(kontumtv.vn)  – Bộ Công Thương đã công bố kết luận minh oan Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) không bán hàng giả, hàng lậu.

Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa thể khép lại khi vẫn còn đó sự lo lắng: Môi trường kinh doanh sẽ bị méo mó, doanh nghiệp sẽ ca thán khi bị cán bộ công chức hành xử không theo quy định pháp luật, lạm quyền,…

“No đòn” vì… bão thông tin

Năm 2016, một loạt cán bộ công an, viện kiểm sát nhân huyện Bình Chánh, TPHCM bị kỷ luật, cách chức vì liên quan tới việc hình sự hóa vụ việc quán cà phê Xin Chào; rồi vụ việc oan sai nước mắm truyền thống cũng khiến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, nhiều cơ quan báo chí bị xử phạt.

Sau hai vụ việc trên, những tưởng lực lượng chức năng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ hết sức cẩn trọng khi thực thi công vụ. Song mới đây dư luận lại tiếp tục bị sửng sốt: Khi chỉ qua đợt kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường (QLTT), Con Cưng – một doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra”, bỗng dưng lâm vào thế nguy khó. Trước đó, Con Cưng được biết tới là một doanh nghiệp sở hữu khoảng 330 cửa hàng trên toàn quốc, chuyên kinh doanh các sản phẩm dành riêng cho trẻ em.

bai hoc dat gia sau vu con cung hinh 1
Công ty cổ phần Con Cưng được minh oan không bán hàng giả, hàng lậu.

Sự việc bắt đầu khi một khách hàng của Con Cưng phản ánh, một  sản phẩm thời trang mà khách hàng mua của Con Cưng có dấu hiệu bị thay nhãn mác, từ đó đặt vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Con Cưng đã xin lỗi vì sự cố kỹ thuật của sản phẩm và cảm ơn khách hàng, nhưng khách không đồng ý mà phản ánh vụ việc đến Cục QLTT và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.

Cùng lúc đó, thương hiệu Con Cưng bị chỉ trích trên mạng xã hội và trên hệ thống truyền thông, dù chưa có bất cứ một kết luận chính thức nào từ phía cơ quan chức năng.

Tháng 7, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục QLTT kiểm tra toàn bộ các của hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Chỉ trong hai ngày 22-23/7, Cục QLTT đã kiểm tra gần 100 cửa hàng của Con Cưng. Sự vào cuộc nhanh, trên diện rộng của QLTT là điều hết sức bình thường, bởi nếu Con Cưng thực sự sai phạm thì cũng không thể tẩu tán. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây là trong khi chưa có kết luận chính thức của QLTT thì nhiều người chỉ vì thiếu thông tin nên hiểu sai, hiểu lầm, phóng đại những sai phạm liên quan đến Con Cưng.

Sự phóng đại sai phạm của Con Cưng hẳn nhiên phải có nguyên cớ. Chính những phát ngôn của QLTT là nguồn tin để dư luận, mạng xã hội hiểu sai, tung ra những lời lẽ sát thương, nhiếc móc không thương tiếc thương hiệu Con Cưng. Theo dõi sát diễn biến vụ việc, không khó nhận ra trong và sau khi kiểm tra các cửa hàng của Con Cưng, thông tin được cung cấp thiếu cân nhắc cho báo chí.

Trên các trang báo, liên tục cập nhật thông tin liên quan tới các cuộc kiểm tra của QLTT: Đã kiểm tra bao nhiêu cửa hàng, phát hiện những vi phạm gì… Chưa hết, một số thông tin được tung lên với nhiều thắc mắc, nghi ngại, kích động tẩy chay thương hiệu Con Cưng, ví như: “Con Cưng đối diện nghi vấn nghiêm trọng hơn Khaisilk”; Kiểm tra Con Cưng, phát hiện hàng có thể gây nguy hại sức khỏe trẻ sơ sinh; Sai phạm Con Cưng có thể bị xử lý hình sự…

Ứng phó với khủng hoảng thông tin, Con Cưng tuyên bố sẽ tặng một tỷ đồng cho khách hàng nếu chứng minh hàng hóa đã mua từ Con Cưng có sự gian trá về xuất xứ sản phẩm; công bố 30 văn bản của các doanh nghiệp nước ngoài, xác nhận Con Cưng đã mua sản phẩm, hoặc đặt họ gia công… Bất chấp nỗ lực trên, các cửa hàng của Con Cưng dần thưa thớt khách hàng, doanh số tụt giảm thê thảm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại buổi giao ban 389, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng, Cục QLTT phát ngôn về 7 vi phạm của Con Cưng, trong đó có 2 vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Trong khi tin đồn gây ra sự bán tín, bán nghi thì những thông tin do QLTT cung cấp lại càng làm “nóng” dư luận hơn bao giờ hết. Cũng từ đây, sức công phá từ thông tin Con Cưng bán hàng giả, hàng lậu; thậm chí đơn vị này có dấu hiệu sai phạm hình sự… bắt đầu phát huy tác dụng khi khách hàng dần dần ngoảnh mặt với Con Cưng.

Trước sự quan tâm của dư luận về vụ việc, Bộ Công thương đã công bố kết luận kiểm tra Con Cưng. Theo kết quả kiểm tra với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa của Con Cưng, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đánh giá, về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; hồ sơ nhập khẩu hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Dù vậy, qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định như vi phạm về nhãn hàng hóa. Con Cưng bị xử phạt hành chính khoảng 250 triệu đồng. Được minh oan không bán hàng giả, hàng lậu, song Con Cương đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Vi phạm, trách nhiệm của Con Cưng đã được chỉ rõ và bị xử phạt hành chính, song vụ việc vẫn chưa thể khép lại. Bởi lẽ, tại mục đ, khoản 1, Điều 5, Thông tư 13, ngày 14/5/2014; Điều 20, Thông tư 09, ngày 2/5/2013 của Bộ Công thương đã quy định rất rõ về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác, phát ngôn hoặc cung cấp thông tin đúng quy định; bảo mật thông tin… thì tại sao trong khi chưa có kết luận chính thức, thông tin vẫn được cung cấp cho báo chí?

Khi viết tới đây, tác giả nhớ những lần liên hệ với công an kinh tế để thu thập thông tin, tài liệu để viết bài, nhưng chỉ nhận được hồi âm: Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, khi có kết luận chính thức sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu như, QLTT tuân thủ đúng quy định của pháp luật, việc kiểm tra, xử phạt và cung cấp thông tin cho báo chí trên tinh thần xây dựng thì có lẽ Con Cưng không rơi vào thế điêu đứng như hiện nay.

Môi trường kinh doanh sẽ bị méo mó, doanh nghiệp sẽ ca thán khi bị cán bộ công chức hành xử không theo quy định pháp luật, lạm quyền, xác định doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý… Nên nhớ rằng, trong hay sau quá trình kiểm tra, bất kỳ lời phát ngôn của tổ chức, cá nhân đều ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp, vì vậy phải hết sức cẩn trọng.

Thêm nữa, hoạt động thanh tra, kiểm tra không chỉ bắt bớ, xử phạt hành chính mà còn phải bảo vệ những doanh nghiệp chân chính, những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Vì thế, việc Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong lực lượng QLTT qua vụ việc Con Cưng là việc làm đúng đắn.

Tháng 4/2016, tại buổi Đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk đã phát biểu: “Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý”. Lời phát biểu của bà Mai Kiều Liên đã nhận được tràng pháo tay hưởng ứng của cộng đồng doanh nhân.

Doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thác thức từ quá trình hội nhập kinh tế. Mong rằng, vụ việc Con Cưng, một lần nữa sẽ là bài học cho các cơ quan chức năng trong việc hành xử với doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải trên tinh thần xây dựng, giúp doanh nghiệp khắc phục những sai sót, vươn lên phát triển.

Kiểm tra lại quy trình vụ Con Cưng

Ngày 13/9, căn cứ các báo cáo của Bộ Công Thương và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của QLTT trong vụ việc kiểm tra hàng hóa của Con Cưng, nhất là việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Đối với Bộ TTT&TT, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, đảm bảo các thông tin truyền tải phải trung thực, khách quan, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí, internet./.

Tuấn Linh/Báo TNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *