(kontumtv.vn) – Nhắc đến cá niên, người ta thường nghĩ đến hình ảnh đàn cá dồi dào dưới lòng sông, thác nước của vùng núi cao. Giờ đây, cá vẫn còn, nhưng đã vơi dần, khan hiếm và có nguy cơ biến mất do sự khai thác quá mức đã và đang diễn ra trên những con nước thượng nguồn. Trước thực trạng đó, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã triển khai Dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên để tái tạo loài cá có giá trị này.

Cá niên là loài cá sạch, chỉ sống được ở nơi dòng nước chảy. Nước chảy càng mạnh, cá càng nhiều. Loài cá này chỉ ăn rong rêu nơi lòng suối. Các dòng sông, con suối ở vùng núi Kon Plông thường dốc, thác ghềnh, để sống được, con cá niên phải bơi vẫy liên tục. Nhờ vậy thịt cá săn chắc, dai ngon, thơm, ngọt nước. Mật và ruột cá có vị đắng đặc trưng.

Nắm được những đặc tính đó, gia đình anh A Tông ở thôn Vác Y Nhong, xã Đăk Ring đã đào ao, lấy nguồn nước từ núi cao về để nuôi cá niên bản địa: “Với cái điều kiện nó theo cái sông suối, đặc biệt là nuôi cá niên là phải có đá, có nước tự chảy, nước chảy xuống chảy ra thì phải tạo đủ oxy cho nó thở, sống tốt. Chứ còn để mà không có nước chảy thường xuyên, đặc biệt là mùa mưa hoặc là mưa dông xuống thì mình phải canh nước, đừng để nước đục quá thì nó ảnh hưởng”.

Anh A Tông cho biết gia đình anh là hộ duy nhất của xã Đăk Ring được chọn tham gia Dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên. Đồng hành cùng với anh là các cán bộ kỹ thuật của Trường Đại học Cần Thơ và Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông. Sau hơn 1 năm tham gia Dự án, anh đã nắm vững các kỹ thuật tạo giống, chăm sóc, nuôi cá niên làm sao đạt hiệu quả. Đến tháng 7/2021 này, sau khi kết thúc Dự án, gia đình anh sẽ bắt đầu có thương phẩm cá niên để cung cấp cho những người có nhu cầu: “Nói chung mình nuôi thì cũng dễ thôi, chịu khó tí, chăm sóc cho kỹ. Sáng, chiều rồi canh nước đều đều thấy nó vẫn sống tốt, nó dễ phát triển. Theo kinh nghiệm mình nuôi và khi cho nó đẻ là đến sáu tháng thì mình mới thu dần. Nó tương đương với giống cá bố mẹ đó là phải 8 – 12 con mới đủ 1kg”.

Khoảng chục năm về trước, cá niên được nhiều bà con người Xê Đăng nhánh K’Dong xã Đăk Ring đánh bắt về chủ yếu để cải thiện bữa ăn chứ không bán. Vài năm trở lại đây, việc giao thương, đi lại thuận lợi hơn, loài cá niên nơi thượng nguồn cũng trở thành đặc sản nơi miền xuôi.

Bà Y Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ring, huyện Kon Plông cho biết, Dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên khi thành công sẽ đem lại rất nhiều giá trị đối với địa phương. Không chỉ tái tạo nguồn lợi thủy sản, mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ món ăn được coi là đặc sản của đại ngàn này. Được biết, giá mỗi kg cá niên hiện tại từ 250 – 300.000/kg: “Đến thời điểm hiện tại thì dự án cũng đang phát triển rất là tốt và khi dự án kết thúc thì xã cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai dự án, nhằm mục đích là bảo tồn giống cá niên có trên địa bàn xã”.

Bà Y Hành cho biết thêm, ngày xưa, bà con bắt cá niên cũng chỉ dùng những phương thức đánh bắt thủ công thô sơ như lưới, đơm, cần câu nên vẫn giữ được số lượng đàn cá. Khi đó, bà con có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con cá lấp lánh ánh bạc bơi qua khe suối trong vắt. Còn giờ lặn mãi cũng không thấy cá nhiều nữa: “Xã đã chỉ đạo cho Công an phối hợp với Dân quân thường xuyên đi kiểm tra, truy quét một số đối tượng sử dụng các thiết bị không cho phép để đánh bắt cá. Xã cũng đã đưa ra các quy định về sử dụng các phương tiện thô sơ để đánh bắt tại các sông suối trên địa bàn”.

Ông Trịnh Xuân Quý, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết, Dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên bắt đầu triển khai từ năm 2019 và kết thúc trong năm 2021. Dự án được thực hiện thí điểm tại 03 xã Đăk Ring, Ngọc Tem, Đăk Nên của huyện Kon Plông, với tổng kinh phí đầu tư hơn 930 triệu đồng. Dự án do Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện: “Thành công thì nó có mấy cái giá trị, thứ nhất là giá trị về mặt bảo tồn nòi giống cá gọi là đặc biệt của huyện. Thứ hai là về mặt thương phẩm, về mặt nâng cao sinh kế người dân thì cũng có một nguồn lợi đáng kể cho người dân, góp phần thu nhập giảm nghèo cho người dân. Cái thứ ba nữa là khi mà họ nuôi được nhiều, thì chúng tôi sẽ đưa vào sản phẩm đặc trưng của huyện”.

Có thể nói, Dự án đã thành công bước đầu trong việc nỗ lực bảo tồn nguồn giống cá niên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên. Đây là cơ sở, nền tảng cho huyện Kon Plông xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá niên sau này, cũng như có những tính toán kỹ lưỡng và khuyến cáo người dân khi tham gia phát triển sản phẩm cá Niên đặc trưng của địa phương.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *