gốc và giá trị sử dụng chứ không nên nhầm lẫn đó là con nghê truyền thống Việt Nam và ngỡ rằng mình đang phát huy truyền thống nước nhà.

Sư tử kiểu Trung Quốc được đặt tại trụ sở ngân hàng. (ảnh: Ngữ Thiên)

Cơ quan, trụ sở công quyền thì càng không nên sử dụng những loại sư tử dữ dằn dù đó là mẫu của cả Tây lẫn Trung Quốc vì với hình thái hung dữ, nhe nanh đe doạ như vậy khiến cơ quan nhà nước trở nên xa rời nhân dân.

Còn tại các di tích, việc bệ nguyên những con sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc vào đền chùa – những nơi linh thiêng, lưu giữ giá trị văn hoá, hồn cốt dân tộc là một điều không thể chấp nhận. Không được đưa sư tử ngoại lai vào trong di tích của tổ tiên bởi các di tích không chỉ gắn với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, mà một vấn đề lớn hơn, đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, là văn hóa, là lịch sử, là tâm hồn của tổ tiên chúng ta gửi lại cho mai sau. Hãy nhìn những bức hình sau, sư tử Việt Nam rất đẹp và thường có chữ Vương ở trên trán còn sư tử đá kiểu Trung Quốc thì không có:

Đầu sư tử thời Lý trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử. (ảnh: Trần Hậu Yên Thế)
 Đưa thêm hiện vật lạ vào di tích một cách vô lối không chỉ là vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn là sự xóa nhòa bản sắc, “làm méo mó lịch sử để cho chúng ta và con cháu chúng ta nhìn nhận tổ tiên với một bộ mặt không còn thuần Việt nữa thì như vậy là có tội. Công đức mà vô lối thì đấy là có tội”, như lời khẳng định của giáo sư Trần Lâm Biền.

Người xưa quyết tâm đi theo lối của mình, bản sắc của mình nhờ đó đã giữ được sức mạnh dân tộc cho dù có thời gian dài đất nước bị xâm lăng. Chính bản sắc dân tộc với những gì của chúng ta và những gì ta học tập được nhưng được Việt hóa thì người Việt mới là người Việt. Hay nói theo cách của nhà sử học Dương Trung Quốc: Muốn làm chủ đất nước mình thì phải bảo vệ bản sắc, cái “Tôi” của riêng mình./.

Trà Xanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *