(kontumtv.vn) – TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi tham dự những Lễ hội Xuân lúc ông mới 15-16 tuổi.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học về lễ hội. Những ngày đầu xuân mới 2019, phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ông nhân mùa Lễ hội bắt đầu tưng bừng khắp 3 miền đất nước.

toi dam minh trong le hoi, tam minh trong dong suoi cua nhan van hinh 1
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Ảnh: KT

PV: Lần đầu tiên ông tham gia hoặc được chứng kiến một lễ hội là khi nào, thưa ông? Có phải là thời thơ ấu ở quê nhà? 

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Lần đầu tiên là những năm tôi 15 -16 tuổi. Quê tôi có dân tộc Sán Dìu nên cứ đến 27 tết là người Sán Dìu hát Sọng Cô và tất cả quanh chợ Vĩnh Yên đấy đều hát Sọng Cô. Sao mà yêu thế. Mình thấy người ta tỏ tình, yêu nhau bằng lời ca. Tất cả tình cảm rồi lời diễn xướng ca nó mang gì đó man mác, đằm thắm tình cảm và trừu tượng. Tôi có cảm giác là sau này mình phải nghiên cứu về lĩnh vực này.

toi dam minh trong le hoi, tam minh trong dong suoi cua nhan van hinh 2
TS Trần Hữu Sơn

PV: Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội Việt Nam. Theo ông, những yếu tố nào làm nên lễ hội ở Việt Nam?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Có 2 yếu tố làm nên lễ hội truyền thống ở Việt Nam. Đó là sức mạnh của cộng đồng tạo nên lễ hội và cái thiêng, sự lan tỏa của lễ hội. Thiêng đây không phải là mê tín mà là cảm giác về tâm lý đặc biệt.

PV: Những đặc trưng của lễ hội mùa xuân ở Việt Nam là gì, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Lễ hội mùa Xuân ở Việt Nam là lễ hội mở đầu cho 1 năm mới nên những gì ta mong chờ, háo hức đều gửi gắm vào lễ hội. Người Mông muốn lễ hội cầu cho con cái khỏe mạnh và được mùa thì người ta tổ chức hội Gầu Tào.

Người Giáy tổ chức Móng Bạc thì người ta cũng mong mỏi năm đó cho thu hoạch mùa màng tốt nhất. Người Kinh hay Chăm, Khmer khi tổ chức lễ hội cũng đều mong 1 năm mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh.

PV: Thưa ông Trần Hữu Sơn, trong suốt cuộc đời nghiên cứu văn hóa dân gian của mình, ông đã có mặt ở bao nhiêu lễ hội? Cảm xúc của ông khi tham gia lễ hội có giống nhau không?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Thật là khó để nói cảm xúc. Có lễ hội Gầu Tào tôi đã dự hơn 10 lần, Sọng Cô cũng 5, 6 lần, lễ hội Cấp Sắc của người Dao cũng 15 lần, Gióng Bọc của người Giáy, Xuống đồng của người Tày cũng chục lần. Tôi khám phá được nhiều điều hay của lễ hội, đắm mình trong lễ hội, tắm mình trong dòng suối của nhân văn.

PV: Tôi có thể thấy được cảm xúc của ông khi hồi tưởng những lễ hội mà ông đã tham gia. Tôi hiểu rằng, với bất cứ ai, dù đã bao nhiêu lần tham dự thì cứ khi hội xuân đã mở là chúng ta sẽ cùng vui, cùng tận hưởng, cùng hết mình với không gian và thời gian của lễ hội.

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: 
Đúng vậy. Tôi và nhiều người đã luôn luôn như thế khi có mặt ở những lễ hội mùa xuân. Cứ mùa Xuân đến là mình cần phải đi đến vùng cao hòa mình vào lễ hội. Trong suốt tháng 2 là dày kín lễ hội. Khi đi lễ hội là người ta trải tấm lòng, cảm thấy mới và như sắp khám phá ra vấn đề gì đó và cảm thấy như được về với quê hương, về với cộng đồng và được sống trong bầu không khí nhân văn.

PV: Việt Nam có gần 8 nghìn lễ hội lớn nhỏ. Ông có thể giới thiệu thêm vẻ đẹp của các lễ hội ở Việt Nam?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Đến hội Lim sẽ thấy văn hóa của vùng quê Kinh Bắc hiện ra như nào. Quan trọng là hội Lim phản ánh mối quan hệ giữa liền anh liền chị, giữa cách ứng xử của nghệ nhân những người nghệ sỹ của làng quê với người nghệ sỹ với nhau, đồng thời chúng ta cũng thấy được những ứng xử của người Kinh Bắc với du khách về dự. Đến với hội chùa Hương, sẽ thấy mênh mông đất trời. Chúng ta đi trên những con thuyền, đi vào động tiên rồi leo núi, sơn thủy hữu tình. Khi leo núi, đi trên mỗi bậc thang, mọi người đều nhẩm A di đà Phật, nhưng kỳ thực niềm vui, niềm phấn chấn, chân có mổi nhưng mỗi người đểu cố gắng đến với đất Phật và cố gắng cầu khấn, đưa niềm mong ước của mình trở thành hiện thực.

PV: Tại sao các lễ hội mùa xuân lại có được vẻ đẹp đó, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Mùa xuân là mùa của đổi mới. Không khí đầu năm khiến cho mọi người đều ước mơ cái mới, ước mơ những điều hay nhất, đẹp nhất và tránh đi những điều rủi ro. Vì thế mọi người đi hội xuân đều phơi phới trong lòng, dù có vất vả nhưng mọi người đều vui.

PV: Chắc hẳn những lễ hội này có nhiều giá trị trong đời sống tinh thần của cộng đồng người dân Việt?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Đúng vậy. Mọi người đến với các lễ hội xuân với tinh thần cộng cảm, như trở về nguồn. Hội xuân cũng có giá trị cố kết  mọi người, hòa vào cộng đồng – tất cả là người Việt và ta trở về quê hương của người Việt.

PV: Với những nghiên cứu về lễ hội của mình, chắc chắn các lễ hội mùa xuân mang đầy đủ bản sắc văn hóa Việt Nam. Phải như vậy không, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Hội xuân mang bản sắc văn hóa Việt Nam thể hiện trước hết ở giá trị lễ hội. Đó là giá trị lịch sử, nhiều lễ hội mang tính lịch sử. Ta như được tắm mình trong vùng trời lịch sử.

Ở đây là thờ những vị anh hùng dân tộc, thờ những người có công với đất nước, thờ cả những người Mẹ, những người anh hùng sáng tạo ra cây lúa, những người bảo vệ non sông đất nước.

Vì thế, chúng ta được ngập tràn trong tình yêu thương của quê hương đất nước. Thứ hai là về với lễ hội, nhất là lễ hội làng nghề, chúng ta thấy được sự sáng tạo của cha ông sẽ vĩ đại như thế nào và chúng ta tưởng tượng ra những sáng tạo đó như được trở lại đây, đưa vào mùa xuân này và thổi một làn gió mới trong mùa xuân.

PV: Các lễ hội mang thông điệp gì trong bối cảnh Việt Nam hội nhập toàn cầu, thưa ông?

Tiến sỹ Trần Hữu Sơn: Càng hiểu được những giá trị của lễ hội, càng thấy đúng như UNESCO đã tuyên bố, đó là phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa mà ở nước ta một đất nước 54 dân tộc – đó là sự đa dạng văn hóa vô cùng quý hiếm. Chúng ta hãy phát huy sự đa dạng văn hóa đó trở thành nguồn lực để sự đa dạng đó không chỉ có giá trị về mặt tinh thần mà còn trở thành một điều tạo điều kiện phát triển du lịch.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ Trần Hữu Sơn với những câu chuyện đầy cảm xúc về lễ hội mùa xuân ở Việt Nam./.

Thu Hoa-Hồng Vân/VOV5

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *