(kontumtv.vn) – Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, là “Quốc bảo của Việt Nam”. Nhờ việc trồng, phát triển loại cây này, nhiều bà con Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei đã thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Anh A Noi sinh ra trong gia đình nghèo ở thôn Sa Múc, xã Ngọc Linh. Khi lấy vợ và tách hộ, anh đặt quyết tâm phải thoát nghèo. Bắt đầu từ con số 0, năm 2017 anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để mua cây giống Sâm Ngọc Linh. Qua tích góp, đầu tư từng năm, hiện vườn sâm của gia đình có 400 gốc từ 1-7 năm tuổi. 2 năm gần đây, gia đình thu từ 50-70 triệu đồng/năm nhờ việc bán lá và củ. Phấn khởi nên anh ươm thêm hơn 500 cây sâm giống, dự kiến trồng trong mùa mưa năm nay. Anh A Noi cho hay: “Trong quá trình trồng sâm, thấy giá trị của sâm giá trị rất là cao nên gia đình có động lực để làm, từ khi trồng sâm gia đình đã có kinh tế vững vàng hơn. Sắp tới, sẽ nhân rộng thêm các cây con để gia đình phát triển thêm kinh tế.”
Thời gian rảnh, chị Y Hiếc ở thôn Sa Múc, xã Ngọc Linh đều lên trông coi, chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh. Để có được 5.000 gốc sâm từ 1-10 năm tuổi như bây giờ là cả một quá trình dài gia đình tìm sâm tự nhiên và ươm giống. Sâm Ngọc Linh giúp gia đình chị nâng cao đời sống, con cái được học hành. Năm 2023, chị thu về trên 200 triệu đồng từ việc bán sâm. Mỗi khi giới thiệu sâm cho khách, chị cân nhắc thật kỹ, không bán ồ ạt, không bán cây nhỏ để bảo tồn sâm.
Xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei thuộc khu vực núi Ngọc Linh nên có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sâm Ngọc Linh. Đến nay, khoảng 90% hộ trên địa bàn xã đã tham gia trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Diện tích lũy kế đạt trên 23 ha, bước đầu đã cho thu hoạch. Với giá trị từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/kg củ tươi, sâm Ngọc Linh mang lại nguồn thu nhập cao cho một số hộ dân. Nhờ việc trồng sâm, cùng với các nguồn hỗ trợ khác của nhà nước, diện mạo của xã vùng sâu Ngọc Linh hôm nay có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% vào năm 2021 xuống còn khoảng 30% năm 2024. Đặc biệt, bà con ngày càng yêu quý rừng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Ông A Hiêng – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: “Chúng tôi cũng đánh giá, cây sâm Ngọc Linh là một trong những cây loại cây giúp cho bà con phát triển kinh tế một cách bền vững nhất trong tương lai. Từ những việc trồng cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng thì đời sống của bà con đã chuyển biến rõ rệt, hằng năm hộ nghèo giảm, từ thu nhập từ cây sâm Ngọc linh và sâm dây trên địa bàn.”
Hành trình của cây sâm Ngọc Linh từ cây “thuốc giấu”của người Xơ Đăng trở thành “Quốc bảo” vốn không dễ dàng. Bởi thực tế, việc trồng sâm với bà con còn nhiều hạn chế, rủi ro như vốn đầu tư cao; cây bị sâu, bệnh; mặt khác, cây trồng trên núi cao nên việc quản lý, bảo vệ rất vất vả, khó khăn… Anh A Noi bày tỏ: “Rủi ro thường gặp là cây bị thối củ, vàng lá, có năm được,có năm mất, cũng mong Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện các nguồn vốn vay ưu đãi cho toàn thể bà con trên địa bàn xã, cũng mong muốn có hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh.”
Ông A Hiêng – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh nói thêm: “Để bảo vệ tốt nguồn giống cây sâm Ngọc Linh này chúng tôi đã cho các thôn tự thành lập tổ để vừa phát triển, tự quản lý, bảo vệ tránh trộm cắp trên địa bàn. Xã cũng đã tuyên truyền cho bà con vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh, Ngân hàng chính sách xã hội có nguồn cho vay để trồng sâm Ngọc Linh cũng như các loại dược liệu khác.”
Việc lựa chọn cây Sâm Ngọc Linh làm cây “thoát nghèo” là hướng đi đúng đắn của địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao đời sống cho bà con DTTS, tiến tới mục tiêu đưa Đăk Glei trở thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của tỉnh./.
Cát Tiên – Công Luận