(kontumtv.vn) – Đến thời điểm này có thể thấy rõ nguy cơ, alumin Tây Nguyên không đủ dùng trong nước trong vòng 3 năm tới. TKV dự kiến sẽ sớm nhân đôi công suất alumin Tân Rai và Nhân Cơ từ 1,3 triệu tấn/năm lên thành 2,6 triệu tấn alumin/năm.

Mỗi năm, Việt Nam tốn hơn 1,2 tỷ USD nhập nhôm. Trong khi đó, Việt Nam lại có nguồn quặng bô-xít thuộc hàng lớn nhất thế giới. Nếu phát triển thành công công nghiệp nhôm, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trên bản đồ cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay nhu cầu Alumin để phát triển chế biến nhôm đã vượt qua khả năng cung cấp của Tân Rai, Nhân Cơ. Có thể thấy rõ nguy cơ, alumin Tây Nguyên không đủ dùng trong nước trong vòng 3 năm tới.

Thời cơ cho nền công nghiệp mới

Kết quả từ chuyến đi thị sát tổ hợp bô- xit Tây Nguyên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã tiếp tục khẳng định, tiềm năng khai thác bô-xít và hình thành nền công nghiệp tại đây rất khả thi.

Một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Việt Nam đang phải phụ thuộc 100% nhôm nhập ngoại. Mỗi năm, chúng ta phải nhập hơn 500 ngàn tấn nhôm, mất 1,2 tỷ USD. Nhu cầu này sẽ tăng 10% với chủ trương phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng, máy móc, cơ khí…

tân-rai, nhân-cơ, bô-xít, tây-nguyên, nhom, alumin, bùn-đỏ
Dự án bô – xít Tân Rai.

Nếu như Việt Nam hình thành được nền công nghiệp nhôm, toàn bộ 1,2 tỷ USD trên sẽ không mất đi đâu mà biến nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế GDP. Mức đóng góp này ước tính là 0,3 điểm phần trăm. Chưa kể, kéo theo nền công nghiệp nhôm là mở ra chuỗi sản xuất các sản phẩm từ nhôm như đồ gia dụng, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, khung cửa với lợi thế tự chủ nguyên liệu trong nước. Sản phẩm hàng hoá của Việt Nam sẽ có điều kiện để tăng nội địa hoá.

Mục tiêu quan trọng nhất khi Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam quyết tâm đưa dự án bô xit Tây Nguyên đi vào hiện thực và được Chính phủ ủng hộ cũng chính là nhằm hướng tới hình thành nền công nghiệp cơ bản này.

Tại chuyến thị sát lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp, không phải chúng ta khai thác bô xit, sản xuất ra alumin là để xuất khẩu và dừng ở đó. Quan trọng hơn, từ alumin, chúng ta làm ra được nhôm và các sản phẩm sau nhôm, hình thành nền công nghiệp mới ở Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Trưởng ban Khoáng sản- hoá chất, Tập đoàn TKV cho biết, nhôm vẫn là thứ kim loại màu quan trọng của thế kỷ 21, chỉ đứng sau thép. 90% alumin- một loại nguyên liệu rất tinh khiết sản xuất từ quặng bô xit, là để điện phân ra nhôm. Nhu cầu mặt hàng này trên thế giới tăng cao, đặc biệt là ở Trung Quốc, Indonesia, Trung Đông…

Việt Nam là 1 trong 10 nước trữ lượng bô xit lớn nhất thế giới và có chất lượng tốt nhất thế giới.

Các mỏ bô xít hầu hết tập trung ở ở Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum, trữ lượng lớn, nằm gần nhau nên rất thuận lợi để xây dựng khu liên hợp khai thác bô xít và sản xuất alumina với quy mô lớn, thời gian hoạt động lâu dài từ 50 đến 100 năm. Đây chính là tiền để để hình thành vùng công nghiệp nhôm đồng bộ.

Lan toả sang khu vực tư nhân

Từ thực tế các dự án bô-xít, tín hiệu tích cực nhất không phải ở việc sản phẩm alumin làm ra từ quặng bô xít Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng đã thu về hiệu quả mà quan trọng hơn, tổ hợp dự án bô xít đã tạo hiệu ứng thu hút đầu tư tư nhân tham gia.

Năm 2012, Công ty TNHH Trần Hồng Quân đã bắt đầu xúc tiến đầu tư và đến tháng 6/2014, nhà máy điện phân nhôm Đắc Nông của công ty này đã được cấp phép. Công suất chia làm 3 giai đoạn với mức tối đa là 450 ngàn tấn nhôm/năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá rất cao tính tự chủ tài chính, không cần bảo lãnh của Chính phủ của doanh nghiệp.

tân-rai, nhân-cơ, bô-xít, tây-nguyên, nhom, alumin, bùn-đỏ

Đại diện công ty Trần Hồng Quân cho biết, toàn bộ tổng vốn 665 triệu USD đều do doanh nghiệp này tự lo. Công ty đã chuẩn bị đủ vốn tự có là 20%. Hiện, công ty đang đàm phán khâu cuối cùng về việc vay vốn nước ngoài một khoản 200 triệu USD, phục vụ cho phần kỳ 1 dự án, từ nguồn tín dụng xuất khẩu ECA theo hình thức tín dụng bắc cầu, không có bảo lãnh của Chính phủ. Dự kiến trong quý I/2015, hợp đồng vay vốn với các tổ chức tín dụng sẽ được hoàn tất.

Lãnh đạo công ty cũng cho hay, dự kiến năm 2017 sẽ bắt đầu có sản phẩm nhôm thương mại và đến năm 2019, sẽ hoàn thành công suất 450 ngàn tấn nhôm.

Nhu cầu tiêu thụ alumin của nhà máy nhôm Trần Hồng Quân sẽ lên tới 900 ngàn tấn /năm để đáp ứng công suất là 450 ngàn tấn nhôm/năm.

Trong khi đó, toàn bộ công suất hiện nay ở nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng đều đã được các khách hàng quốc tế bao tiêu hết. Nhà máy alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắc Nông dự kiến hoạt động cuối năm nay cũng chỉ có công suất 650 ngàn tấn, thiếu ít nhất 250 ngàn tấn alumin cho nhu cầu của Trần Hông Quân.

Tập đoàn Huyndai, Hàn Quốc cũng đang xúc tiến một dự án nhà máy chế biến nhôm, công suất dự kiến còn cao hơn của dự án của Trần Hồng Quân. Do vậy, thời điểm này có thể thấy rõ nguy cơ, alumin Tây Nguyên không đủ dùng trong nước trong vòng 3 năm tới.

TKV dự kiến sẽ sớm trình dự án nhân đôi công suất alumin của cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ từ 1,3 triệu tấn/năm lên thành 2,6 triệu tấn alumin/năm.

Tiêu thụ nhôm của thế giới trong các năm qua tăng rất nhanh: Năm 2010 là 40,2 triệu tấn, năm 2012: 45,9 triệu tấn, năm 2003 khoảng 48,8 triệu tấn và dự báo 2015 là 55,0 triệu tấn (trong 5 năm tăng 1,37 lần).

Tiêu thụ nhôm tăng kéo theo nhu cầu alumin cho điện phân nhôm cũng tăng: Năm 2010 là 80,6 triệu tấn, năm 2012: 90,9 triệu tấn, năm 2013 khoảng 96,8 triệu tấn, dự báo 2015 là 110,1 triệu tấn (trong 5 năm cũng tăng 1,37 lần). Khu vực Châu Á đang thiếu hụt Alumina, phải nhập khẩu từ Úc hoặc Nam Mỹ, với khoảng cách rất xa, làm tăng chi phí.

Phạm Huyền/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *