(kontumtv.vn) – Chuyện xếp hàng là thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng ở nước ta, cảnh chen lấn, xô đẩy nhau vẫn phổ biến ở nhiều nơi, nhiều chỗ.

Xếp hàng là một việc làm rất bình thường mà mỗi chúng ta đều có thể bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, trong rất nhiều sự kiện được tổ chức, câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản này lại trở thành việc khó đối với nhiều người.

Chuyện xếp hàng, chờ đến lượt là thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng ở nước ta, bên cạnh những người có ý thức xếp hàng thì cảnh chen lấn, xô đẩy nhau vẫn phổ biến ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Đó là hình ảnh xấu xí trong con mắt bạn bè quốc tế khi đến nước ta và với những người có ý thức, đó là hành vi kém văn minh, đáng xấu hổ. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với nhà báo Phong Điệp, báo Nhân dân về vấn đề này.

van hoa xep hang: xin dung coi nhe hinh 1

Nhà báo Phong Điệp (phải)

PV: Thưa nhà báo Phong Điệp, chắc chị đã từng nhìn thấy hoặc rơi vào tình huống bị chen lấn xô đẩy ?

Nhà báo Phong Điệp: Thực sự trong đời sống hàng ngày, sự nhường nhịn dường như đang rất thiếu vắng. Và không chỉ lễ hội, mà trong mọi sinh hoạt hàng ngày tôi tham gia, ví dụ như xếp hàng mua đồ, thanh toán tiền ở siêu thị, mua vé xem phim, tham gia những chương trình biểu diễn nghệ thuật… Những hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn xếp hàng theo trình tự đều có những sự đảo lộn nhất định. Điều đó dẫn đến việc rối loạn khiến cho mình bức xúc.

Đơn giản như đứng đèn đỏ thôi, cũng bị còi bấm đằng sau liên tục, giục mình phải đi để người đằng sau còn đi. Vô tình mình cũng bị đẩy vào tình huống mặc dù không muốn những bị sự thiếu nhường nhịn, sự rối loạn trong cộng đồng như thế làm cho trật tự xã hội bị đảo lộn.

PV: Bản thân tôi chứng kiến khá nhiều tình huống như vậy và những lúc như thế tôi cảm thấy rất chán nản. Nhiều người chỉ vì chút lợi ích nhỏ, tiết kiệm vài phút chờ đợi thôi, sẵn sàng chen lấn, xô đẩy không ngại ngùng.

Nhà báo Phong Điệp: Tôi thấy bức xúc. Trong những đám đông như thế, chúng ta dễ dàng thấy, có cả già, cả trẻ, cả nam, cả nữ… những người giành cho mình ưu thế để lên trước thường là thanh niên, thường là những người có sức khỏe hơn người khác. Họ đẩy bật trẻ con, người già ra. Điều đó cho thấy, rõ ràng việc tôn kính người già, yêu thương, nhường nhịn trẻ nhỏ không được tuân thủ trong trật tự xã hội này. Tôi thấy vô cùng bức xúc.

van hoa xep hang: xin dung coi nhe hinh 2

PV: Chị nghĩ thế nào khi một số người bao biện cho hành động của mình và cho rằng, đó là chuyện hết sức bình thường, chẳng có gì to tát cả. Người ta luôn luôn suy nghĩ rằng, người khác chen được thì mình cũng chen được, tội gì mình không chen. Không ai xếp hàng mà mình xếp thì chẳng hóa ra kỳ quặc sao?

Nhà báo Phong Điệp: Tôi cũng đã từng nghe những lời bao biện như thế. Và những người làm sai thì luôn có muôn vàn lý do để bao biện. Nhưng hãy thử bình tĩnh nhìn lại. Nếu như tất cả mọi người cùng vội, cùng muốn chen lấn, thì những trật tự nhỏ nhất trong việc xếp hàng mua hàng bị rối loạn, đến những vấn đề lớn hơn trong trật tự xã hội khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, bị tác động, dẫn đến việc mất kiểm soát.

Ở đây không chỉ là việc mất kiên nhẫn, không nhường nhịn nhau nữa, mà ở đây cho thấy sự ích kỷ của mỗi cá nhân trong tham gia hoạt động tập thể của xã hội. Cái tôi quá lớn, sự ích kỷ của từng người quá lớn. Tôi phải được ưu tiên, tôi phải là người đi trước, phải hơn mọi người. Cái ích kỷ cá nhân ấy đang làm tổn thương người khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Điều này nếu diễn ra ngày càng phổ biến thì đấy là nguy cơ lớn đến xã hội.

Tôi đã từng gặp những tình huống, thậm chí đi đám ma, là nơi cần giữ trật tự. Nhưng có những đám ma, có những đoàn đến muốn được nhanh cũng cố chen bằng được. Hay đi thăm người ốm, đáng lẽ môi trường trong bệnh viện cần sự yên tĩnh, cũng có những đoàn người nhốn nháo, muốn vào thăm nhanh để còn về giải quyết việc của mình. Trong khi người ốm nằm đấy cần được nghỉ ngơi, tôn trọng hơn hết. Rõ ràng cái mất trật tự ổn định, sự bon chen nhau trong những việc cần giữ trật tự không được đảm bảo trong đời sống của chúng ta.

PV: Những người hấp tấp cần nhận được bài học nhớ đời, thưa chị?

Nhà báo Phong Điệp: Tôi thấy rằng, ở đây không những cần những bài học nhớ đời, mà cần phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía cộng đồng để những hành vi đấy được ngăn chặn. Chứ còn tự bản thân họ nhận ra thì tôi nghĩ rằng rất khó. Họ sẽ lại tiếp tục bao biện, rằng tôi có người bị ốm, tôi có việc gấp…

Nhưng khi mà cả cộng đồng cùng lên tiếng phản đối chuyện này sẽ tác động tới người gây ra hành vi sai trái đó.

PV: Trước đây, đất nước ta còn khó khăn, có lúc ý thức xếp hàng được thực hiện khá tốt. Bây giờ điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng ý thức xếp hàng của một số người lại không được tốt như trước. Chị đánh giá như thế nào?

Nhà báo Phong Điệp: Rõ ràng thời chiến tranh, hay gần chúng ta hơn là thời bao cấp, chúng ta có thể thấy rằng, việc xếp hàng đương nhiên có trong đời sống. Nếu ai đã từng qua thời bao cấp, có thể thấy khi mua thực phẩm, xếp hàng lấy nước là việc hết sức bình thường. Mọi người vẫn chờ đợi tuần tự như thế, không ai vội vàng, không ai cáu gắt. Thế nhưng tại sao đến bây giờ, khi đời sống kinh tế khá lên, khi điều kiện học hành tốt hơn, việc xếp hàng lại trở nên khó khăn đến thế? Đây là câu hỏi nhức nhối, đòi hỏi tất cả mọi người trong xã hội phải tự đặt mình vào trong câu hỏi đấy và tự trả lời. Chúng ta phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi đấy.

PV: Một đồng nghiệp đã kể cho tôi nghe rằng, có vị quan chức khi được cử đi công tác nước ngoài, hoặc một số người dân đi du lịch nước ngoài không xếp hàng. Kết quả, họ đã nhận được những ánh mắt khó chịu, thậm chí coi thường của người dân địa phương. Có những trường hợp bị từ chối phục vụ vì đến sau nhưng lại cố tình chen lên trước. Cá nhân tôi nghĩ rằng, đây không còn là chuyện nhỏ nữa?

Nhà báo Phong Điệp: Chính xác là như thế. Có những người khi ra nước ngoài nghĩ rằng, ở một đất nước xa lạ sẽ chẳng ai biết mình cả. Mình không xếp hàng, chen lấn xô đẩy, mình có to tiếng một chút cũng chẳng sao. Họ không nghĩ đến việc, khi đến một đất nước khác, họ mang quốc tịch trên vai, khi đó, hành xử của họ mang trọng trách với quốc gia. Khi một người Việt ra nước ngoài, có thể coi là đại diện của quốc gia đấy. Lúc đấy, sự xấu hổ không mang tính cá nhân nữa, mà mang tính quốc gia rồi. Nếu tự mỗi người không ý thức về điều đấy, thì đó cũng là hành vi tự bôi xấu mình, bôi xấu quốc gia.

van hoa xep hang: xin dung coi nhe hinh 3
Dòng người xếp hàng ở bảo tàng Louvre. Ảnh: TTXVN.

PV: Có người nói với tôi rằng, việc không xếp hàng, chen lấn xô đẩy ở đâu chẳng có, ngay cả ở những nước phương Tây thỉnh thoảng cũng có đấy thôi. Chị nghĩ gì về điều này?

Nhà báo Phong Điệp: Tôi đã từng đi một số nước và cảm thấy ngạc nhiên khi đến bảo tàng Louvre (Pháp), dòng người xếp hàng dài cả km, để mua được vé vào bảo tàng có thể mất nửa ngày, thậm chí một ngày. Nhưng họ vẫn rất bình tĩnh, từ tốn, không ai nôn nóng, không ai xô đẩy cả. Việc thỉnh thoảng ở nước ngoài cũng xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, nhưng rất ít và bị cộng đồng lên tiếng rất mạnh mẽ. Nó có thể manh nha xuất hiện ở nơi này, nơi khác, chẳng hạn như những đợt giảm giá Black Friday, có thể có chuyện chen lấn xô đẩy để mua được món hàng hời. Nhưng sau đấy, khi mạng xã hội, khi báo chí truyền thông lên tiếng, bản thân những người có hành vi như thế tự điều chỉnh mình. Và xã hội khi phản ứng về chuyện đó, những hành vi tương tự sẽ được ngăn chặn.

PV: Việc xếp hàng nghĩa là chúng ta không chỉ tự tôn trọng mình, tôn trọng những người xung quanh mà còn là tôn trọng pháp luật nữa. Chị nghĩ sao?

Nhà báo Phong Điệp: Tôi hoàn toàn đồng ý. Xếp hàng không phải là hành xử mang tính cá nhân nữa. Khi tham gia một hoạt động của cộng đồng, tức là tham gia hoạt động của xã hội. Khi tham gia hoạt động của xã hội, phải tôn trọng trật tự xã hội. Khi gây ra những xáo trộn, gây ra những bất ổn, thì có nguy cơ gây rối trật tự xã hội. Tùy từng mức độ có thể bị xử lý về mặt pháp luật.

PV: Chẳng ở đâu xa, ngay cả những quốc gia rất gần như chúng ta, tôi đã chứng kiến người dân tham gia vào các sự kiện thu hút đông người, đã xếp hàng rất văn minh, mặc dù chẳng có nội quy nào yêu cầu họ phải làm như thế. Họ cũng không cảm thấy khó chịu khi làm những việc đó. Cá nhân tôi nghĩ họ đã được giáo dục về việc xếp hàng ngay từ nhỏ. Quan trọng hơn là ý thức tôn trọng người khác ở nơi công cộng.

Nhà báo Phong Điệp: Những chia sẻ của anh khiến tôi nhớ về trận động đất kinh hoàng năm 2011 ở Nhật Bản. Hầu như cả thành phố bị phá hủy, khi người dân không còn thực phẩm để ăn, họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ được cứu trợ. Thay vì chen lấn nhau để giành giật, lúc ấy là sống còn, mọi người vẫn kiên nhẫn đứng theo trật tự và đợi đến lượt mình. Hành xử ấy cần phải thấm vào máu của từng người, cần phải được giáo dục cho trẻ con, cho đến cả người lớn. Thường xuyên giáo dục trong cộng đồng.

PV: Điều tôi muốn nói ở đây là Việt Nam cũng gần các quốc gia đấy nhưng tại sao văn hóa xếp hàng kém hơn các nước xung quanh?

Nhà báo Phong Điệp: Xã hội chúng ta đang có một số người, sự ích kỷ cá nhân quá mạnh. Họ cho phép mình khi ra ngoài xã hội được hành xử theo nhu cầu, theo mục đích, nguyện vọng của mình mà bất chấp trật tự xã hội khác, cũng như không quan tâm thái độ mọi người nhìn mình thế nào. Ở đây nếu cái cá nhân vượt qua tiêu chuẩn cộng đồng thì cần phải lên án gay gắt.

PV: Theo chị, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải làm những gì?

Nhà báo Phong Điệp: Rõ ràng trong thực tế, chúng ta khó chịu nhưng toàn thôi tặc lưỡi cho qua. Chính thái độ nhẫn nhịn đang dung túng cho những hành vi sai trái lấn lướt. Để ngăn chặn việc này, đầu tiên phải tăng cường giáo dục từ khi còn nhỏ. Thứ 2, trong cộng đồng, những đơn vị cung cấp dịch vụ có quyền khước từ với những người đó. Tôi còn mong muốn thái độ của cộng đồng với những hành vi sai trái phải lên án mạnh mẽ hơn. Khi cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ thì những cá nhân sẽ phải tuân theo trật tự chung.

PV: Nói đi thì phải nói lại, tôi thấy nhiều sự kiện gần đây, việc xếp hàng cũng được người dân thực hiện khá tốt. Ở đó không còn hình ảnh chen lấn xô đẩy hay giành giật nhau nữa. Đó là những hình ảnh đẹp mà chúng ta phải phát huy nhiều hơn nữa trong xã hội.

Nhà báo Phong Điệp: Đúng là những đối tượng dành cho mình quyền ưu tiên bất chấp ứng xử theo trật tự của cộng đồng chỉ mang tính thiểu số. Chúng ta vẫn có quyền lạc quan rằng trong xã hội của chúng ta vẫn có nhiều người tuân thủ pháp luật. Khi tham gia các hoạt động xã hội thì họ vẫn giữ trật tự. Đó là tín hiệu chúng ta cảm thấy phấn khởi . Bên cạnh đó, như tôi đã nhấn mạnh, việc cả cộng đồng cùng lên tiếng đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái thì những cái thiểu số sẽ bị dẹp bỏ.

PV: Quan điểm của chị thế nào nếu chúng ta muốn dứt điểm sự thiếu văn hóa trong việc xếp hàng?

Nhà báo Phong Điệp: Tôi nghĩ phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ. Ở mức độ gây nguy hiểm cho cộng đồng có thể phải xử lý về mặt pháp luật. Còn lại ở mức độ nhẹ thì có thể nêu danh tính phê phán trước cộng đồng, thái độ trước cộng đồng, ngừng cung cấp dịch vụ. Những biện pháp mạnh tay mang tính chất răn đe, để những hành vi tương tự như thế sẽ không còn xảy ra nữa./.

Đình Châu/VOV2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *