(kontumtv.vn) – Gần 100 năm qua, từ “Cà phê CADA” đến “Cà phê Buôn Ma Thuột” luôn là niềm tự hào, mang lại ấm no cho người dân Tây Nguyên.
Những ngày này, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 đang diễn ra sôi động trên cao nguyên Đắk Lắk, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, chào mừng 110 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển. Thông qua hoạt động này nhằm tôn vinh người trồng cà phê, cũng như những giá trị mà cà phê mang lại cho vùng đất Tây Nguyên suốt hơn 100 năm qua.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực mang lại ấm no, giàu có cho người dân Tây Nguyên; hơn thế nữa cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 26km về phía Đông, những vườn cà phê tại xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, đang nở hoa trắng xóa. Chính tại nơi đây 100 năm trước, Công ty Cao nguyên Đông Dương và Công ty Nông nghiệp An Nam đã lập nên Đồn điền CADA, với 260ha cà phê, chính thức đưa loại cây này đến trồng tập trung quy mô lớn trên Tây Nguyên.
Đất tốt, lại ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, nên cà phê vùng này được các nhà rang xay tại Pháp đánh giá chất lượng thơm ngon, đậm đà hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở những thuộc địa khác. Vậy nên, chỉ khoảng 10 năm sau đó, đã có thêm 26 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm ha, đưa loại cây trồng này trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Thấm thoắt đã 100 năm, đồn điền CADA, địa danh nổi tiếng ngày nào, nay là một Di tích lịch sử cấp quốc gia, được Nhà nước đầu tư phục dựng dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 (năm 2011).
Dẫn chúng tôi đi thăm Di tích miếu thờ tại đồn điền CADA, ông Võ Ngọc Nam ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk, cho biết, đây là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk và điểm liên lạc bí mật của cách mạng trong kháng chiến. Ngôi miếu cổ giờ chỉ còn dấu tích là một mảng tường bị bao trùm bởi gốc đa lớn. Một ngôi miếu mới được phục dựng dưới tán đa, làm nơi thờ phụng những người trồng cà phê đã khuất năm xưa.
“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây cũng là địa điểm để các nhà cách mạng về hội họp, sau này được Nhà nước công nhận thành một điểm trong khu di tích CADA. Nơi đây trước kia là đồn điền cà phê, sau khi Nông trường cà phê Phước An (nay là Công ty cà phê Phước An) tiếp nhận vẫn triển khai trồng cà phê. Vùng đất đỏ bazan này hợp với cây cà phê, nhờ có loại cây này mà người dân đã có cuộc sống như ngày hôm nay”, ông Nam cho biết.
Từ Buôn Ma Thuột, cây cà phê đã vươn ra khắp vùng Tây Nguyên, với tổng diện tích hơn 550.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 1,5 triệu tấn. Riêng tại Đắk Lắk – thủ phủ cà phê của Tây Nguyên, năm 2014 sản phẩm cà phê chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu, thu về hơn 650 triệu USD. Cây cà phê đang giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp. Cây cà phê đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no, giàu có cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Ông Y Đjhai (dân tộc Ê Đê) ở buôn Sahp, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nhờ trồng cà phê mà gia đình ông đã chăm lo cho 9 người con ăn học đàng hoàng, xây được căn nhà hơn 1 tỷ đồng.
“Nhờ được công ty đầu tư, phát triển trồng cây cà phê nên đời sống của gia đình tôi cũng như bà con buôn làng ngày càng ổn định, khấm khá. Công ty hỗ trợ người dân, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, cắt tỉa cành, làm cỏ… Nhờ sự tận tình hướng dẫn của công ty nên cây cà phê phát triển tốt, nhiều quả, giúp cho đời sống bà con ngày càng tốt hơn”, ông Y Đjhai bày tỏ.
Sản phẩm cà phê Tây Nguyên hiện nay đã được xuất khẩu đến 60 nước và vùng lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, và chiếm tới một nửa sản lượng robusta toàn cầu.
Theo ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Tây Nguyên được cả thế giới biết đến bởi hương vị thơm ngon tự nhiên đặc trưng không nơi nào có được. Hương vị cà phê ấy đã được khẳng định qua quá trình lịch sử hàng trăm năm, từ cà phê CADA thời Pháp thuộc đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngày nay.
“Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu phù hợp thì cà phê Tây Nguyên có thể tạo ra sản lượng rất lớn. Tuy nhiên sự phù hợp ở đây còn đòi hỏi ở chất lượng cao, vì yếu tố độ cao và biên độ nhiệt độ ngày đêm là hai yếu tố chính quyết định chất lượng cà phê robusta của Buôn Ma Thuột. Cây cà phê có lịch sử hàng trăm năm, ngành cà phê trải qua nhiều thăng trầm rất ghê gớm, nhưng chưa bao giờ người dân xa rời cây cà phê; và chính quá trình lịch sử lâu dài như vậy nên kỹ năng trồng chăm sóc cây cà phê của người dân cũng được tăng lên”, ông Trịnh Đức Minh nói.
Xác định cà phê là cây trồng chủ lực, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng như các bộ, ngành liên quan đã quy hoạch và quan tâm đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Cùng với việc đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương và ngành chức năng luôn quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường thế giới.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có khoảng 203.000 ha cà phê, nhưng dần dần sẽ có sự điều chỉnh chuyển đổi trở lại, để đảm bảo được tính bền vững cho cây cà phê trong giai đoạn tiếp theo. Mục đích là làm sao chúng ta giữ cho được những diện tích cà phê phù hợp với những vùng sinh thái khí hậu thời tiết và có những nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất cà phê. Thứ hai là chúng ta vẫn phải đảm bảo được sản lượng cà phê, để ổn định thu nhập của người dân, cũng như sự phát triển của địa phương.
Ngót một thế kỷ có mặt trên vùng đất Tây Nguyên, từ “Cà phê CADA” đến “Cà phê Buôn Ma Thuột”, những giá trị do thương hiệu nổi tiếng thế giới này mang lại đã làm rạng danh một vùng đất, là niềm tự hào của Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần cũng nhằm tôn vinh những giá trị đó./.