(kontumtv.vn) – Bangkok Post nhận định, Thái Lan nên học tập kinh nghiệm từ Việt Nam và Malaysia trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định TPP.

Hiện tại, Thái Lan đã quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó cũng là thông điệp chính mà Thủ tướng nước này Prauyth Chan-ocha gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ tại Sunnylands, bang California (Mỹ).

Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan, nền kinh tế đang tăng trưởng âm của nước này sẽ có khả năng phục hồi và tăng trưởng thêm 0,77% nếu gia nhập thành công vào TPP. Tuy nhiên, điều đó có thể trở thành sự thật hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình đàm phán trước mắt. Theo một bài viết trên tờ Bangkok Post, Thái Lan nên học tập kinh nghiệm đàm phán từ Việt Nam và Malaysia – hai nước cùng khu vực nhưng đã nhanh hơn Thái Lan một bước trong quá trình gia nhập TPP.

Thực chất, Thái Lan đã có rất nhiều cơ hội để gia nhập TPP sớm hơn cả Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, nền kinh tế đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á này lại bỏ qua một loạt cơ hội. Quốc gia này đã dành một nửa thập kỷ để tìm hiểu những vấn đề xung quanh khuôn khổ hiệp định thương mại tự do trước khi đưa ra quyết định.

Từ tháng 10/2010, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã muốn Thái Lan tham dự TPP vì những lợi ích như xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư và mở rộng tăng trưởng kinh tế. Xác định TPP sẽ tạo ra một thị trường với khoảng 800 triệu dân với tổng GDP là 27.500 tỷ USD, chiếm 40% kinh tế toàn cầu, ông Abhisit đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra khuyến cáo.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị trong nước đã cản trở tiến trình này. Bên cạnh đó, bất cứ quyết định với một hiệp ước quốc tế nào cũng cần sự chấp thuận của Quốc hội theo quy định tại Điều 190 của Hiến pháp năm 2007. Vào thời điểm đó, tất cả mọi thứ dường như rất khác thường. Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 của TTP trong cùng tháng.

bangkok post: thai lan muon vao tpp thi nen hoc kinh nghiem viet nam hinh 0
Thủ tướng Thái Lan Prauyth Chan-ocha đã gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama thông điệp Thái Lan đã quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Ảnh: Internet)

Sau đó, chính phủ dưới thời của bà Yingluck Shinawatra cũng lên kế hoạch thông qua TPP dưới sự hướng dẫn của cựu Thủ tướng Thaksin – người đang sống lưu vong ở nước ngoài. Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama khi đó, các nhà đàm phán thương mại của Thái Lan vẫn không mặn mà với TPP bởi nghĩ rằng đất nước sẽ chịu nhiều thiệt hại.

Có một sự thật, bất cứ điều gì liên quan đến Mỹ thường gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo và người dân Thái Lan. Những ác cảm sâu sắc như vậy đến từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, khi Mỹ từ chối viện trợ. Điều này gây ra một vết sẹo lớn trên mối quan hệ Thái – Mỹ. Mỹ không còn là đất nước được người Thái yêu thích như nó đã từng.

Trong suốt chuyến công du của Tổng thống Obama tới Bangkok vào tháng 11/2012, bà Yingluck nói rằng, Thái Lan quan tâm đến các cuộc đàm phán của TPP. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chuyến đi, điều này đã bị bỏ ngỏ.

Trong chuyến thăm gần đây của Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – Daniel Russel, Thái Lan và Mỹ đã đồng ý đàm phán thương mại và một thoả thuận khung, gọi là TIFA – thứ đã diễn ra trong nhiều năm nhưng không tiến bộ nhiều. Trở lại giai đoạn 2003-2005, cả 2 quốc gia thương lượng một khuôn khổ tự do thương mại – thứ nhanh chóng sụp đổ bởi bằng sáng chế thuốc và các quyền sở hữu trí tuệ.

Trong quãng thời gian Thái Lan bỏ ngỏ cơ hội tham gia TPP, cả Việt Nam và Malaysia đã làm cực tốt việc đàm phán với các thành viên khác của TPP, đặc biệt là Mỹ. Bài báo trên Bangkok Post nhận định, lãnh đạo của Việt Nam và Malaysia đã có một mục tiêu dài hạn và nó được thực hiện bằng các quyết định chiến lược. Đây là điều mà Thái Lan không làm được và cần phải học hỏi.

Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do, bao gồm với EU, Liên minh kinh tế Á- Âu và những bên khác. Việt Nam cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các khuôn khổ thương mại tự do do ASEAN dẫn đầu khác.

Hiện tại, Thái Lan vẫn chưa là thành viên của TPP và có khả năng duy trì tình trạng này trong ít nhất 2 năm nữa – cho đến khi tất cả thành viên của hiệp định này thông qua thỏa thuận. Điều tốt nhất mà Thái Lan có thể làm hiện tại là phải sửa đổi các quy định và điều luật, những thức khiến họ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện tại, quốc gia này đang đánh mất khả năng cạnh tranh vốn có của mình so với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là ngành ô tô, điện tử, máy tính, may mặc và dệt may./.

Quang Trung/VOV-Bangkok

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *