(kontumtv.vn) – Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và thiên tai bão lũ, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum vẫn có những bước phát triển nổi bật. Qua đó từng bước tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương đi lên.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công  nghệ cao (NNUDCN) gắn với chế biến là một trong 03 lĩnh vực đột phá quan trọng của tỉnh Kon Tum, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, cả tỉnh có gần 8.000 ha diện tích sản xuất NNUDCNC. Theo đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng UDCNC như dự án Chăn nuôi bò sữa tại huyện Sa Thầy; dự án Trồng cây ăn quả tại huyện Kon Rẫy; hình thành 02 vùng sản xuất nông NNUDCNC và công nhận 02 doanh nghiệp NNUDCNC. Trong đó có Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát, hiện đang đầu tư trồng cây mít xen sầu riêng tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà theo tiêu chuẩn Global Gap với quy mô dự kiến gần 400 ha. Anh Phạm Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát cho biết: “Toàn bộ quá trình chăm sóc, bón phân, làm cỏ hay thu hoạch đều phải đưa vào nhật ký và nhật ký đấy sẽ do công ty cung cấp tiêu chuẩn Global G.A.P. người ta sẽ kiểm soát và cuối cùng đến cái đoạn chế biến, thì toàn bộ phải đáp ứng 100% vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được phép. Và hiện tại như mô hình tại đây thì công ty đã đáp ứng được khoảng độ trên 80% tất cả các tiêu chí rồi, nhưng mà còn đến khi ra trái và đi kiểm nghiệm nữa là công ty chắc chắn sẽ đạt được 100% tiêu chí Global G.A.P.”

Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục phát triển cây dược liệu, mở rộng và hình thành các vùng chuyên canh, các vùng nguyên liệu đối với cây hồng đẳng sâm, đương quy, sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 1.500 ha, đạt sản lượng hơn 4.600 tấn/năm. Từ đó đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng giảm nghèo hiệu quả cho bà con DTTS ở các huyện vùng Đông Trường Sơn. Chị Y Tuấn ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói: “Từ khi tôi đi làm cây sâm đương quy này thì thấy giá nó ổn định, thấp nhất là bên HTX thu mua là 45.000/kg. Tôi thấy làm cái sâm đương quy này là có hiệu quả và nó đạt, bà con thu nhập nó cao hơn so với mì. Nên tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thêm với tuyên truyền cho các hộ khác nữa”.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị nông sản và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, các chuỗi liên kết sản xuất đã được hình thành và phát triển. Trong đó có các chuỗi cà phê chè, cà phê vối, cây ăn quả, mía đường và cây dược liệu. Các chuỗi giá trị này đã phát huy được hiệu quả từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh. Anh Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ – Thương mại Trường Tiến Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết:  “Trước tiên là HTX chúng tôi cung cấp giống và hỗ trợ về kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu mua. Mình bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân để cho ổn định. Liên kết được 216 hộ dân toàn xã để họ trồng nguyên liệu, dược liệu là đầu vào cho mình để ổn định sản xuất và cũng vừa là thu nhập cao cho bà con nông dân tại địa phương”.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cũng có những bước phát triển nổi bật. Đến nay, sau 02 năm triển khai thực hiện, tỉnh Kon Tum có hơn 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh và một sản phẩm tiềm năng đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình trung ương công nhận đạt 05 sao. Từ đó phát huy và làm tăng giá trị sản phẩm; nâng cao mức chuẩn hóa sản phẩm; xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể OCOP. Chị Trần Thị Thúy Anh, Quản lý cửa hàng Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn, huyện Kon Plông cho biết: “Hiện tại công ty có sản xuất có được 04 sản phẩm đạt được OCOP là vang sim rừng Măng Đen, vang sim rừng Măng Đen 1 và nước ép sim rừng, nước chiết sâm dây Ngọc Linh. Nói chung là từ khi đạt được OCOP thì thương hiệu được mọi người biết đến nhiều hơn, với lại được bên huyện hỗ trợ, rồi quảng bá sản phẩm, rồi đi tham gia các hội chợ công thương, nên các sản phẩm của công ty được tăng doanh thu hơn và sản lượng sản xuất cũng được nhiều hơn”.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp tỉnh đạt hơn 4%. Đây được xem là mức tăng trưởng khá dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và thiên tai bão lũ. Đây cũng là tiền đề để ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tái cơ cấu, chuyển dịch theo hướng sản xuất an toàn, bền vững trong thời gian tới: “Ngành tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và HĐND tỉnh thực hiện các lĩnh vực đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, như phát triển NNCNC gắn với chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; phát triển đề án dược liệu theo đúng mục tiêu đã quy định và đồng thời hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả theo Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đề ra; phát triển diện tích cây mắc ca; rồi trồng rừng đảm bảo đúng theo chỉ tiêu Nghị quyết. Thứ hai là tập trung hướng dẫn các chủ thể sản xuất và đặc biệt là người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, như là VietGap hoặc là GlobalGap hoặc  tiêu chuẩn cao hơn đó là Organic để hướng tới các thị trường xuất khẩu khó tính hơn”.

Trong năm 2021, tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *