(kontumtv.vn) – Theo tinh thần cơ bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng ta sinh ra có nghĩa vụ phải tổ chức sự phát triển kinh tế và văn hóa.

Nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 45 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty InvestConsult Group, về những giá trị mà Di chúc của Người để lại cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước nói chung, với doanh nghiệp nói riêng.

 Đảng là công cụ chính trị cơ bản để tổ chức ra mọi thắng lợi chính trị

PV: Là người có nhiều nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, ông có bình luận gì về thông điệp mà Hồ Chủ tịch để lại trong Di chúc:“Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Nói tới Di chúc của Bác Hồ, về mặt chính trị, đây là một văn bản hết sức khúc triết. Những đối tượng được Hồ Chủ tịch nhắc đến trong Di chúc rất quan trọng. Trong đoạn văn này có nói đến hai đối tượng. Thứ nhất là “Đảng”. Người khẳng định rằng, Đảng phải có trách nhiệm đưa ra kế hoạch để làm gì đó và cho ai đó. Khi nghiên cứu đoạn văn này với tư cách là một bộ phận của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy rằng Người vẫn luôn xem Đảng là công cụ chính trị cơ bản để tổ chức ra mọi thắng lợi chính trị.

Đối tượng thứ hai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong đoạn văn này là “Nhân dân”. Đảng là công cụ để làm những việc cho nhân dân. Logic này có lẽ một thời kỳ rất dài chúng ta thuộc nó nhưng không để ý cấu trúc chính trị, cấu trúc triết học của nó là Đảng và Nhân dân.

Người nói cần phải có kế hoạch để phát triển kinh tế và văn hóa cho nhân dân. Kinh tế và văn hóa là hai mặt của đời sống con người. Kinh tế để nâng cao đời sống vật chất còn văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của con người. Mấy chục năm nay Việt Nam ta dường như chịu áp lực quốc tế về việc cần phải thảo luận về vấn đề quyền con người. Nhưng từ năm 1969, trước khi mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến vấn đề quyền con người. Quyền ăn và quyền hát của con người đều được Bác nhắc đến. Đảng có trách nhiệm tổ chức phát triển kinh tế, phát triển văn hóa để lo cho quyền ăn và quyền hát của nhân dân.

Ông Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty InvestConsult Group

PV: Thưa ông, thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc vừa nêu trên, có thể hiểu Bác đã chú trọng nhắc nhở phải song hành phát triển kinh tế và văn hóa. Theo quan sát của ông, từ khi đổi mới đến nay, đất nước ta thực hiện lời dặn này như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta phát triển kinh tế và văn hóa bằng những sức chú ý chính trị khác nhau và đôi khi không xử lý được mâu thuẫn giữa hai khái niệm này. Chúng ta tưởng rằng phát triển kinh tế thì ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển văn hóa mà quên mất rằng phát triển kinh tế trong những điều kiện con người cụ thể là phải phát triển cả văn hóa trong những điều kiện văn hóa cụ thể. Đây là hai mục tiêu chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nó không mâu thuẫn.

Phát triển kinh tế sai thì có thể mâu thuẫn với phát triển văn hóa, phát triển văn hóa sai thì có thể mâu thuẫn với phát triển kinh tế chứ hai khái niệm này không mâu thuẫn với nhau. Hai khái niệm này được kết hợp trong tư tưởng Hồ Chí Minh như một biện pháp, như một phương tiện để những người cộng sản giải quyết vấn đề đời sống của người dân.

Gần đây một số đồng chí lãnh đạo của chúng ta nói đến những khái niệm về phương pháp biện chứng. Qua những văn kiện cụ thể chúng ta thấy rằng phép biện chứng là một phương pháp triết học hoàn toàn tự nhiên trong sinh hoạt tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mấy chục năm từ ngày Đổi mới đất nước đến nay, chúng ta làm được rất nhiều việc về kinh tế. Có việc sai và có những việc đúng, nhưng phải thấy rằng, quyết định chính trị về việc làm như vậy căn bản là đúng thì mới có được sự tăng trưởng, mới có sự thay đổi khuôn mặt kinh tế của đất nước. Đó là điều đáng biểu dương. Tất nhiên, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm kết hợp sự phát triển văn hóa với kinh tế, cho nên chúng ta cũng có khuyết điểm làm cho nhiều người lệch lạc hơn, méo mó hơn và thoái hóa hơn về phương diện tinh thần. Điều đó dẫn đến hiện tượng phải có Nghị quyết Trung ương 4 nói về sự suy thoái, sự méo mó và sa đọa về đạo đức và tinh thần làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lời di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, cần được hiểu và thực hành như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta đã và đang thực hành nó. Chúng ta có một số kế sách, Nghị quyết thể hiện ý chí thực hành những mục tiêu này của Đảng. Tôi nghĩ không có điều gì phải băn khoăn về mặt nguyên lý. Tuy nhiên, có hai việc chúng ta buộc phải tính, đó là làm với tốc độ như thế nào, có nên làm nhanh nữa không. Phát triển càng nhanh thì khoảng cách giàu nghèo càng rộng ra, và nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức, tư tưởng và vấn đề xã hội. Vì thế toàn bộ giá trị của kế sách nằm ở chỗ là tìm một tốc độ phù hợp để phát triển được mà không phải trả giá đắt, để không rơi vào tình trạng thoái hóa và biến chất.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là chúng ta đi tìm sự yên ổn mà không phát triển. Theo tinh thần cơ bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng ta sinh ra có nghĩa vụ phải tổ chức sự phát triển kinh tế và văn hóa. Hơn nữa, phải tìm cách khắc phục những khuyết tật vốn có của sự phát triển để chúng ta không phải trả giá đắt. Trong Di chúc của Hồ Chủ Tịch có đoạn: Đảng ta “phải có kế hoạch”, “phải tổ chức”, có nghĩa là kế sách như thế nào để được việc này mà không hỏng việc kia, đó là trí tuệ và niềm tự hào của ban lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Bộ chính trị và Tổng Bí thư.

Người lao động không được hưởng lợi từ sự phát triển thì lãnh đạo doanh nghiệp vô đạo đức

PV: Là nhà sáng lập và lãnh đạo công ty InvestConsult Group, chuyên tư vấn về đầu tư kinh doanh được thành lập từ ngay sau khi Việt Nam ban hành chính sách “ Đổi mới” đến nay, theo ông, Di chúc của Bác Hồ gợi cho ông bài học gì trong quản lý, điều hành công ty trước đây, hiện tại và định hướng sau này?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Nguyên lý đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tôi thuộc ngay từ đầu. Công ty của tôi luôn luôn xem việc phát triển đời sống của cán bộ, của con người trong cơ sở của mình như một tiêu chuẩn đạo đức. Thu nhập của cán bộ không được thấp quá, đời sống cán bộ không được tệ hại quá, hay nói cách khác, cần phải có một đời sống tốt.

Phát triển kinh tế đất nước cũng như phát triển các doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp là công cụ phát triển kinh tế của xã hội. Những người phục vụ doanh nghiệp mà không phải là những người được hưởng lợi đầu tiên từ sự phát triển kinh tế thì lãnh đạo doanh nghiệp là vô đạo đức.

Trước hết, người lao động phải được hưởng lợi tức của sự phát triển, nhưng sự phát triển không phải chỉ thuần túy kinh tế. Phải làm thế nào để duy trì tốt đời sống tinh thần của các cán bộ, trí tuệ cán bộ, để nếu họ chuyển công tác đến chỗ khác thì họ có đủ năng lực để thỏa mãn xã hội, và tìm kiếm được một tương lai khác bên ngoài tổ chức của mình. Song song với việc tạo ra đời sống kinh tế, tạo ra đời sống tinh thần phù hợp với yêu cầu của công ty, chúng tôi cũng cố gắng để cho anh em có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật khác để anh em không bị lạc hậu, do đó anh em có năng lực tiếp cận với những cơ hội khác ở bên ngoài công ty của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Xuân Thân – Thu Thủy/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *